Nam Định : Người chế tạo máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc

Nam Định : Người chế tạo máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc

Về Ban CHQS huyện Trực Ninh công tác, chúng tôi được trực tiếp sử dụng sản phẩm “Máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc” của Đại úy Nguyễn Văn Lượng, Trợ lý chính sách, Ban CHQS huyện Trực Ninh nghiên cứu, chế tạo.

Sản phẩm “Máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc” được Hội đồng khoa học của Bộ CHQS tỉnh đánh giá cao.

Chia sẻ về quá trình tạo ra sản phẩm, Đại úy Lượng cho biết: “Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, bản thân tôi luôn suy nghĩ là làm thế nào để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo “Máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc”. Để sáng chế ra sản phẩm, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh thường xuyên theo dõi thông tin về cơ chế lây lan dịch bệnh COVID-19 và nhận thấy việc học tập, sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ phải tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nếu không có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Thực tế phương pháp đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn như hiện nay đã bộc lộ những hạn chế như mất nhiều thời gian, dùng chung một lọ sát khuẩn… Việc đo thân nhiệt cũng cần phải có con người thực hiện. Như vậy, khả năng lây nhiễm chéo giữa người mắc bệnh và không mắc bệnh rất cao.

Từ những lý do trên nên anh đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo máy. Quá trình thử nghiệm sản phẩm cho thấy máy đo thân nhiệt sử dụng ổn định, chính xác, cơ động, dễ sửa chữa. Việc áp dụng sản phẩm này trong sinh hoạt, học tập công tác, nơi tập trung đông người cần kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu sát khuẩn tay bằng dung dịch cũng rất thuận tiện. Khi sử dụng chỉ cần đảm bảo nguồn điện 220V hoặc bình ắc-quy 12V cung cấp cho máy để hoạt động. Để sử dụng máy, khi có người đứng trước thiết bị ở khoảng cách cho phép, máy sẽ thông báo đứng vào vị trí để đo nhiệt độ; đồng thời sẽ tự động điều khiển thiết bị đo lên vị trí phù hợp với chiều cao của con người. Khi thiết bị đo ở vị trí phù hợp, máy sẽ thông báo cho con người đưa sát trán ở khoảng cách từ 2,5-3cm so với thiết bị, sau đó thiết bị sẽ ghi nhận nhiệt độ và hiển thị trên màn hình LCD (Liquid Crystal Display) và thông báo kết quả cảnh báo nếu nhiệt độ cao hơn mức bình thường. Hoàn thành quá trình đo nhiệt độ, con người được thông báo đưa tay vào vị trí rửa tay, thiết bị kích hoạt máy bơm hoạt động để bơm dung dịch sát khuẩn.

Để chế tạo sản phẩm “Máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc”, Đại úy Lượng sử dụng cảm biến nhiệt hồng ngoại (MELEXIS MLX 90614), đo nhiệt độ không tiếp xúc có ổn định khoảng cách lấy mẫu, không cần người vận hành. Bên cạnh đó, anh kết hợp hiển thị kết quả trên màn hình LCD và cảnh báo giới hạn không bình thường, thông báo hoàn thành lấy mẫu bằng âm thanh. Về khối bơm dung dịch sát khuẩn, anh sử dụng cảm biến vật cản hồng ngoại, khi một người đưa tay vào khu vực nhận diện của cảm biến, tín hiệu sẽ được gửi đến mạch điều khiển động cơ. Bộ phận điều khiển động cơ khi có tín hiệu điều khiển từ cảm biến, mạch điều khiển sẽ đóng nguồn điện cấp cho mô-tơ bơm dung dịch. Khi tín hiệu điều khiển bị mất thì mạch điều khiển sẽ ngắt nguồn điện cấp cho mô-tơ. Bình chứa dung dịch sử dụng vòi bơm dạng phun sương… Với tất cả các thiết bị liên quan đến việc lắp đặt, sáng chế sản phẩm, tổng chi phí chỉ hết 1,9 triệu đồng. Đây là một trong những sáng kiến đạt giải A trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ do Bộ CHQS tỉnh tổ chức đầu năm 2021.

Việc sáng chế “Máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc” của Đại úy Nguyễn Văn Lượng đã góp phần vào thành công trong việc phát động cán bộ, nhân dân đặc biệt là lực lượng vũ trang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế./.

Tags:

TOP