Cảm động bố dẫn con tật nguyền đi đăng ký hiến tạng

Cảm động bố dẫn con tật nguyền đi đăng ký hiến tạng

Khi biết người con tật nguyền muốn hiến tạng, ông bố rất cảm động và ủng hộ. Ông cầm giúp con chiếc đơn, để anh có thể đọc to mong muốn hiến tạng của mình.

Ngày 17/11, Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người phối hợp với Đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức Ngày hội “Chung tay vì sự sống”.

Tại ngày hội, hơn 5.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng và người dân trên địa bàn cũng đã đến tham gia. Đặc biệt, anh Nguyễn Quang Hậu (sinh năm 1982, phường Lộc Hạ, TP Nam Định), bị khuyết tật vận động cũng đã đến tham gia và đăng ký hiến tạng.

Anh Hậu bị khuyết tật nhưng vẫn đăng ký hiến tạng

Anh Hậu cho biết: “Tôi xem chương trình thấy bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người vận động hiến tạng trên ti vi. Tôi rất xúc động vì bác sĩ nói rất chân thành. Tôi thấy việc hiến tạng có rất nhiều lợi ích, vì khi mình mất đi còn cứu sống được rất nhiều người. Hôm nay, lại được gặp bác sĩ ở đây, tôi xin hiến mô, các bộ phận cơ thể để giúp đỡ những người kém may mắn. Tôi xin hiến hết cơ thể mình, nếu cơ thể tôi hữu ịch cho y học và người khác”.

Ông Nguyễn Quang Hạnh (70 tuổi) cũng có mặt tại ngày hội để hỗ trợ tinh thần cho con trai. Ông cho biết, khi con bày tỏ ý định đăng ký hiến tạng, ông rất ủng hộ. Vì thế, hôm nay ông đẩy xe đưa con đến ngày hội từ rấy sớm. Ông cầm giúp con chiếc đơn, để anh có thể đọc to mong muốn hiến tạng của mình.

GS Trịnh Hồng Sơn trao Thẻ đăng ký hiến tạng cho người đăng ký

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người, tính đến ngày 16/11, cả nước có 10.147 người đăng ký hiến tạng khi chết/chết não; 192 người đăng ký hiến tạng khi còn sống; 186 người đăng ký hiến xác. Trong khi đó, số ca ghép tạng đã thực hiện là 2.534 ca (hép thận là 2.431 ca, ghép tim là 20 ca; ghép gan 80 ca)…

Phát biểu tại buổi lễ, GS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người cho biết, hiện nay, nhu cầu tạng để ghép cho các bệnh nhân rất lớn, nhưng nguồn tạng hiến thì lại rất hiếm. Trong số các ca được ghép tạng tại Việt Nam thì 90% tạng ghép được hiến khi còn sống, đặc biệt là trong lĩnh vực ghép thận. Trong khi đó, hiện nay mỗi năm cả nước có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Nếu chỉ 1% trong số đó hiến tạng khi chết não thì đã có hàng trăm người có cơ hội được sống.

GS Trịnh Hồng Sơn nhận hơn 1.000 đơn đăng ký hiến tạng trong ngày hội

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà với hiến tạng. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là quan niệm của người dân vẫn chưa thay đổi. Thậm chí, tại một vùng ở Sơn La, người dân quan niệm “Máu của mình là của mình” nên không thể cho ai. Vì vậy, dù người nhà có bị bệnh cần đến máu, họ cũng chẳng hiến máu cho ai.

Hiện nay, ngành y tế đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiến tạng. Vì một người đăng ký hiến tạng sẽ có khả năng cứu sống tới 6-7 người khác, kể cả những người ở độ tuổi 80 thì giác mạc của họ vẫn tốt để có thể hiến tạng cứu người khác. Tuy nhiên, ngành y tế chỉ khuyến khích hiến tạng khi người bị chết não.

Các tình nguyện viên đạp xe cổ động Ngày hội “Chung tay vì sự sống”

Tại Ngày hội “Chung tay vì sự sống” ở Nam Định, tính đến 15h30 ngày 17/11, đã có 1.018 người đăng ký hiến tạng. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Theo Như Ngọc(PNVN)


TOP