Chàng trai Nam Định 'biến muối thành vàng'

Chàng trai Nam Định ‘biến muối thành vàng’

Với việc phát triển hướng đi mới cho hạt muối quê hương, Phạm Văn Cương trở thành tấm gương làm kinh tế tiêu biểu cho thanh niên mảnh đất Bạch Long, Nam Định.
Sinh ra và lớn lên tại một trong những cánh đồng muối lớn nhất khu vực miền Bắc, tuổi thơ Phạm Văn Cương gắn liền với những tháng ngày cào muối nhọc nhằn. Anh hiểu được những vất vả mà cha mẹ và người dân nơi đây phải trải qua để tạo nên những hạt muối. Tuy vậy, giá thành của muối lại không tỷ lệ thuận với công sức mà bà con bỏ ra. Bởi thế, không ít người đã từ bỏ những ruộng muối đi tìm việc nơi khác.

Trước tình cảnh đó, Phạm Văn Cương không đành lòng rời bỏ làng nghề truyền thống của quê hương. Anh bắt đầu quyết tâm nung nấu những ý định táo bạo hơn để tìm một hướng đi mới cho hạt muối.

Anh Phạm Văn Cương áo màu xanh ngồi tại cánh đồng muối. Ảnh: VTV.

Anh Phạm Văn Cương áo màu xanh ngồi tại cánh đồng muối. Ảnh: VTV.

Anh bắt tay nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân khiến muối Bạch Long có giá thành thấp hơn so với các loại muối khác trên thị trường. Nhận ra yếu tố then chốt của vấn đề là chất lượng muối chưa được chế biến kỹ lưỡng, chưa đạt những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên muối Bạch Long chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, nếu sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống, sản lượng muối cũng không thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó, anh Cương quyết định áp dụng theo mô hình làm muối sạch của thạc sĩ Bùi Sơn Long – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển. Anh đầu tư vào hệ thống máy móc chế biến muối hiện đại, tăng năng suất, giảm nhân lực mà vẫn đảm bảo được độ an toàn sản phẩm.

Đầu tiên, anh lựa chọn vùng đất để xây dựng nhà máy chế biến muối. Nhà máy của anh theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và phân phối sản phẩm. Để khắc phục tình trạng lệ thuộc vào thiên nhiên, anh cho xây dựng hệ thống nhà chứa nước chạt (nước biển để phơi lấy muối) được che phủ bằng màng chống thấm HDPE (sản phẩm Polyme tổng hợp ở dạng tấm hoặc cuộn), từ đó, tận dụng được nhiệt độ bức xạ làm muối nhanh khô hơn bình thường kể cả trong điều kiện thời tiết xấu. Nhờ cách làm này, muối cũng hạn chế được những tạp chất như bụi, lá cây…, bị lẫn vào trong quá trình phơi như thông thường.

Anh Phạm Văn Cương cùng công nhân nhà máy bảo trì máy móc. Ảnh: VTV.

Anh Phạm Văn Cương cùng công nhân nhà máy bảo trì máy móc. Ảnh: VTV.

Toàn bộ nước chạt trước khi đưa vào ruộng đều được lọc qua hệ thống cát, sỏi để đào thải bớt cặn, bã. Muối sau khi đã hình thành tinh thể, được đưa lên tháp rửa ngược để tiếp tục loại bỏ những tạp chất nhẹ hơn như rong, rêu. Nước để rửa muối là nước muối bão hòa nên đảm bảo chỉ tẩy rửa những tạp chất mà không làm tan muối. Sau các công đoạn làm sạch trên, muối được đưa vào máy chế biến để tạo kích thước theo yêu cầu của đối tác.

Đến nay, sản lượng muối mà công ty anh đạt được lên đến 1.000 tấn mỗi tháng và có mặt trên khắp cả nước với thương hiệu Công ty TNHH Muối và thương mại Nam Hải. Đơn vị của anh được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nam Định chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh.

Năm 2014, Phạm Văn Cương được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Phạm Đức – vnexpress.net


TOP