[Giáo dục] Mô hình lớp học kiểu mới tại Nam Định

[Giáo dục] Mô hình lớp học kiểu mới tại Nam Định

Cô Trần Minh Hiên – Giáo viên Trường tiểu học B Minh Thuận (Vụ Bản, Nam Định) – chia sẻ kinh nghiệm tổ chức trang trí lớp học VNEN, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, phát huy sự tham gia tích cực của cộng đồng.

2
Góc học tập

Đây là nơi để các dụng cụ, tài liệu học tập và đồ dùng học tập. Góc học tập được chia thành các góc nhỏ như góc toán, góc tiếng việt, góc khoa sử địa, góc mĩ thuật…

Ngoài ra, đây còn là nơi trưng bày, lưu giữ những bài kiểm tra, bài làm của học sinh được thầy cô đánh giá, nhận xét tốt, những bài chữ đẹp để các bạn trong lớp cùng tham khảo.

Chịu trách nhiệm góc học tập là ban học tập. Trưởng ban cử người thường xuyên sắp xếp góc gọn gàng và ngăn nắp, quản lí việc mượn, trả đồ dung, tài liệu học tập.

Ngoài ra, ban học tập còn tổ chức các hoạt động tự làm đồ dung học tập, bảng, phiếu học tập. Học sinh thường rất thích thú và hào hứng tham gia, những hình lập phương, hình hộp chữ nhật, hình trụ được cắt dán để phục vụ cho các tiết học toán, hay các em sưu tầm những vật dụng bằng tre, mây, song hay thủy tinh, tơ sợi để phục vụ cho những tiết khoa học…
2
Góc học tập của lớp 5B Trường tiểu học Minh Thuận B
Góc thư viện

Góc thư viện chính là tủ sách thân thiện đặt ở cuối lớp học. Cô Trần Minh Hiên cho biết mình đã huy động sự đóng góp của phụ huynh và nhà trường cùng với giáo viên để học sinh có nhiều đầu sách hay, bổ ích, phục vụ cho việc học tập và giải trí.

Góc thư viện được học sinh sắp xếp một cách khoa học theo từng loại sách: Sách tham khảo, truyện thơ, đố vui… Hàng ngày, cử các nhóm luân phiên sắp xếp và thống kê, quản lí các đầu sách.

Ngoài hoạt động đọc sách sau mỗi giờ gia chơi, trước, sau mỗi buổi học, học sinh còn được tham gia các hoạt động “giới thiệu quyển sách của em” do giáo viên và ban học tập hướng dẫn. Những hoạt động này giúp các em tự tin hơn, diễn đạt tốt hơn. Đây là một trong những kĩ năng rất cần thiết cho học sinh sau này.

Góc sinh nhật

Với những vật dụng đơn giản như miếng xốp, miếng bìa dưới bàn tay khéo léo của học sinh có thể tạo nên một góc sinh nhật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Học sinh có thể cắt 12 bông hoa tương ứng với 12 tháng và viết tên những bạn có ngày sinh ở tháng đó gắn lên bông hoa.

Góc sinh nhật do ban đời sống phụ trách. Đầu mỗi tháng trưởng ban tổ chức họp, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị tổ chức sinh nhật cho các bạn có sinh nhật trong tháng.

Buổi tiệc sinh nhật nho nhỏ với những tiết mục văn nghệ, những trò chơi hào hứng vui nhộn, những món quà nhỏ bé và ý nghĩa như bút chì hay một bức tranh do các em tự vẽ và trang trí…

Ngoài ra, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng các công cụ khác như hộp thư lớp, những lời yêu thương để thể hiện tình cảm với bạn mình trong ngày sinh nhật.

Xây dựng góc sinh nhật đã tạo được sự vui tươi trong lớp học, sự mạnh dạn tự tin của các em, giúp các em biết cách quan tâm đến bạn bè, biết cách tổ chức các buổi lễ kỉ niệm nho nhỏ tạo sự gắn kết các thành viên trong lớp.

Hòm thư “Điều em muốn nói”

Đây là công cụ giúp học sinh được bày tỏ ý kiến của mình. Ý kiến của các em có thể là những tình cảm, cảm nhận, mong muốn, đề nghị hoặc bất cứ điều gì các em muốn nói với thầy cô, bạn bè, cha mẹ, nhân viên phục vụ, điều kiện học tập, sinh hoạt, các hoạt động vui chơi mà không dám nói trực tiếp.

Cuối mỗi tuần, giáo viên và ban đời sống sẽ mở hòm thư, phân loại và tìm cách xử lí cho từng vấn đề học sinh đặt ra, có thể phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương để có cách giải quyết hiệu quả nhất.

Qua hộp thư này, thầy cô, cha mẹ… sẽ có điều kiện hiểu các em nhiều hơn, đồng thời điều chỉnh các hoạt động giáo dục, sinh hoạt sao cho phù hợp.

Sau khi nêu mục đích, ý nghĩa của hòm thư Điều em muốn nói, giáo viên để học sinh cùng thảo luận, bàn bạc để cùng xây dựng, sau đó bắt tay vào làm. Từ những tấm bìa cứng, những tờ giấy thủ công, miếng xốp hay dải hoa, hòm thư đã được tạo nên, rất sinh động và ý nghĩa.

Hòm thư “Điều em muốn nói" của lớp 5B Trường tiểu học Minh Thuận B

Hòm thư “Điều em muốn nói” của lớp 5B Trường tiểu học Minh Thuận B


Hòm thư của lớp

Từ những tấm bìa, những tờ giấy, học sinh gấp thành các phong bì thư rồi trang trí những hình vẽ ngộ nghĩnh để làm hòm thư lớp.

Mỗi buổi học, những mẩu giấy chứa bao tình cảm yêu thương, những lá thư với những dòng chữ còn hơi nghuệch ngoạc nhưng chất chứa tình cảm sâu lắng, rồi cả những hình vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu các em gửi cho nhau được đặt trong từng bì thư của bạn.
2
Góc môi trường

Góc môi trường được học sinh mang những chậu cây đến trồng. Ngoài ra, góc môi trường còn có sự đóng góp của các bậc phụ huynh và nhà trường làm cho lớp học xanh mát, thân thiện hơn.

Học sinh có thể mang những cây dây leo cho vào những chai nhựa tái chế treo ở góc lớp và cửa số tạo cho lớp học không khí thoáng mát, trong lành.

Ngoài hành lang cũng được trồng rất nhiều loại cây. Những loại cây học sinh mang đến lớp trồng, ngoài mục đích làm xanh hóa lớp

học còn là tài liệu cho các em quan sát khi học các tiết tập làm văn, kĩ thuật, khoa học…

Góc cộng đồng

Từ vốn hiểu biết và bàn tay khéo léo của học sinh, các em đã vẽ được sơ đồ cộng đồng nơi các em sống và học tập. Nhà thờ thôn Đống Đất, ao trường, hay cánh đồng lúa trước cổng trường dưới góc nhìn của các em thật đẹp và nên thơ.

Nhìn vào sơ đồ cộng đồng, các em biết được nhà bạn mình ở đâu, đi đến nhà bạn hay nhà mình có thể đi trên những con đường nào? Ngoài ra, học sinh còn sưu tầm những vật dụng, đồ dùng truyền thống trưng bày ở góc cộng đồng, để các em hiểu rõ hơn về những nét truyền thống, nét văn hóa của quê hương.

2
Quy ước lớp chúng mình

Những quy ước tưởng chừng khô khan được các em viết và trang trí trên những hình vẽ ngộ nghĩnh, đã trở thành những lời nhắc nhở nhẹ nhàng.

Hải Bình – GDTD


TOP