Tên thường gọi: Chùa Ngô Xá
Chùa thường được gọi là chùa Ngô Xá, tọa lạc tại chân núi Ngô Xá (còn gọi là núi Bảo Đài), Thôn Ngô Xá,Xã Yên Lợi Huyện Ý Yên, Tỉnh Nam Định. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, tiền đường ba gian.
Điện Phật bài trí trang nghiêm. Đặc biệt, chùa có tôn trí một pho tượng đức Phật bằng đá tọa thiền trên tòa sen (thời Lý). Chùa có ba tấm bia đá, trong đó có tấm bia Tái tạo Chương Sơn Tự bi ký dựng năm 1670.
Tài liệu của Cục Bảo tồn Bảo tàng cho biết tháp Chương Sơn hay tháp núi Ngô Xá được dựng năm 1108 và hoàn thành năm 1117.
Các năm 1966 – 1967, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật trên đỉnh núi Ngô Xá, phát hiện trên 200 hiện vật giá trị bằng các chất liệu đá, đất nung…
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Ngược dòng thời gian cách đây hơn 900 năm, dưới thời vua Lý Nhân Tông, trên đỉnh núi Chương Sơn này là một Bảo tháp lừng lững giữa mây trời, một biểu tượng văn hóa của dân tộc ta thời bấy giờ, được xây dựng trong 9 năm (1108-1117). Theo Việt sử lược và Đại Việt Sử ký Toàn thư, các vua thời Lý đã xây dựng nhiều rất nhiều tháp Phật. Lý Thánh Tông (1023-1072) xây dựng 3 tháp; Lý Nhân Tông (1066-1127) xây dựng 9 tháp, trong đó có Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện tức tháp Chương Sơn (Ngô Xá)[1]. Chuyện xây tháp ở Chương Sơn, được Việt Sử Lược chéo, cũng được Đại Việt Sử ký Toàn thư còn ghi lại: “Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8, vua Lý Nhân Tông ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện.”[2]
“Cổ tự Phi Lai truyền thắng tích
Long Sơn Thịnh Đại bá phương danh.”
Theo sử sách như trên đã ghi lại nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện như: vua ngự chơi Chương Sơn năm 1107 [3], 3 lần rồng hiện lên ở Chương Sơn vào những năm 1107, 1114 và 1117[4]. Xem lại các đoạn sử trên, chúng ta thấy chưa bao giờ dưới một triều đại nào nhà Lý mà một nơi lại được nhà vua quan tâm chú trọng và “điềm lành” giáng xuống nhiều như vậy.
Nhưng rồi do biến cố của lịch sử, thăng trầm của thời đại và phong hóa của thời tiết, nhất là trong thời kỳ quân Minh xâm lược và đô hộ nước ta (1407-1427), chúng đã thi hành chính sách đồng hóa hòng làm cho người Việt mất hẳn tinh thần tự chủ theo một đường lối chủ trương của Minh Thành Tổ đến các quan quân đi xâm lược. Chúng đã đến nơi này và đã phá hủy tan tành, bằng địa Bảo tháp Chương Sơn.
Nhìn những phiến đá, đống gạch, ngói vỡ nát không còn hình thù phủ lên toàn bộ di tích, nhìn các vết tích còn lại của những bộ phận trên hiện trường, chúng ta mới thấy được tính hủy diệt trong sự phá hoại của quân xâm lược nhà Minh. Có lẽ, do Bảo tháp Chương Sơn sừng sững trên núi cao với khí thế vươn lên của một dân tộc Đại Việt, quả là một cái đinh trong mắt bọn xâm lược.
Với dã tâm nham hiểm tiêu diệt mọi biểu hiện văn hóa của dân tộc ta nên Bảo tháp Chương Sơn là mục tiêu quan trọng cần phải phá hủy, và chúng đã phá hủy Bảo tháp Chương Sơn như văn bia đã ghi lại. Giờ đây Bảo tháp chỉ còn là phế tích hoang tàn. Trên đỉnh núi ngày nay vẫn còn nền móng bằng đá vuông 19 mét của Bảo tháp và rất nhiều những di vật còn sót lại như là chứng tích một thời của ngôi Bảo tháp này vậy. Tương truyền trước kia ở phía trước Bảo tháp còn có ngôi chùa 100 gian bằng gỗ chạm chổ rất rất đẹp. Nhưng rồi trong cùng thời kỳ, quân xâm lược nhà Minh đã phá hủy hoàn toàn.
Theo cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong tuyển tập nhan đề “Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm” cũng viết: “Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hoá, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hoá dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý – Trần.
Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418 ), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết.
Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hoá thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hoá, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hoá, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”[5]
Giờ đây, cả khu di tích chỉ còn lại một ngôi chùa nhỏ, cổ kính được hai chị em bà Lương Thị Ngọc Vinh và Lương Thị Ngọc Phú thời Chúa Trịnh, đóng góp tiền của xây dựng lại ngôi chùa này. Tương truyền khi xây dựng xong chùa, hai bà còn đặt vào mỗi họng cột một nén bạc. Vì vậy nhân dân địa phương truyền tụng câu ca rằng:
“Đổ chùa thì lại làm chùa
Một trăm nén bạc đầu chùa trên kia.”
Theo nội dung văn bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 (1670), hiện dựng tại chùa Ngô Xá, nội dung ghi lại việc tạo dựng cảnh chùa Chương Sơn như sau: “Ở thôn Thịnh Phúc, xã Ngô Xá, từ thuở khai thiên lập địa đã có dấu tích đá, gọi là “tam phi Chương Sơn”. Trước kia tại đây có ngôi Bảo tháp gọi là “Hồng Nghiêm Phúc Thánh”, nằm giữa đỉnh núi. Đến đầu triều Lý có ba bà Hoàng hậu xây chùa thờ Phật, xung quanh có 8 tòa nằm ở trên đỉnh núi. Trung tuần tháng 2 năm Đinh Hợi (1107) nhà vua ngự tới thăm chùa này.
Đến năm Đại Khánh thứ 2 (1111), ngày 26 tháng 7 xây nhà bia ở phía đông bắc để truyền lại. Khi quân Ngô (Minh) đem quân xâm phạm cảnh này, chúng sinh lòng gian ác phá hủy các tượng Phật bằng đá, chỉ còn có tượng Phật bằng đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi mà thôi”. Cũng theo văn bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 cho biết: “Tại xã Yên Hòa, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng có Vương phủ Thị nội Cung tần tỷ khiêu ni Lương Thị Ngọc Vinh, hiệu là Thái Chân Tịnh Huệ Tiên cung Khánh Quang Bồ Tát.
Năm lên 9 tuổi, bà được tiến vào cung. Ngọc Vinh rất sùng đạo Phật, đã cùng chị là Hùng uy phủ, Thị nội cung tỷ khiêu ni Lương Thị Ngọc Phú hiệu Vương Chân Quý Thắng Tiên cung Trung Đức Bồ tát, tầm sư học đạo. Sau khi hai bà đã thấm nhuần Phật pháp, Ngọc Vinh đã bỏ tiền của để xây dựng một ngồi chùa tại thôn Thịnh Phúc, xã Ngô Xá, huyện Ý Yên. Ngôi chùa gồm các hạng mục công trình: thượng điện, Thiêu huong và Bái đường. Các hạng mục đều được làm bằng gổ lim, mái lợp ngói nam, chạm trổ rất lộng lẫy tinh xảo. Công trình được khởi công từ ngày 1 tháng 7 năm Đinh Mùi (1667), đến năm Kỷ Dậu (1669) thì hoàn thành.”[6]
Hiện nay trong chùa Ngô Xá chỉ còn lưu giữ được một số ít bảo vật thời Lý, đặc biệt là pho tượng A Di Đà bằng đá cao 2,16 mét với nét chạm trổ tinh tế thấm đượm tinh thần dân tộc. Đây là một trong những tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất, thời Lý, hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ.
Đó là 5 tượng A Di Đà trong các ngôi chùa: chùa Một Mái (trên núi Sài Sơn, còn gọi là núi Chùa Thầy); chùa Huỳnh Cung (Hà Nội); chùa La Khê (Hà Nội); chùa Ngô Xá (Nam Định), chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và 2 pho Kim Cương – một ở chùa Phật Tích (hiện bảo tồn ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và một ở chùa Long Đọi (Hà Nam). Theo các nhà khảo cổ học, chỉ có pho tượng của chùa Ngô Xá đủ tư cách đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý, vì duy nhất pho tượng này còn nguyên vẹn so với các pho tượng khác cùng thời.
Các pho tượng Phật khác thời Lý đều không còn nguyên vẹn, như pho tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích cũng chỉ còn phần thân và đế là nguyên gốc thời Lý, phần đầu tượng là sản phẩm của thế kỷ 17.
Một di tích có bề dày lịch sử như vậy, nhưng kể từ khi Sư tổ của chùa tham gia hoạt động cách mạng, và bị giặc Pháp đánh bị trọng thương rồi sau đó viên tịch tại đây vào năm 1948 thì chùa không có nhà sư nào tiếp quản trụ trì. Dân làng phải cắt cử người ra trông coi chùa. Đến ngày 10/8/2005, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định (nay là Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định) đã công cử đại đức Thích Giác Vũ, Phó trụ trì chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định về đây trụ trì và phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân.
Ngày nay, nhờ sự đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong sự phát triển đi lên của xã hội, các di tích lịch sử đang dần dần được khôi phục. Hòa chung vào xu thế đó, với một mong muốn và khát khao cháy bỏng của đại đức trụ trì và nhân dân địa phương nơi đây là dần dần từng bước khôi phục lại những gì mà hơn 900 năm về trước, ông cha ta đã dầy công xây dựng lên, một biểu tượng văn hóa lẫy lừng, một niềm tự hào kiêu hãnh của dân tộc ta lúc bấy giờ. Xứng đáng với tầm vóc, quy mô và vai trò của ngôi chùa Ngô Xá trong lịch sử của dân tộc ta.
Hải Anh – Tintucnamdinh.vn Tổng Hợp
- Chàng thủ khoa khối A1 trường danh tiếng nhất Thành Nam
- Một ngày ở làng nghề đúc tượng đồng “Hưng Đạo Đại Vương”
- Nam Định thuộc Top những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam
- Nam Định: Nỗi khổ của giám đốc phải “chui lủi” trốn họp họ
- Đền Giáp Ba Nam Trực Nam Định
- Hoang tàn nhà thờ đổ Nam Định bị biển xâm thực
- Hờn đỏ mắt với 3 con giáp đã giàu lại càng giàu thêm, tài lộc vượng phát nhất năm 2018
- Cột cờ Nam Định – Niềm kiêu hãnh của người dân Thành Nam
- Tặng vé xe buýt miễn phí cho bệnh nhân nghèo chạy thận
- Khách nữ tố tài xế Uber đưa SĐT lên web khiêu dâm
- Công an lên tiếng vụ tài xế và phụ xe khách bị bắn trọng thương
- Tìm hiểu làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên Nam Định
- Lễ Thánh Đaminh, ngày hội của ân sủng
- Quỳ lạy xin tha, nam thanh niên quê Nam Định vẫn bị đâm đến chết
- Giang hồ 9X đâm chết người trong đám cưới ở Nam Định
- Thành phố Nam Định có tân chủ tịch
- Xốn xang nhớ tiếng còi tầm
- Nam Định: Nam thanh niên rơi từ tầng 4 xuống xuống đất nguy kịch
- Kẹo Dồi Nam Định – Ngọt ngào hương vị tuổi thơ
- Nam Định: Khởi tố nhóm đối tượng bắt 2 cô gái đem bán cho quán karaoke
- Nam Định: Mất lái, xe tải “phi” thẳng vào nhà dân
- Về làng hoa lớn nhất Tỉnh Nam Định