Từ thực tiễn đời sống, anh Trần Văn Kiều (sinh năm 1977), Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú, huyện Xuân Trường (Nam Định) đã hiện thực hóa ý tưởng xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt và cải tạo bãi rác thành công viên xanh, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho của anh Trần Văn Kiều. Sản phẩm lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho cũng đã được bình chọn là 1 trong 10 sản phẩm dịch vụ tiêu biểu vì thiên nhiên môi trường bền vững, do Ban tổ chức Chương trình công nghệ xanh quốc gia chứng nhận. Anh Kiều là một trong những điển hình tiên tiến được tuyên dương nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề cơ khí nổi tiếng tại thị trấn Xuân Trường, anh Kiều luôn ấp ủ dự định nghiên cứu, sáng tạo những máy móc hữu ích phục vụ cuộc sống, giảm sức lao động cho người dân. Với đam mê tìm tòi, năm 2009 anh Trần Văn Kiều bắt đầu hành trình sáng tạo với các sản phẩm đầu tay là máy nghiền rơm, máy ấp trứng…Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nặng nề từ nguồn rác thải sinh hoạt, năm 2012, anh Kiều đã nghiên cứu, chế tạo máy nghiền rác, có thể nghiền, cắt được nhiều loại rác. Tuy nhiên, qua thực tế, máy nghiền rác mới chỉ làm giảm thể tích rác thải, kéo dài thời gian khai thác bãi chôn lấp nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề tồn đọng trong công tác xử lý rác thải. Vì vậy anh Kiều quyết định chuyển hướng nghiên cứu công nghệ lò đốt.
Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Kiều đã mạnh dạn đầu tư 3 tỷ đồng lắp đặt lò đốt rác tại bãi rác ở xã Xuân Tiến (huyện Xuân Trường). Thời điểm đó, do không tin vào ý tưởng của anh, một số công nhân trong xưởng cơ khí của gia đình khi biết anh chuyển sang chế tạo lò đốt rác đã xin nghỉ việc. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng anh Kiều không nản chí.
Qua nghiên cứu công nghệ xử lý rác của một số nước trên thế giới, bằng phương pháp tổng hợp, sáng tạo, sau khoảng 2 năm anh Kiều đã chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân, tự sinh năng lượng (Losiho).
Lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho bao gồm: Buồng đốt sơ cấp và buồng đốt thứ cấp. Buồng đốt sơ cấp gồm không gian sấy, không gian cháy chính; buồng đốt thứ cấp gồm không gian cháy kiệt, khoang lưu khí, các chất đốt kiệt ngăn ngừa tái sinh khí độc.Lượng nhiệt duy trì quá trình cháy trong lò do bản thân rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa các nhiệt bức xạ, nhiệt lượng trong quá trình phản ứng hóa học, phân hủy rác mà không cần bất kỳ nguồn năng lượng khác từ bên ngoài. Khí gas sinh ra từ quá trình nhiệt phân không chỉ đốt cháy rác ở buồng đốt sơ cấp mà còn tiếp tục lên buồng đốt thứ cấp để đốt triệt khí độc trước khi qua thiết bị xử lý khí để thải ra môi trường. Sau khi rác được đốt thành tro xỉ, có thể sàng lọc để làm phân bón, phụ gia sản xuất vật liệu gạch không nung…
Theo kết quả lấy mẫu phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường) vào năm 2016 khí phát thải từ lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho đảm bảo các chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Với những tính năng vượt trội như diện tích đặt lò đốt không lớn, công suất 100 tấn/ngày/lò, đặc biệt là kinh phí đầu tư, chi phí vận hành thấp…,lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho đã được nhiều địa phương sử dụng. Tính đến đầu năm 2018, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú đã cung cấp ra thị trường 150 lò đốt rác thương hiệu Losiho trên toàn quốc.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác xử lý rác thải của tỉnh Nam Định, tháng 6/2017, anh Kiều đã nhận triển khai dự án “Tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt” tại bãi rác ở thị trấn Xuân Trường. Đây là bãi rác rộng hơn 1 héc-ta đã tồn tại trên 20 năm, luôn ở trong tình trạng quá tải.Nhiều diện tích đất canh tác của người dân xung quanh khu vực bãi rác bị ảnh hưởng, không thể gieo cấy. Trước thực trạng đó, anh Kiều đã cho xây tường bao xung quanh, quy hoạch khu vực đặt lò đốt Losiho trên diện tích khoảng 1.500 m² để đốt rác thải; dùng hóa chất, vôi bội xử lý các hố chôn lấp trước đây, sau đó bơm cát, lấp đất xử lý nền trồng cỏ bề mặt.
Sau 6 tháng thi công, bãi rác quá tải ngày nào đã trở thành công viên xanh rộng rãi, thu hút khoảng 200 lượt người đến thăm quan, vui chơi mỗi ngày. Nếu không phải người dân ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường thì thật khó có thể hình dung công viên này trước đây vốn là “núi” rác của thị trấn. Công viên được phủ một màu xanh của hoa, lá, cỏ, cây, có khuôn viên dành cho người đi bộ, tập thể dục và khu nhà tập thể thao.
Với những sáng tạo và cống hiến hữu ích, anh Trần Văn Kiều là một trong những tài năng trẻ được Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương với danh hiệu “Doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011 – 2015. Năm 2011, anh Kiều vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng “Giải thưởng Lương Định Của”; Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn trao giải “Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam” năm 2012; Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Huy chương Vàng “Đổi mới – sáng tạo” năm 2014.
Theo Vũ Văn Đạt (TTXVN)
- Làng cổ Nam Định đánh chuông đón Năm mới
- Sau 3 năm dân mạng càng ngỡ ngàng với nhan sắc của “Hot girl PTTM“
- 10X Nam Định ghi 100 điểm Khởi động ở cuộc thi tuần Olympia
- Khai ấn đền Trần Nam Định bắt nguồn từ đâu?
- Lục tàu xá Nam Định
- Ngắm những nhà thờ Nam Định trong mùa Giáng sinh
- Nói về con gái Nam Định
- Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia : Phủ Quảng Cung
- Làng nghề nấu rượu Kiên Lao Nam Định
- Nhà thờ Giáo xứ Trung Linh giáo phận Bùi Chu
- 5 món ngon nổi tiếng ở Thành Nam
- 20 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc khí
- Mảnh đất ngã ba sông
- Bé trai nặng kỷ lục 6,1 kg chào đời ở Nam Định
- Bé gái hơn 1 tuổi ở Nam Định Bị ô tô húc văng xa hàng chục mét
- Nam Định: Một mùa du lịch biển khởi sắc hứa hẹn đón hơn 150 nghìn lượt khách
- Hải Hậu: Đi cà kheo, đánh trồng cà rùng… mừng ngày Quốc Khánh
- Đền chùa Diêm Điền Thị Trấn Ngô Đồng – Giao Thủy
- 5 CSGT rượt bắt thanh niên phóng xe bạt mạng trên đường
- Nam Định với lời giải bài toán “khiếu kiện vượt cấp”
- Học sinh trường THPT Lê Hồng Phong Nam Định giành suất sang Mỹ thi chung kết MOSWC 2017
- Nam Định: Xây công trình… để bỏ hoang