Thủ khoa trăn trở về bữa ăn của người Việt

Thủ khoa trăn trở về bữa ăn của người Việt

Qua quan sát và tìm hiểu, Dung tâm sự, phần lớn người dân ở Hải Sơn, Nam Định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách.

Tháng 12/2017, Nguyễn Thùy Dung tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong khi tới tận tháng 6/2018 bạn bè cùng khóa mới ra trường.

Nguyễn Thùy Dung (22 tuổi, lớp K59 Xã hội học A) là thủ khoa xuất sắc năm 2018 khoa Lý luận chính trị xã hội, ngành xã hội học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với điểm học tập toàn khóa đạt 3,71/4.

Năm 2014, Nguyễn Thùy Dung thi được 22,5 điểm khối D (Toán – Ngữ văn -tiếng Anh), em chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo định hướng và truyền thống học tập, công tác của gia đình.

Hơn nữa, Dung đăng ký học ngành Xã hội học để có cơ hội hiểu biết rộng rãi, khoa học về con người, cuộc sống, môi trường vùng nông nghiệp, nông thôn.

Ở trường thầy cô, bạn bè nhận xét Nguyễn Thùy Dung là “đặc biệt chăm chỉ”, vì khả năng vừa học tốt vừa tích cực tham gia rất nhiều hoạt động khác.

Bởi lẽ, trong khi phần lớn sinh viên chỉ tập trung học tốt giáo trình thì Thùy Dung lại mày mò tìm đọc thêm tài liệu trong nước, quốc tế để hiểu sâu, rộng hơn các vấn đề.

Nguyễn Thùy Dung và báo cáo poster của em tại hội thảo khoa học quốc tế ISSAAS 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặc biệt, Thùy Dung có một bảng thành tích đáng ngưỡng mộ khi 4 năm trên giảng đường đại học đều là sinh viên giỏi, xuất sắc.

Trong các cuộc thi về tiếng Anh do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, cô sinh viên ngành xã hội học này luôn rinh về các giải cao và nhận được rất nhiều bằng khen, vì luôn tích cực tham gia các hoạt động.

Chia sẻ với tôi, Dung kể, hết năm học thứ ba, em hoàn thành gần hết số tín chỉ theo yêu cầu của nhà trường cho hệ cử nhân 4 năm và bắt tay vào làm khóa luận tốt nghiệp.

Đề tài của em là Nghiên cứu hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân. Để thực hiện đề tài này, Dung chọn Hải Sơn (Hải Hậu, Nam Định) – vùng trồng lúa nổi cộm về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nghiên cứu.

Một mình về Nam Định hơn nửa tháng để Dung tự quan sát, tìm hiểu nguyên tắc sử dụng thuốc, lựa chọn chủng loại và phương thức phun của người dân.

Qua quan sát và tìm hiểu, Dung tâm sự, phần lớn người dân ở Hải Sơn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách.

Bởi lẽ, theo quy định, sâu bệnh phải đạt một mức độ nhất định mới được phun thuốc nhưng người dân chỉ cần chớm thấy dấu hiệu đã phun. Cả người bán và mua đều không hiểu rõ các hoạt chất của thuốc nên pha chế không đúng thành phần, liều lượng khiến hiệu quả của thuốc không cao.

Thậm chí, người dân sử dụng cả những thuốc bị cấm, bị hạn chế nhưng không hề biết. Thuốc diệt cỏ trong danh sách bị yêu cầu hạn chế sử dụng lại được dùng rất phổ biến, thường xuyên ở Hải Sơn.

Tôi hỏi Dung: “Em có gặp khó khăn gì trong quá trình thực địa không?” thì Dung đáp: “Qúa nhiều khó khăn, thách thức chị à bởi lẽ nông dân e dè chia sẻ sự thật. Nhưng may mắn sau đó em nhận được sự giúp đỡ của hội phụ nữ xã nên mới hoàn thành được việc điều tra xã hội học và đảm bảo chất lượng của từng bảng hỏi”.

Sau 5 tháng thực hiện đề tài, Thùy Dung đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và bảo vệ vào tháng 12/2017.

Khóa luận của Dung được chấm 9,5 điểm và nhận được nhiều lời khen từ hội đồng vì ý tưởng nghiên cứu mới mẻ, thực hiện công phu.

Nguyễn Thùy Dung (thứ 2 từ phải qua trái) tham gia chương trình “Đại diện thanh niên ASEAN trải nghiệm học thuyết kinh tế vừa đủ” tại Thái Lan năm 2018 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Được biết, trước đó, đề tài Nghiên cứu hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân của Nguyễn Thùy Dung được lựa để in poster triển lãm tại hội thảo quốc tế ISSAAS 2017 về nông nghiệp xanh.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi và thành tích học tập xuất sắc, kết thúc học kỳ 1 năm thứ tư, Nguyễn Thùy Dung đã tốt nghiệp đại học.

Không chỉ học tốt, Dung còn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong và ngoài nước. Dung đã trực tiếp phiên dịch và giúp đỡ một nghiên cứu sinh đến từ Bỉ hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu tại Việt Nam.

Theo (giaoduc.net.vn)


TOP