Một mình 'một ngựa' đi nhặt rác xuyên Việt của cô gái quê Nam Định

Một mình ‘một ngựa’ đi nhặt rác xuyên Việt của cô gái quê Nam Định

Một mình một chiếc xe đạp mini Nhật cũ, cộng với một chiếc balo và 500.000 đồng tiền mặt, Bùi Thị Thủy đã có hành trình 70 ngày đêm từ Hà Nội tới Cà Mau để… nhặt rác.

Bùi Thị Thủy (áo hồng) trong hành trình nhặt rác của mình và những người bạn

Bùi Thị Thủy (áo hồng) trong hành trình nhặt rác của mình và những người bạn

Bùi Thị Thủy (26 tuổi, quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định) tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Cô có 2 niềm đam mê lớn, đó là sách và… rác. Cô không nhớ mình đã đi nhặt rác tại các cánh đồng, làng xóm… ở Nam Định từ năm nào, còn hành trình tự tìm đến các hồ nước, dòng sông, công viên, trường học… ở Hà Nội để gom rác thì Thủy thực hiện đều đặn 2 năm nay.

Sau hành trình đơn độc tự đi thu gom rác, Thủy đã có kha khá bạn bè yêu mến cô và những việc làm của cô, họ cùng nhau thành lập một nhóm có tên “Book Ambassadors”. Trong đó, có cả một người đàn ông Ấn Độ từng làm việc ở Việt Nam. Hiện nay, khi đã về nước, ông vẫn tham gia nhóm như một cố vấn cho chương trình.

Thủy luôn tin rằng những việc mình làm nhỏ bé sẽ có ngày tác động tới môi trường xung quanh

Thủy luôn tin rằng những việc mình làm nhỏ bé sẽ có ngày tác động tới môi trường xung quanh

Book Ambassadors cùng nhau thu gom rác và quyên góp sách cho trẻ em. Mới đây nhất, hôm chủ nhật ngày 26.3, Thủy và các bạn đi nhặt rác ở hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai.

Thực hiện cùng nhau nhiều buổi làm sạch môi trường ở Hà Nội, tuy nhiên hành trình xuyên Việt với xe đạp để làm sạch rác thì chỉ có mình cô gái 26 tuổi đủ dũng cảm thực hiện.

Một mình một ngựa sắt đi gom rác xuyên Việt
Hành trình của Thủy bắt đầu từ ngày 22.10.2016 tới ngày 1.1.2017. Đồng hành với cô là một chiếc xe đạp mini Nhật cũ, một ít dụng cụ sửa xe dọc đường, một balo vật dụng cá nhân, các bao tải đựng rác và 500.000 đồng tiền mặt. Trước đó, cô có 1 tháng chuẩn bị, lên kế hoạch…

Tới mỗi địa phương, Thủy lại kêu gọi các bạn trẻ, người dân địa phương cùng tham gia

Tới mỗi địa phương, Thủy lại kêu gọi các bạn trẻ, người dân địa phương cùng tham gia

“Bạn bè tôi nói không nên mang nhiều tiền trong người, sẽ không hay. Thực ra tôi còn một ít tiền trong thẻ ngân hàng nữa. Tuy nhiên, tính ra, sau 70 ngày, tôi chỉ tiêu hết hơn 3 triệu đồng”, Thủy kể lại.

Thủy dừng chân ở tổng cộng 24 tỉnh thành, dọc theo quốc lộ 1, từ Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… tới TP.HCM, Cà Mau. Tại mỗi nơi đến, cô liên hệ sự giúp đỡ của Đoàn thanh niên và thanh niên tình nguyện của địa phương, kêu gọi mọi người cùng mình đi nhặt rác, làm sạch môi trường.

“Nhờ sự tư vấn của mọi người ở địa phương, chúng tôi sẽ đến nơi đâu nhiều rác nhất, có thể là bãi biển, khu du lịch, có thể là hồ nước, khu chung cư. Rác được thu gom trong các bao tải và phân loại trước khi mang tới chỗ tập kết. Chúng tôi cũng đến các trường học để nói chuyện với các em nhỏ về ý thức bảo vệ môi trường”, Thủy cho hay.

Theo Thủy, mấu chốt của chuyến xuyên Việt thành công không phải là cô có mối quan hệ thân thiết với thanh niên tình nguyện ở cả 24 tỉnh thành nơi mình đi qua. “Tôi luôn nghĩ rằng, khi mọi người cùng đến với nhau vì một tình yêu, một mục đích chung là làm cho cuộc sống quanh mình tốt đẹp hơn thì không còn khoảng cách nữa. Từ xa lạ và chưa quen biết, tôi và các bạn thanh niên ở các tỉnh thành cũng trở nên thân quen nhau hơn”, Thủy chia sẻ.

Thủy lạc quan cho rằng, sẽ có ngày ý thức người dân được nâng lên, không ai xả rác ra môi trường nữa

Thủy lạc quan cho rằng, sẽ có ngày ý thức người dân được nâng lên, không ai xả rác ra môi trường nữa

70 ngày rong ruổi trên ngựa sắt, da Thủy đen sạm đi, cô bị cảm cúm mấy ngày, chiếc xe đạp của cô vỡ lốp một lần và phải thay, đó là những rắc rối lớn nhất. Còn lại, đi đến đâu cô cũng được người dân địa phương hỗ trợ cơm ăn và nhiều khi là chỗ nghỉ qua đêm. Sau chuyến đi, danh sách bạn bè của Thủy nhiều hơn, cô tìm được nhiều người chung lý tưởng với mình về việc làm sạch môi trường và quyên góp sách cho trẻ em nghèo, đến nay họ vẫn thường xuyên trao đổi công việc qua facebook.

Mang tủ sách về cho trẻ em các vùng quê
Thủy mong muốn truyền cảm hứng yêu cuộc sống, yêu môi trường và thích làm những việc thiện cho trẻ em tại những nơi khó khăn, đó chính là lý do cô và những người bạn trong nhóm Book Ambassadors (tạm dịch là đại sứ sách) cùng nhau quyên góp những cuốn sách, truyện về môi trường, quà tặng cuộc sống… để làm nên những tủ sách cho các em nhỏ.

Hiện tại, tủ sách của Thủy đã có mặt ở Bắc Giang, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An. “Ở Nam Định, chúng tôi có 2 tủ sách ở huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Ở huyện Xuân Trường, các em nhỏ có thể đến ngay nhà tôi và đọc sách thoải mái mỗi ngày”, Thủy hào hứng.

Thủy luôn tự tin về đôi giày mình mang theo, nó luôn khác lạ với những người khác

Thủy luôn tự tin về đôi giày mình mang theo, nó luôn khác lạ với những người khác

Thủy và nhóm nhặt rác Hoa kim cương tại tỉnh Cà Mau

Thủy và nhóm nhặt rác Hoa kim cương tại tỉnh Cà Mau

Hiện tại, số sách này vẫn do các tình nguyện viên chủ động đóng góp, Thủy cho biết có thể trong tương lai nhóm sẽ có một số hoạt động gây quỹ, mua sách mới cho các em, ví dụ như phân loại rác để bán lấy tiền, kêu gọi sự tài trợ…

Thủy tốt nghiệp Khoa quản trị kinh doanh, Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Bố mẹ cô chỉ làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ tại quê nhà. Từ những ngày sinh viên, Thủy đã cùng các bạn kinh doanh từ bánh ngọt trong ký túc xá tới quần áo.

Tốt nghiệp đại học, cô từng làm tư vấn kinh doanh cho một số công ty và tham gia các khóa học khởi nghiệp. Cô đang ấp ủ dự định mở một xưởng sản xuất giày, làm thủ công, bằng những vật liệu tái chế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

“Nhiều người hỏi tôi, tại sao là giày mà không phải mặt hàng khác. Có nhiều lý do, một trong số đó là từ trước tới giờ, những ai lần đầu gặp tôi đều nhìn xuống đôi giày tôi mang theo, chúng luôn khác lạ và được gia công cho khác biệt, sẽ chẳng bao giờ bạn tìm thấy một đôi nào giống như vậy ngoài tiệm cả”, Thủy hài hước.

Bạn của ông Tây thích nhặt rác Benjamin James Park
Thủy biết đến Benjamins James Park từ lâu, không phải sau khi người đàn ông này nổi như cồn với những bức ảnh chụp bao cao su nổi trắng mặt hồ Linh Đàm.

“Chúng tôi có những điểm chung, thích làm cho mọi thứ xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Benjamin James Park nhiều lần bị chửi mắng khi nhắc nhở người ta không đổ rác bừa bãi, tôi thì chưa bao giờ bị như vậy. Tôi nghĩ là về lâu dài, ý thức mọi người sẽ được nâng lên, cứ tin như thế đi”, cô gái lạc quan.

Thúy Hằng – Thanhnien.vn


TOP