Đền chùa Hà Cát xã Hồng Thuận - Giao Thủy Nam Định

Đền chùa Hà Cát xã Hồng Thuận – Giao Thủy Nam Định

Di tích lịch sử văn hóa là nơi ghi dấu công sức, tài năng của cá nhân hoặc cộng đồng dân cư qua từng thời đại, là bằng chứng trung thành, xác thực và cụ thể nhất về dặc điểm văn hóa của mỗi làng, xã, vùng miền. Ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp về kỹ năng kỹ xảo, về tâm linh con người, không chỉ góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn mà còn hun đúc, bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

Đền chùa Hà Cát thuộc xã Hồng Thuận- Giao Thủy- Nam Định nằm gần trung tâm xã Hồng Thuận cách thị trấn Ngô Đồng khoảng 4 km về phía Đông Nam là một trong ba di tích của huyện Giao Thủy được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Toàn cảnh đền chùa Hà Cát

Toàn cảnh đền chùa Hà Cát

Căn cứ vào các nguồn tư liệu còn lưu giữ tại di tích và truyền thuyết tại địa phương, đền chùa Hà Cát là nơi ghi dấu công lao to lớn của các ông tổ 10 dòng họ: Lê, Đặng, Phạm, Hoàng, Trần, Vũ, Bùi, Hà, Nguyễn từ nơi làng cũ thuộc xã Thiên Bản (nay là xã Lộc An- ngoại thành Nam Định) về đây khai hoang, lấn biển tạo lập làng xã từ đầu thế kỷ XVII.

Dưới thời Lê, năm Giáp Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ 15 (1615) quan đại thần Lưu Đình Chất được thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng tiến cử làm dinh điền chánh sứ tại vùng biển Giao Thủy đã cho xuất tiền công chiêu mộ dân khai hoang mở đất lập ra 12 xã trong đó có xã Hà Cát. Xã Hà Cát (nay là xã Hồng Thuận) được hình thành vào thời kỳ chính sách ruộng tư đang phát triển, nhu cầu tín ngưõng trong đời sống cộng đồng dân cư làng xã trở thành trào lưu rộng lớn. Nhiều đình chùa, miếu mạo được xây dựng ở khắp nơi để thờ thần, thờ thánh và thờ Phật. Trong trào lưu chung của xã hội đương thời, tại Hà Cát- nơi làng xã mới được tạo lập, nhân dân đã dựng ngôi đền thờ vị thành hoàng (rước chân nhang từ quê cũ Thiên Bản về để thờ). Vị thành hoàng làng có tên húy là Lê Đình Hương, vị hiệu là “Đình công bảo quốc hộ dân, dực thánh đại vương thượng đẳng phúc thần”- một vị tướng có công giúp vua Hùng đánh đuổi quân Thục. Về sau nhân dân trong xã tri ân công đức của cụ Lưu Đình Chất và 10 vị tổ của 10 dòng họ tham gia khai khẩn đất hoang lập xã Hà Cát viết thần hiệu phối thờ cùng với vị thành hoàng để ghi nhớ công lao của những người mở đất lập làng, nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau phải đời đời ghi nhớ công đức của các bậc tiền bối, giữ gìn thuần phòng mỹ tục của cha ông.

Cổng vào đền Hà Cát

Cổng vào đền Hà Cát

Dưới thời Lê, niên hiệu Hồng Đức Nguyện thứ 2 (1674), Lại bộ hữu thị lang Thân Toàn đi kinh lý về vùng Hà Cát đem việc xã tâu lên triều đình sắc phong Dinh điền chánh sứ Lưu Công Chất là “Phụng thiên khai cơ chiêu dân lập ấp bảo thành trợ thuận, hoẵng nhân giáo nghĩa lưu tướng công phúc thần” và tước bá cho 10 vị tổ, lại cho địa phương được miễn trừ công dịch, tỏ rõ triều đình trọng vọng sự khuyến nông.

Cùng với việc triều đình phong sắc, nhân dân dựng đền thờ tự, khắc bia tri ân công đức các vị tổ, đền Hà Cát còn thờ Quận công thời Lê người xã Hà Cát tên là Vũ Đích sinh năm Chính Hòa thứ nhất (1680) làm quan 30 năm trải 3 đời vua Lê: Lê Dụ Tông (1705- 1729), Lê Đế (1729-1732), và vua Lê Thuần Tông (1762-1735). Vào ănm Đinh Mùi (1727), trong lần đi giảm thuế ở đạo Sơn Nam, khi về đến Hà Cát thì thấy dân nghèo đói phiêu bạt, Vũ Công đã xin triều đình chiêu mộ dân hồi cư tái lập làng xã, dần ổn định cuộc sống.

Về sau ông còn đi dẹp loạn ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa lập nhiều công lớn. Ông mất vào ngày 25 tháng 5 (không rõ năm) tại Huế. Triều đình cho đưa linh cữu ông về quê an táng, nay còn khu lăng mộ ở cánh đồng trước cửa đền. Ông còn được ban tặng chức Quận công và phong là “Anh liệt tướng quân”.

Mặt trước tòa tiền đường đền Hà Cát

Mặt trước tòa tiền đường đền Hà Cát

Đền Hà Cát xây dựng theo kiểu chữ “đinh” gồm tiền đường 3 gian, hậu cung 3 gian. Ở tiền đường, vì kèo làm theo kiểu chồng giường giá chiêng. Đây là công trình kiến trúc được liên kết bởi các cột cái, cột quân, các vì kèo được liên kết vững chắc, tạo nét độc đáo của kiến trúc cổ truyền. Để tăng thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, các nghệ nhân bằng tài năng và trí tuệ của mình để trạm khắc các bộ như tứ linh, tứ quý từ câu đầu, xà hiên, cột trống, cốn mê, tạo kiến trúc không hề đơn điệu, hợp lý, hài hòa ở đề tài: “Cá chép hóa long”. Hậu cung có 3 gian thiết kế theo lối tứ trụ gồm 2 cột cái ở giữa và 2 cột quân ở bên.

Hoa văn chạm khắc trên vì kèo đền Hà Cát

Hoa văn chạm khắc trên vì kèo đền Hà Cát

Kiệu bát cống trong đền Hà Cát

Kiệu bát cống trong đền Hà Cát

Công trình chùa gồm tiền đường 5 gian, thượng điện 3 gian. Mái chùa thiết kế theo lối “cổ đẳng” 2 tầng 8 mái. Đây là công trình được trùng tu nhưng vẫn giữ được kết cấu theo lối cổ truyền. Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ và di vật có giá trị.

Kiến trúc chùa Hà Cát

Kiến trúc chùa Hà Cát

Đền chùa Hà Cát còn là di tích lịch sử cách mạng, ngày 22/4/1940 chi bộ đảng Hà Cát được thành lập tại chùa. Trong những năm 1941- 1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) được Trung ương cử về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương và được nuôi giấu tại chùa Hà Cát. Tại đây đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tổ chức nhiều cuộc họp và tập huấn cho các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật của các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa …ngày 28/12/2001, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch) ra quyết định công nhận Đền chùa Hà Cát là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Theo: dulichgiaothuy


TOP