Nam Định: Đưa văn hóa truyền thống vào trường học Nhân văn trong học đường

Nam Định: Đưa văn hóa truyền thống vào trường học Nhân văn trong học đường

Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa qua các hoạt động ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục đang đi đúng hướng đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở các trường học trong tỉnh Nam Định

Thời gian qua, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như múa rối nước, kịch hát truyền thống, âm nhạc dân tộc và các hoạt động tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa làng quê… được đưa vào chương trình ngoại khóa của các trường học đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi được xem buổi biểu diễn của Đoàn múa rối nước Sông Quê (Nam Trực) tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định). Chương trình gồm nhiều tích trò mang tính giáo dục cao như: “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên – Mông”… Khi dàn dựng chương trình múa rối nước phục vụ học sinh, đoàn chú ý đến mức độ riêng cho từng lứa tuổi ở ba cấp học: tiểu học, THCS, THPT.

Múa rối nước phục vụ các em học sinh tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Viết Dư

Việc sáng tạo “sân khấu” biểu diễn lưu động tại trường học được đổi mới theo hướng thiết kế “thủy đình” nhỏ hơn, mái đình được cải tiến còn 1 mái, bể được thiết kế hình bán nguyệt và làm bằng các chất liệu cao su, có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng.

Cô giáo Bùi Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu cho biết: “Được xem các diễn viên đoàn múa rối nước Sông Quê biểu diễn, học sinh nhà trường đều thích thú. Thông qua tích trò, các câu chuyện kể về lịch sử, cổ tích sẽ gieo vào các em những ước mơ, hướng các em đến những điều tốt đẹp của cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng học tập”.

Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) cũng chú trọng các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh. Trong đó, việc tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Khu di tích lịch sử – văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp (TP Nam Định)… đã tạo sự hứng khởi cho học sinh tiếp cận với các kiến thức lịch sử. Cùng với học sinh lớp 4G Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tham quan khu di tích Đền Trần, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm chuẩn bị của giáo viên và hiệu quả của buổi học ngoại khóa.

Từ năm 2013, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Hưng Đạo đã chỉ đạo tổ Ngữ văn thí điểm phương pháp dạy văn theo hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học. Các tác phẩm văn học được chuyển thể thành một trong các hình thức sân khấu như: Tiểu phẩm, kịch; múa dân gian, múa bóng, ngâm thơ, nhạc kịch…

Tại hội thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học lần thứ nhất” của Trường THPT Trần Hưng Đạo tổ chức năm 2016, với sự giúp đỡ về kỹ thuật biểu diễn của Đoàn Kịch nói Nam Định, các em học sinh trở thành những nghệ sĩ hóa thân trong những vai diễn. Cách làm này giúp tác phẩm văn học trở nên gần gũi với đời sống, giúp học sinh khơi mở tính sáng tạo, khả năng cảm thụ văn chương gắn với các loại hình nghệ thuật sân khấu.

Thời gian qua, ở các cấp học cũng thường niên tổ chức “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Liên hoan các trò chơi dân gian”, “Giai điệu tuổi hồng” thu hút đông đảo học sinh tham gia. Hiện mỗi trường trong tỉnh đều có 1 đội văn nghệ học sinh, 100% số trường đã đưa trò chơi dân gian vào trường học và tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể cho học sinh.

Các trường: THCS Nam Hồng, Tiểu học Nam Toàn (Nam Trực)… còn tập huấn trò chơi dân gian cho giáo viên, tổ chức thi các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca cho giáo viên, học sinh, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và tạo niềm phấn khởi cho học sinh.

Học sinh trải nghiệm làm đèn kéo quân tại Bảo tàng tỉnh năm 2017. Ảnh: Viết Dư

Việc tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hoá, cách mạng ở địa phương được quan tâm thực hiện. Học sinh các trường học trong tỉnh đã nhận chăm sóc gần 500 di tích lịch sử – văn hóa và 299 nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm. Việc giáo dục truyền thống qua các di tích lịch sử – văn hóa được thực hiện có hiệu quả ở các trường học của Thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên.

Ở huyện Giao Thủy, thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ được triển khai sâu rộng trong các trường học. Nhiều trường học ở các cấp học đã tổ chức các hoạt động: tham quan, nhận chăm sóc di tích lịch sử – văn hóa; nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương; lồng ghép các nội dung lịch sử địa phương vào các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…, giúp học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.

Hằng năm, Phòng GD và ĐT và Phòng VH-TT huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện nếp sống văn minh trong trường học; trong đó có nội dung các trường đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích lịch sử – văn hóa tại địa phương.

Tại huyện Hải Hậu, các trường học đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, cách mạng cho học sinh. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hoá của địa phương.

Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, các nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm hỏi tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ gia đình chính sách bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc…

Một buổi giáo dục truyền thống lịch sử cho các em học sinh trường THCS Ngô Đồng tại di tích lịch sử – văn hóa đền, chùa làng Hoành Đông, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). Ảnh: Viết Dư

Để văn hóa truyền thống đến gần thế hệ trẻ, Sở GD và ĐT đã phối hợp với Sở VH, TT và DL triển khai chương trình giáo dục cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh. Từ năm 2016 đến nay đã có 85 cơ sở giáo dục với trên 15.500 học sinh tham gia. Nội dung các hoạt động bao gồm hướng dẫn tham quan, tìm hiểu lịch sử xã hội của tỉnh, tìm hiểu các chuyên đề: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – bản sắc và giá trị; Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý…

Các chương trình giáo dục gồm tổ chức các hoạt động trải nghiệm khám phá như biểu diễn văn hoá phi vật thể, trải nghiệm thi mâm ngũ quả, tìm hiểu trò chơi trong Tết Trung thu, tham quan các di tích tiêu biểu của tỉnh, tham gia một số trò chơi dân gian truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ; tìm hiểu và trải nghiệm thực hành làm một số sản phẩm đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, tò he, con giống chuyển động, rối nước… do các nghệ nhân làng nghề hướng dẫn.

Theo: Lê Linh_Viết Dư-enternews.vn


TOP