Năm 2020, trong khi rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ chăn nuôi đến trồng trọt gặp nhiều khó khăn trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ thì nghề trồng, sơ chế cau của nhiều hộ dân ở xã Hải Đường (Hải Hậu) đã mang lại nguồn thu hơn 60 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Nghề trồng cau không chỉ là lợi thế phát triển kinh tế của địa phương mà còn mang lại không gian xanh, giúp cho phong cảnh làng quê thêm giàu đẹp.
Cây cau gắn bó với người dân xã Hải Đường từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên xưa kia, người dân Hải Đường trồng cau chỉ đơn thuần đáp ứng phong tục tập quán ăn trầu của người dân địa phương và làm mát, xanh không gian làng xã. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên cây cau phát triển tốt, cho quả sai, dáng đẹp, ngọt mềm, đậm vị. Cau Hải Đường nhanh chóng được thợ cau đất Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… tuyển làm “cau phố”, “cau tỉnh” (cau dùng ăn trầu, làm đồ lễ trong các nghi thức cưới, hỏi), đứng đầu trong khu vực miền Bắc… Giá trị kinh tế của cây cau cũng vì thế mà đạt hiệu quả cao hơn các cây trồng khác, trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương. Trung bình một năm, mỗi cây cau cho thu từ 300-500 nghìn đồng; cây nào cho buồng đẹp dùng trong các dịp cưới xin, lễ lạt có giá vài triệu đồng/cây/năm, do đó, ở Hải Đường nhà nhà trồng cau.
Cau làm đẹp cho khu vực công sở, trường học, trạm y tế; cau mọc san sát trên đất vườn nhà, sát những bờ ao, dọc các dong ngõ, đường liên thôn, liên xã, bờ vùng, bờ thửa… Nhà trồng ít cũng khoảng 100 cây, nhà trồng nhiều lên đến hàng nghìn cây. Nhiều diện tích đất công ích của xã được người dân đấu thầu, cải tạo để trồng cau. Những năm gần đây, nghề trồng cau của địa phương phát triển ở cả khâu trồng trọt, làm giống và sơ chế cau khô. Trong đó, ngoài giống cau mùa, người dân xã Hải Đường đã trồng thêm giống cau tứ thời (cho ra quả quanh năm) và ứng dụng kỹ thuật canh tác để cau cho ra quả trái vụ. Cách làm này đã giúp người dân có cau tươi cung ứng quanh năm, giá bán cũng hơn hẳn cau đúng vụ. Cùng với sản xuất cau thương phẩm, nhiều hộ dân có kinh nghiệm còn ươm giống cau phục vụ nhu cầu của người dân các tỉnh lân cận.
Hộ gia đình các ông Đỗ Thanh Minh, Phạm Ngọc Thạch cùng ở xóm 6 có khả năng cung ứng hàng chục vạn cây giống mỗi năm. Bước đột phá nâng cao giá trị kinh tế từ cây cau ở Hải Đường là người dân đã đầu tư lò sấy cau cung ứng sang thị trường các nước trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Malaixia và một số nước châu Âu. Theo đó, vào chính vụ (tháng 9 đến tháng 12 âm lịch) cau sau khi thu hái được hấp làm chín để giữ nguyên dưỡng chất và loại bỏ ký sinh trùng rồi mới sấy khô, xuất bán. Do áp dụng công nghệ hấp sấy hiện đại nên sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, giảm hao hụt, độc hại so với sấy thủ công nên được ưa chuộng, hiện cung tại chỗ không đủ cầu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều.
Người dân Hải Đường phải đi mua gom cau ở các nơi khác về sơ chế. Hải Đường trở thành trung tâm sơ chế, xuất khẩu cau. Vụ cau năm 2020, 26 cơ sở thu mua chế biến cau sấy khô theo công nghệ lò hơi với công suất 20 tấn/mẻ của xã đã cung ứng ra thị trường 5.200 tấn cau khô, tương đương gần 30 nghìn tấn cau tươi. Chỉ tính riêng mỗi lò sấy đã mang lại thu nhập từ một đến hàng chục tỷ đồng/năm. Nhiều hộ tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Điện (xóm 19); ông Hoàng Văn Tập (xóm 21); anh Phạm Tuấn Hiệp, Nguyễn Văn Long đều ở xóm 7… Xưởng sấy cau của gia đình ông Bùi Văn Thịnh (xóm 8B) là một trong những cơ sở sấy cau lớn và hoạt động lâu năm trong xã với 3 lò luộc, 200 ô sấy. Vào vụ thu hoạch, xưởng của gia đình ông sản xuất 70-80 tấn cau khô, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu trung bình của xưởng đạt từ 12-14 tỷ đồng/năm. Với tay nghề kỹ thuật cao, có uy tín, nhiều người dân Hải Đường đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam nơi có nguồn nguyên liệu cau tươi dồi dào đầu tư xưởng chế biến cau tại chỗ để đón mùa cau sớm vào độ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.
Đồng chí Phạm Thế Doanh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cây cau không chỉ mang lại việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân địa phương mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan làng xóm, góp phần xây dựng Hải Đường thành điển hình nông thôn mới của toàn quốc.
Nghề trồng cau và chế biến cau xuất khẩu ở Hải Đường đang trên đà phát triển. Tuy nhiên hiện sản phẩm cau sấy vẫn đang xuất khẩu tiểu ngạch nên bị lệ thuộc lớn vào thương lái nước ngoài. Chính quyền địa phương và người trồng cau xã Hải Đường mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ về công nghệ chế biến cau thành sản phẩm ăn liền như các nước khác đang làm để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cau của địa phương để thương hiệu cau Hải Đường được bảo hộ trong các hoạt động thương mại./.
- Hoang tàn nhà thờ đổ Nam Định bị biển xâm thực
- Trung Thu Tại Nam Định – Có nên đổi mới ?
- Làng nghề truyền thống đẹp như thơ, như họa tại Nam Định
- Nam Định: Làm cơm cháy ngon từ xôi nếp thừa
- 1001 cách làm mặt nạ óc chó đánh bật tông da, chống lão hoá, dưỡng ẩm siêu hiệu quả của 9X Nam Định
- Ra mắt thất bại vì không biết nấu ăn, cô nàng quyết lao vào bếp “phục thù” và kết quả mỹ mãn
- Đâu là lý do khiến phượt thủ Việt tìm đến nhà thờ đổ Nam Định?
- Bí mật động trời dưới các trụ điện 220kv: Người dân sẵn sàng cầm cố tài sản để kiểm chứng
- Kỳ bí ngôi làng “hình cá chép” độc nhất Việt Nam
- Hàng vạn du khách về hội Phủ Dầy
- Công an thông tin về vụ 2 kẻ bịt mặt xông vào truy sát chém thanh niên Nam Định
- Nam Định: Vụ “Công an bắt đánh bạc” – Cơ quan điều tra truy nã người không bỏ trốn?
- Nam Định: Nghề săn rươi kiếm hàng chục triệu mỗi ngày
- Va chạm giao thông, tài xế ôtô rút dao đâm người đi xe máy
- Biến lớn tại Ngã 6 Nam Định
- Phố cổ thành Nam
- Nam Định: Xôn xao vụ vỡ nợ khoảng 50 tỷ đồng
- TTYT Trực Ninh (Nam Định): Báo cáo một đằng thực hiện một nẻo!
- Doanh nhân Thành Nam “thăm hỏi và san sẻ cùng những người vô gia cư”
- Nam Định là điểm sáng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử
- Nam Định: Đặt tên xong cho con, sản phụ bỏ lại đứa trẻ đỏ hỏn tại bệnh viện
- Xét xử đối tượng mua bán ma túy tại Nam Định