Đền Trạng Nguyên Nguyễn Hiền

Đền Trạng Nguyên Nguyễn Hiền

Đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền nằm ở khu trung tâm của thôn Dương A, xã Nam Thắng cách thành phố Nam Định chừng 14 km. Tại đền, còn bài vị, các đạo sắc phong, câu đối, hoành phi đại tự ca ngợi công trạng, đức độ của vị Trạng nguyên tuổi trẻ, tài cao.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, di tích lịch sử cấp quốc gia


Trạng nguyên Nguyễn Hiền tự là Khôi nguyên, người làng Dương A, xưa là Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam, nay, thôn Dương A thuộc xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi (1235) trong một gia đình cha mất sớm, mẹ gắng tần tảo cho con đến học sư thầy ở chùa Hà Dương cùng làng. Mới 6, 7 tuổi Nguyễn Hiền đã tỏ ra thông minh, thường xuyên ra chùa xem các bậc đàn anh học. Cậu thường đứng ngoài cửa nghe tiếng học trò đọc bài, tiếng nhà sư giảng kinh nghĩa. Thế là chữ nghĩa cứ thấm dần.

Thấy một chú bé ham học, nhà sư cho gọi cậu vào ngồi trong lớp học. Cậu học rất thông minh, mỗi ngày sư dạy 1 trang sách, Nguyễn Hiền chỉ đọc qua là thuộc. Thế là nhà sư cho cậu đọc những pho sách quý.

Năm Đinh Mùi, nhà Trần lần đầu mở khoa thi Tam khôi, đặt ra danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Nguyễn Hiền thi Hương đỗ Giải nguyên, năm sau thi Đình làm bài trúng cách đỗ đầu. Vua thấy Trạng còn quá trẻ, nên đã cho về quê vinh quy, chờ bổ dụng. Nhân khi có sứ Bắc sang đưa ra bức thư có bốn câu thơ cho vua tôi nước Nam giảng giải. Cả triều không ai giải được. Vua liền sai triệu Trạng Hiền lên kinh, Trạng giải là chữ “Điền” ( ) làm cho sứ Bắc phải sợ phục. Nguyễn Hiền được bổ làm quan Ngự sử đài, kiêm Đông các Đại học sĩ, Công bộ Thượng thư. Ông có nhiều kế sách hay phò vua giúp nước để đối phó với phương Bắc. Khi có giặc cỏ ở Mường La, ông giúp triều đình nhanh chóng dẹp tan. Ông mộ dân khơi sông dẫn thủy nhập điền, đắp đê, khai hoang phục hóa.

Nhưng không may, Nguyễn Hiền qua đời ở tuổi còn rất trẻ trong niềm luyến thương vô hạn của triều đình và dân nước. Vua đã ban sắc phong ông là Phúc thần, miễn sưu thuế cho dân làng. Để tránh tên húy của Trạng, huyện Thượng Hiền được đổi thành huyện Thượng Nguyên (thời Nguyễn đất Dương A thuộc huyện Mỹ Lộc nay thuộc huyện Nam Trực). Dân làng nhớ ơn và tỏ lòng tôn kính đã lập đền thờ Quan Trạng.

Đền Quan Trạng được xây theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” quay mặt về hướng đông nam. Phía trước có hồ sen, xung quanh có cây cổ thụ xòe bóng, hệ thống nghi môn có bốn cột trụ, Tiền Đường 5 gian 2 chái, 6 bộ vì kèo làm theo kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy” được đặt trên bốn hàng cột, các cột được đặt trên đá tảng thắt cổ bồng. Tòa đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay. Cung cấm 2 gian được làm giao mái với tòa đệ nhị.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền tuổi nhỏ tài cao là bực kỳ tài, thần đồng đất học. Qua bao thay đổi, đền Quan Trạng vẫn được nhân dân giữ gìn thể hiện sự trân trọng, niềm tự hào của mọi thế hệ. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, nơi đây đã từng tiễn đưa bao lớp thanh niên quê hương lên đường chiến đấu giết giặc lập công. Năm 1991, Trường PTCS Năng khiếu của huyện Nam Ninh (nay là Nam Trực) được vinh dự mang tên Nguyễn Hiền.

Lễ hội đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, mở hội hàng năm từ ngày 14 – 16 tháng 8 âm lịch. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Nam Trực, đồng bào, du khách thập phương về thắp hương tưởng niệm tỏ lòng tri ân với Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước (1234 – 1255 ?). Lễ hội là dịp để tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét về truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao, truyền thống tôn sư trọng đạo, khơi nguồn giáo dục cho các thế hệ trẻ Nam Trực lòng tự hào, ý chí vượt khó, hiếu học thành tài, nó đã trở thành truyền thống, như một nét son mang bản sắc văn hóa của quê hương .

Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là ngày hội quần tụ, ca ngợi tôn vinh truyền thống hiếu học của quê hương, là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân Nam Thắng nói riêng, Nam Trực nói chung. Và từ rất lâu, trong tâm thức dân gian, vùng đất Dương A, Trạng nguyên Nguyễn Hiền và đền thờ Quan Trạng đã trở thành biểu tượng tinh thần, là sức mạnh là nguồn động lực để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của huyện./.

Huy Hoàng (Nguồn: Tập san Huyện Uỷ Nam Trực)


TOP