Đang chở cây cảnh cho khách thì Phạm Văn Bốn, SN 1974 ở xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nhận được tin cháu trai bị một nhóm thanh niên đánh nên vội vàng nhờ người chở tới.
Đáng ra phải xem thực hư thế nào thì Bốn, lại xông vào đánh, góp phần gây nên cái chết cho nạn nhân. Đi tù vì tội giết người, Bốn vô cùng ân hận bởi sự nóng giận nhất thời của mình đã đẩy gia đình vào cảnh ly tán, vợ con vất vả, khổ cực.
Chỉ vì bênh người nhà
Theo tài liệu, trưa 17-3-2010, trên đoạn đường liên xã Nam Thắng, khi gặp xe máy của anh Tống Văn Tuấn chở anh Nguyễn Văn Cường đi ngược chiều, Phạm Thế Anh, SN 1992, đã vô cớ gây sự bằng câu nói:
“Thích nhìn đểu à” dẫn đến chuyện cãi cọ, thách thức đánh nhau giữa Thế Anh và Cường. Thế Anh chạy vào quán của ông Đinh Xuân Tứ ở gần đó, lấy 1 vỏ chai bia ném anh Cường nhưng không trúng.
Anh Cường lấy trong người ra một chiếc tua vít đuổi theo Thế Anh. Trong lúc bỏ chạy về phía chợ Nam Thắng, Thế Anh gọi điện thoại cho Bùi Đức Chiến, nói là bị đánh, xuống giúp đỡ.
Lúc này, Vũ Văn Tuấn là người đèo Thế Anh cũng lấy điện thoại gọị cho bố của Phạm Thế Anh là Phạm Văn Khương, SN 1968, thông báo tình hình.
Nghe thông báo con trai đang bị một nhóm thanh niên đuổi đánh, Khương rủ 2 người nữa mang kiếm, dao phay tới ứng cứu.
Khi nhóm của Khương tới chợ Nam Thắng, lúc này hai anh Tuấn và Cường do không đuổi được Thế Anh nên đã quay lại chỗ để xe.
Về phần Thế Anh, nhìn thấy bố tới đã chạy lại giằng cây kiếm đuổi chém hai anh Tuấn và Cường. Khương phóng xe máy chặn đầu. Anh Tuấn may mắn chạy thoát còn Cường bị dồn đuổi, chạy đến đường cùng phải nhảy xuống ao.
Mặc dù Cường đã xin tha và kêu cứu nhưng cả nhóm người do Khương chỉ đạo vẫn không chịu buông tha. Vũ Văn Tuấn và Thế Anh nhảy theo anh Cường xuống ao, dùng kiếm tấn công thanh niên.
Thậm chí khi người dân xung quanh biết chuyện kéo đến rất đông trong đó có cả ông Bùi Quang Thược, bí thư đảng ủy xã Nam Thắng, đi làm qua lên tiếng can ngăn nhưng vẫn không cản được cơn say máu đánh người của bố con Thế Anh.
Trong lúc nạn nhân bị chém nhiều nhát dẫn tới choáng ngất, nằm ngửa nổi lập lờ trên mặt nước thì Khương chỉ đạo cho đám người đi cùng kéo người này lên bờ.
Thế Anh đẩy nạn nhân vào sát bờ thì Phạm Văn Bốn cũng vừa tới nơi. Hôm đó Bốn đi chở cây cảnh cho khách, vừa về đến nhà thì nghe tin về vụ đánh nhau nên đã đi nhờ xe của người đi đường tới.
Người đàn ông to con này không cần hỏi xem “đầu cua tai nheo” đã lôi anh Cường lúc này như cái xác không hồn lên bờ. Hai tay Bốn túm tóc và thắt lưng anh Cường nhâng lên, vật xuống đất mấy lần liền.
Các đối tượng khác trong đó có Khương đã xông vào tiếp tục dùng hung khí và tay chân đấm đá nạn nhân đến khi bất tỉnh. Thấy anh Cường nằm im, không phản ứng gì, Khương vác xác anh Cường bỏ vào UBND xã Nam Thắng rồi cả bọn mới bỏ đi.
Đến lúc này những người dân có mặt mới dám đưa anh Cường vào trạm y tế xã sơ cứu rồi chuyển lên BVĐK tỉnh Nam Định nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Phạm Văn Bốn bị kết án 17 năm tù về tội Giết người, cùng với khoản tiền bồi thường 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, tới phiên tòa phúc thẩm, người đàn ông này được giảm xuống còn 14 năm tù, thi hành án ở trại giam Ninh Khánh.
Lương tâm dằn vặt
Phạm Văn Bốn bảo, gần chục năm sống trong tù, trong lòng ông ta lúc nào cũng không thôi dằn vặt. “Tôi là người nóng tính, hôm đó đi làm về vừa mệt lại có nhiều chuyện bức xúc nên không giữ được bình tĩnh.
Thời điểm đó cháu tôi còn nhỏ tuổi (chưa tròn 18 tuổi-PV) nên nghĩ cháu bị đánh thì chạy xuống can. Ai ngờ xuống tới nơi, thấy tai anh trai bị chảy máu, tôi đã không kìm được giận dữ mà xốc nổi gây nên tội”, Phạm Văn Bốn cho biết.
Ngày ở nhà Bốn làm nghề lái xe kiêm trồng cây cảnh nên có khách mua cây hay thuê chở là ông ta đều nhận làm. Vợ làm nghề bán thịt lợn, chồng buôn cây, lái xe nên kinh tế gia đình cũng tạm đủ.
Bốn có hai người con, đến nay đều đã trưởng thành. Thế nhưng theo lời nam phạm nhân này thì chỉ vì sự nóng giận mất khôn của ông ta đã khiến vợ con phải liên lụy.
“Giờ thì hai con tôi đã lớn rồi, cũng tự kiếm được việc làm để tự lo cho cuộc sống chứ mấy năm trước vất vả, gian nan lắm”, Phạm Văn Bốn cho biết.
Ngày Bốn bị bắt, hai con đều đang ở độ tuổi 13-14, rất cần sự quản lý dạy bảo của cha mẹ. Vậy mà Bốn lại bị bắt vì tội giết người khiến cho cuộc sống của hai đứa trẻ không tránh khỏi áp lực dư luận. Không những thế, việc làm ăn buôn bán của người vợ cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
“Những ngày tạm giam, tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm của mình nên khi vợ vào thăm, tôi đã bảo cô ấy bán chiếc xe tải đi lấy tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân”, Bốn kể.
Hỏi có khi nào cảm thấy ăn năn với người đã chết, Bốn im lặng hồi lâu rồi đáp: “Lúc gây ra chuyện tôi chẳng nghĩ được gì.
Đến khi ra tòa, nhìn bố mẹ cậu ta rồi hai đứa con nhỏ của cậu ấy mới còn đang học tiểu học, tôi thấy tội của mình thật lớn. Tôi cũng động viên vợ cố thu xếp làm sao để bù đắp phần nào những tổn thất do tôi đã gây ra cho gia đình họ”, Bốn kể.
Nhiều năm nay, tháng nào vợ Bốn cũng mang tiền tới gia đình anh Cường, đóng góp khoản tiền Tòa án đã tuyên trong việc chu cấp để nuôi hai con anh Cường.
Nam phạm nhân này bảo mỗi khi gặp vợ, ông ta không quên hỏi về việc này và khi thấy vợ làm tròn trách nhiệm thì thấy lương tâm cũng đỡ cắn dứt hơn.
Là người có sức khỏe nên việc cải tạo lao động đối với Phạm Văn Bốn không có gì trở ngại. Bốn bảo được phân công làm việc gì, từ cuốc đất trồng cây tới chăn nuôi hay đến những công việc đòi hỏi sự khéo léo tỉ mỉ như đan nát, ông ta đều làm được hết.
Với Bốn, việc được ngày ngày đi lao động là một sự giải thoát bởi chỉ những khi đó được trò chuyện với mọi người, trong đầu không phải vẩn vơ suy nghĩ.
Hai ngày cuối tuần, Bốn dành thời gian dọn dẹp chỗ ở và tranh thủ thời gian rảnh rỗi lên thư viện đọc sách. Sách mà ông ta ưa thích nhất chính là về việc chăm sóc cây cảnh mà theo lời Bón là để giúp ích cho việc sau này trở về nhà sinh sống.
“Tôi chẳng mong gì hơn là sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Thời gian cải tạo với tôi không còn nhiều nữa. Việc đầu tiên tôi dự định làm là sau khi mãn hạn sẽ đến nhà nạn nhân, thắp một nén hương xin lỗi”, Phạm Văn Bốn cho biết.
Đó không phải là suy nghĩ của riêng phạm nhân này mà hầu hết những kẻ từng phạm tội giết người đều mong muốn được một lần tạ tội với vong linh người đã mất, coi đó như một hành động nhằm giải thoát những dằn vặt trong lòng.
Dù cho tất cả đều hiểu rằng bản án lương tâm vẫn luôn còn đó nhưng dẫu sao thì tìm được một sự nhẹ bớt vẫn còn hơn không.
- Hải Hậu: Bài học kinh nghiệm từ xã thí điểm nông thôn mới
- Khám phá cảnh đẹp Nam Định qua camera VOV Giao thông Quốc gia
- Hội đền Độc Bộ – lễ hội mùa thu lớn nhất Châu thổ Bắc Bộ
- Bánh khúc Thành Nam
- Nhà thờ Giáo xứ Dương A – Nam Trực Nam Định
- Nam Định Là Dân 2 Ngón – CHUẨN ĐẤY
- Kỳ Duyên tái xuất với hình ảnh khác lạ sau scandal
- Quán phở 12 năm bán “rẻ như cho” 5.000 đồng/bát – Mỗi ngày bán hơn 100kg bánh phở vẫn quyết không tăng giá
- Doanh nhân Thành Nam “thăm hỏi và san sẻ cùng những người vô gia cư”
- Công an tỉnh Nam Định bắt giữ đối tượng có 3 lệnh truy nã
- Lật tẩy chân dung nam thanh niên ngất xỉu ‘xuyên Việt’ nhiều năm liền chưa tìm được đường về quê, giả khuyết tật lừa người
- Nhộn nhịp làng trồng đào tết lớn nhất Nam Định
- Tạm giữ hình sự đối tượng đập phá, hành hung chủ xe ô tô
- Phố cổ thành Nam
- Hôm nay (26/2), khai hội đền Trần (Nam Định) Xuân Mậu Tuất 2018
- Nam Định: Chủ tịch xã chửi dân “Mày đại giời”
- Pro Sports Giao Thủy: Khẳng định sức trẻ
- Những Món Ăn Vặt Vỉa Hè Ngon Rẻ Không Thể Bỏ Qua ở Nam Định
- Hành trình đến với lòng dân
- Côn đồ Nam Định bắt cóc nữ đại gia đưa vào nhà hoang đòi nợ
- Phân luồng tuyến xe khách: Sở GTVT Thái Bình, Nam Định lên tiếng
- Bắt ‘nóng’ thợ cơ khí cắt trộm dây trung tính của 13 trạm biến áp tại Nam Định