“Bãi rác thải lớn nhất TP Nam Định gây ô nhiễm”: Công Ty CP MT Nam Định có đủ năng lực tiếp quản?

“Bãi rác thải lớn nhất TP Nam Định gây ô nhiễm”: Công Ty CP MT Nam Định có đủ năng lực tiếp quản?

Trong khi khu vực bãi rác thải lớn nhất TP.Nam Định đang tồn tại nhiều bất cập, gây ô nhiễm nghiêm trọng thì UBND tỉnh Nam Định lại có quyết định tạm giao cho Công ty CP môi trường Nam Định quản lý, vận hành Khu Liên hợp xử lý rác thải, có giá trị tài sản cố định hình thành từ nguồn vốn sự nghiệp hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, từ khi quản lý, vận hành, Công ty CP môi trường Nam Định không đầu tư nâng cấp, sửa chữa, khiến Khu Liên hợp xử lý rác thải xuống cấp nghiêm trọng, nhiều lần phải dừng hoạt động.

Dây chuyền tuyển chọn rác nhà sơ bộ ngừng hoạt động từ nhiều tháng nay

Theo Quyết định số 2888/QĐ-UBND, ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty TNHH MTV môi trường Nam Định (nay là Công ty CP môi trường Nam Định), giá trị thực tế doanh nghiệp và giá trị thực tế vốn nhà nước là hơn hơn 82 tỷ 241 triệu đồng.

Trong đó, tài sản không đưa vào cổ phần hóa (tính theo giá trị trên sổ kế toán) hơn 53 tỷ 187 triệu đồng và nợ thực tế phải trả là hơn 7 tỷ109 triệu đồng; giá trị thực tế vốn nhà nước tại Công ty hơn 21tỷ 944 triệu đồng.


Quyết định số 2888QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định

Cũng theo Quyết định số 2888, đối với tài sản sự nghiệp phục vụ mục đích công cộng không tính vào giá trị thực tế doanh nghiệp khi cổ phần hóa, UBND tỉnh Nam Định tạm giao tài sản cố định hình thành từ nguồn sự nghiệp hơn 53 tỷ 187 triệu đồng phục vụ cho nhiệm vụ công ích trên địa bàn TP.Nam Định cho Công ty TNHH MTV Môi trường để tiếp tục theo dõi, quản lý, khai thác, sử dụng sau khi cổ phần hóa.

Đồng thời, giao UBND thành phố Nam Định chủ trì, phối hợp với Công ty xây dựng quy chế quản lý sử dụng đối với tài sản này, xin ý kiến các ngành chức năng, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trước thời điểm chính thức chuyển sang công ty cồ phần.

Khu nhà xưởng bị tốc mái để hoang

Ngay sau khi được cổ phần hóa, đầu tháng 8/2016, Công ty CP môi trường Nam Định được UBND tỉnh Nam Định tạm giao quản lý, vận hành Khu Liên hợp xử lý rác thải nằm trong khu vực bãi rác thải của TP Nam Định.

Tuy nhiên, ngày 12/8/2016 Công ty có văn bản số 45/BC-CTMT, báo cáo UBND TP.Nam Định và các cơ quan chức năng về việc dừng hoạt động nhà máy xử lý rác thải.

Hơn một năm sau, ngày 25/9/2017, Công ty tiếp tục có tờ trình số 246/TTr-CPMT, về việc xin tạm dừng một số dây truyền Khu Liên hợp xử lý rác thải, với lý do hạ tầng cơ sở và nhiều trang thiết bị, hệ thống nhà xưởng đã xuống cấp, không có cơ chế rõ ràng về quản lý, sử dụng tài sản dùng cho hoạt động sự nghiệp công ích tại Khu Liên hợp xử lý rác thải TP.Nam Định.

Lý giải về điều này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP môi trường Nam Định Triệu Đức Kiểm, cho rằng: Công ty không thể lấy vốn của các cổ đông để đầu tư vào nhà máy xử lý rác được, vì đầu tư vào đấy là mất vốn. Hơn nữa, việc UBND tỉnh tạm giao cho Công ty quản lý, sử dụng tài sản của nhà máy xử lý rác là sai với quy định.

Có lẽ vì lý do này mà cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, dây chuyền của Khu Liên hợp xử lý rác không được UBND tỉnh Nam Định cũng như Công ty CP MT Nam Định đầu tư nâng cấp sửa chữa, cải tạo nên ngày càng xuống cấp, phải tốn nhiều tỷ đồng mới có thể khắc phục, đưa vào sử dụng được.

Hàng chục nghìn mét khối nước rích chưa được xử lý

Hiện nay, bãi rác không những nằm giữa các khu dân cư, mà khoảng cách ngày càng sát nhà dân, không đảm bảo theo quy định, trong khi đó, rác thải được xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện có khoảng 20.000 m3 nước rích phát sinh tồn đọng ở 2 hồ chứa và hố chôn lấp chưa được xử lý…

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nam Định Nguyễn Hữu Tần, cho biết: “Hiện nay, diện tích bãi chôn lấp gần như được lấp đầy, các công trình bảo vệ môi trường đã xuống cấp. Người dân các xã xung quanh cũng đã có nhiều ý kiến phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực bãi rác.

Qua kết quả quan trắc, phân tích nguồn nước thải tại Khu Liên hợp xử lý rác thải TP Nam Định ngày 8/8/2017, có 4/17 thông số vượt Quy chuẩn 25:2009/BTNMT (cột B1), bao gồm Độ màu vượt 1,27 lần, BOD5 vượt 1,66 lần, Sunfua vượt 1,44 lần, Coliform vượt 2,3 lần. Kết quả phân tích nguồn nước thải ngày 5/10/2017 cũng có 4/17 thông số vượt Quy chuẩn 25:2009/BTNMT (cột B1), bao gồm Độ màu vượt 1,44 lần, BOD5 vượt 1,18 lần, Sunfua vượt 1,52 lần, Coliform vượt 3,1 lần”.

Một số đoạn tường bao của khu vực bãi tập kết, hố chôn lấp bị đổ

Qua tìm hiểu thực tế được biết, Dự án xử lý rác thải TP.Nam Định (nay là Khu Liên hợp xử lý rác thải TP.Nam Định) được đầu tư xây dựng từ năm 1999, gồm có: Nhà máy xử lý rác thải do Chính phủ Pháp viện trợ được đưa vào sử dụng từ năm 2003; Lò đốt rác vô cơ và rác thải công nghiệp được UBND tỉnh đầu tư đưa vào vận hành, sử dụng từ năm 2009; Trạm xử lý nước rỉ rác sử dụng từ năm 2011 và hố chôn lấp rác thải sinh hoạt.

Sau thời gian hoạt động đến nay, nhà máy xử lý rác bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng, thiếu xe chuyên dùng. Một số khu nhà xưởng không còn mái che, một số đoạn tường bao của khu vực bãi tập kết, hố chôn lấp bị đổ.

Đặc biệt, hiện nay hệ thống băng tải xích và lồng quay tuyển chọn rác không thể sử dụng được, cần phải thay thế. Lò đốt rác vô cơ và rác thải công nghiệp đã được vận hành 8 năm, hiện cũng rơi vào tình trạng hoen gỉ…

Lò đốt rác vô cơ và rác thải công nghiệp hiện cũng rơi vào tình trạng hoen gỉ

Bãi tập kết rác thải đang gây ô nhiễm, còn Khu Liên hợp xử lý rác thì bị “lãng quên”, có nguy cơ trở thành hoang phế. Việc quy hoạch, mở rộng khu vực bãi tập kết, xử lý rác thải về phía huyện Mỹ Lộc cũng như mới đây, khi Công ty CP môi trường Nam Định đào múc thêm hố chôn lấp rác ngay sát khu dân cư, đang khiến người dân thêm lo lắng, bức xúc…

Hàng loạt vấn đề bất cập, tồn tại đang cần có giải pháp tháo gỡ. Nhưng từ khi tạm thời được giao quản lý, vận hành, dường như Công ty CP môi trường Nam Định không mấy quan tâm.

Dư luận đặt câu hỏi, liệu Công ty CP môi trường Nam Định có đủ năng lực tiếp quản, vận hành Khu Liên hợp xử lý rác thải của TP Nam Định?

Xuân Phương – Hà Hương Nam
(báo tài nguyên môi trường)


TOP