Nam Định: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu

Nam Định: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, đối với xuất khẩu sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu thịt lợn, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu lợn sữa sang một số thị trường.

Ngành thú y cần tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, để phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cần khống chế thành công dịch lở mồm long móng trên gia súc. Theo đó, ngành thú y cần tiếp tục chủ động trong giám sát dịch tễ các dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản để tham mưu các địa phương trong xây dựng và nhân rộng các vùng chăn nuôi an toàn.

“Chủ động lấy mẫu giám sát dịch tễ để giám sát sự lưu hành của vi rút đối với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản, nhất là đối với bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm. Qua đó, khuyến nghị các địa phương và người nuôi chủ động mua vắc-xin tiêm phòng chống dịch để tiết kiệm chi phí, dập dịch ngay. Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Thú y nhất là vai trò của chính quyền cơ sở trong phát hiện dịch và ngăn chặn kịp thời” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, đối với xuất khẩu sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu thịt lợn, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu lợn sữa sang một số thị trường. Còn đối với thịt mảnh và thịt lợn nói chung đang xây dựng các chuỗi gắn với vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh thí điểm ở 2 tỉnh là Thái Bình và Nam Định.

Một số ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh và tạo thêm chính sách, cơ chế hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở và các vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong năm 2018, ngành sẽ triển khai thực hiện Chương trình quốc gia giám sát bệnh cúm gia cầm, tập trung vào chuỗi sản xuất gia cầm xuất khẩu, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (thịt gà, trứng gà, thịt lợn, lợn sữa,…) sang một số thị trường trọng điểm.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn, tập trung vào chuỗi sản xuất thịt lợn xuất khẩu, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn, đáp ứng yêu cầu các nước, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lợn.

Ngoài ra, hướng dẫn các địa phương, tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, trước mắt tập trung vào các cơ sở sản xuất tôm giống; hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong trong việc xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh; hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu thiết lập thành công vùng đệm với bán kính 1km xung quanh chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh của Tập đoàn Việt Úc tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Ông Đàm Xuân Thành cũng nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương chủ quan trong phòng, chống dịch. Bởi hiện đang là thời điểm cuối năm do nhu cầu sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao, do đó dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đặc biệt, là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, do đó các địa phương cần chủ động phòng chống dịch./.

Thành Trung/BNEWS/TTXVN


TOP