Nam Định: Ở nơi này nông dân trồng cỏ xúc bán cả cuộn gọi là nghề "một vốn bốn lời"

Nam Định: Ở nơi này nông dân trồng cỏ xúc bán cả cuộn gọi là nghề “một vốn bốn lời”

Năm 2011, một số hộ dân trong xã Nam Thắng, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) đã đưa cây cỏ Nhật về trồng thử nghiệm cho hiệu quả cao nên từ năm 2015 đến nay, người dân đã chuyển hẳn sang trồng loại cỏ này.

Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, 70ha đất nông nghiệp ở vùng đất bãi xã Nam Thắng (Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã cho thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Người dân thu hoạch cỏ Nhật tại vùng đất bãi xã Nam Thắng, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định).

Hơn 10 năm trước, 70ha đất nông nghiệp ở vùng đất bãi của xã Nam Thắng chủ yếu trồng dâu để phát triển nghề nuôi tằm dệt vải.

Do nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả nên bà con trong xã đã chuyển sang trồng ngô, đậu tương nhưng thu nhập vẫn rất thấp.

Nhiều hộ bỏ ruộng, chuyển hướng sang chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng trọt nhưng vấn đề môi trường lại phát sinh nhiều bất cập.

Năm 2011, một số hộ dân trong xã đã đưa cây cỏ Nhật về trồng thử nghiệm cho hiệu quả cao nên từ năm 2015 đến nay, người dân đã chuyển hẳn sang trồng loại cỏ này.

Cỏ Nhật là loại cây dễ sinh trưởng, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Người dân chỉ mất một khoản tiền mua cỏ giống, máy bơm nước phục vụ tưới và một số vật dụng gắn liền với nhà nông như: xiên, cuốc, xẻng…

Người trồng cỏ chỉ cần định kỳ bón phân, tưới nước cho cây. Nếu chăm sóc tốt, một năm có thể thu hoạch được 3 vụ, đặc biệt sau khi thu hoạch cỏ sẽ tự mọc lại từ bộ rễ dưới đất. Tuy nhiên, để có được thảm cỏ đẹp, bán được giá thì cũng không hề đơn giản.

Do đó, thời gian đầu, người dân phải đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để vừa tiếp cận thị trường, vừa có thêm kinh nghiệm trồng cây mới.

Để trồng cỏ Nhật, sau khi làm đất, luống và rãnh thoát nước chỉ việc đánh cỏ giâm xuống đất với khoảng cách từ 3-5cm. Muốn cỏ nhanh phát triển, người dân đầu tư bón thêm phân đạm, đảm bảo đủ nước tưới 2 lần/ngày nếu trời hanh nắng, ngày mát trời thì chỉ cần tưới 1 lần/ngày là cỏ có thể sinh trưởng tự nhiên.

Công đoạn vất vả nhất là làm cỏ dại. Trong quá trình phát triển của cỏ Nhật, để cỏ phát triển đồng đều, người nông dân phải thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại.

Tuy nhiên, cỏ Nhật cho thu hoạch sớm nên việc làm cỏ dại chỉ diễn ra trong vòng 2-3 tháng.

Bà Nguyễn Thị Điệp, xã Nam Thắng cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu trồng từ năm 2015 với diện tích gần 1.000m2. Loại cỏ này không cần phải chăm sóc nhiều, thi thoảng tưới nước để giữ độ ẩm và nhặt những loại cỏ tạp lẫn vào.Các hộ dân đang vận động thành lập một hợp tác xã trồng cỏ Nhật để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Khi bắt đầu trồng, mọi người đã cử 1 người đi tìm hiểu kỹ cách trồng, cách chăm sóc, phun thuốc để làm cho mặt cỏ được đều, đẹp, đối tác thu mua thấy bắt mắt.

Những năm đầu chủ yếu cung cấp cho nhu cầu trang trí cây cảnh thì ngày nay cỏ Nhật nói riêng ngày một tăng do nhu cầu thị trường mở rộng để cung ứng cho các đô thị, dùng trang trí công viên, giải phân cách đường giao thông, trang trí các biệt thự… nên đầu ra của loại cỏ này tương đối ổn định.

Giá cỏ Nhật hiện dao động từ 8-12 nghìn đồng/m2; thời điểm chính vụ như giáp tết hoặc sau Tết Nguyên đán, có thể lên đến 25-30 nghìn đồng/m2.

Thu nhập bình quân mỗi ha cỏ Nhật đạt từ 250-300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, có những hộ gia đình phải thuê thêm đất của người dân trong thôn để trồng cỏ cùng với 5-7 người làm hỗ trợ.

Mô hình trồng cỏ đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân nơi đây. Với thời gian làm việc 8 giờ/ngày, mỗi nhân công cho thu nhập từ 200-600 nghìn/ngày tùy vào bộ phận công việc nhưng chủ yếu là cắt cỏ, làm cỏ, cột cỏ, đánh cỏ chuyển đến nơi làm công trình.

Trong phát triển kinh tế vùng đất bãi hiện nay, mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp để phát huy tối đa tiềm năng đất đai đang được xã Nam Thắng quan tâm thực hiện.

Vượt qua những khó khăn, đến nay sản xuất nông nghiệp vùng đất bãi của xã có nhiều khởi sắc; những cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn được hình thành.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thắng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết: Hiện toàn xã có khoảng hơn 400 hộ trồng cỏ Nhật tập trung tại 10 xóm vùng bãi HTX Đại An. Với quy mô 141ha, năm 2020 giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 950 lao động của 10 xóm, thu nhập bình quân 150-200 nghìn đồng/ngày.

Thời gian tới, xã Nam Thắng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân trong xã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương./.

Có thể nói, trồng cỏ Nhật là nghề bỏ một đồng vốn thu được bốn đồng lời. Nếu so với nghề truyền thống là trồng dâu nuôi tằm, trồng ngô trước kia thì trồng cỏ Nhật cho thu nhập gấp khoảng 20 lần”.

Tags:

TOP