Đề xuất đầu tư cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ từ vốn dư cầu Thịnh Long

Đề xuất đầu tư cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ từ vốn dư cầu Thịnh Long

Phần vốn dư từ Dự án xây dựng cầu Thịnh Long trị giá 599,951 tỷ đồng sẽ được dùng để xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B, đoạn qua tỉnh Nam Định.

Cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn đề nghị các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B từ phần vốn dư Dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long.

Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án (nay là chủ trương đầu tư) sử dụng vốn ODA của Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.158 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của EDCF là 45,995 triệu USD (tương đương 970,176 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 187,926 tỷ đồng.

Dự án xây dựng cầu Thịnh Long đã được hoàn thành theo đúng mục tiêu, quy mô nêu tại Quyết định đầu tư của Bộ GTVT và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 5/2020. Trong quá trình thực hiện, do tiết kiệm từ kết quả đấu thầu và quản lý chặt chẽ việc sử dụng dự phòng của các hợp đồng nên Dự án còn dư khoảng 599,9 tỷ đồng gồm vốn vay EDCF là 23,386 triệu USD (tương đương 543 tỷ đồng) và vốn đối ứng là 56,853 tỷ đồng.

Để tận dụng hiệu quả nguồn vốn còn dư, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng vốn dư của Dự án xây dựng cầu Thịnh Long để đầu tư Dự án xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B (tỉnh Nam Định). Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long chủ động trao đổi trước với Nhà tài trợ – Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) liên quan đến việc sử dụng vốn dư và nhận được sự phản hồi đồng thuận từ nhà tài trợ.

Theo đó, Keximbank thông báo rằng có thể tiến hành rà soát đưa cầu Ninh Cường vào phạm vi công việc của Dự án cầu Thịnh Long và sử dụng khoản vay còn lại của Hiệp định. Đồng thời, Keximbank cũng nhấn mạnh rằng cần có đề xuất chính thức từ phía Chính phủ Việt Nam để điều chỉnh mục đích của khoản vay trong Hiệp định.

Được biết, Quốc lộ 37B là tuyến đường bộ nối 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam. Đồng thời, tuyến Quốc lộ 37B là một trong những trục giao thông xương sống của tỉnh Nam Định đi qua địa bàn 6 huyện (Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên) và có vai trò quan trọng tạo thành vành đai kết nối các Quốc lộ (Quốc lộ 21A, 21B, 38B, 10) và Tỉnh lộ (ĐT.490C, ĐT.488C, ĐT.481) trên địa bàn.

Tại vị trí giao cắt giữa Quốc lộ 37B và sông Ninh Cơ được kết nối bằng cầu phao Ninh Cường (Km74+391). Về tổ chức giao thông, cầu phao bị hạn chế tải trọng (ô tô dưới 10T), lưu thông một chiều theo sự điều tiết và phải dừng khai thác 2 lần/ngày để tàu thuyền đi qua gây ùn tắc, đứt đoạn giao thông, nhiều trường hợp bị gián đoạn nghiêm trọng do xảy ra va chạm với phương tiện đường thủy.

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Thăng Long, cầu Ninh Cường được thiết kế vĩnh cữu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều rộng mặt cầu 12m, bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tags:

TOP