Nhớ mãi người con ưu tú của quê hương Hải Hậu

Nhớ mãi người con ưu tú của quê hương Hải Hậu

Đồng chí Vũ Mão không sinh ra tại Hải Hậu (Nam Định) nhưng đó là quê hương xứ sở, nơi bố mẹ, ông bà, tổ tiên của ông đã chôn nhau, cắt rốn, thấm đậm với biết bao kỷ niệm vui buồn. Vì thế, ông luôn quan tâm đến quê hương. Trong cương vị công tác của mình, ông luôn nghĩ và làm những gì có thể làm được cho quê hương.
Nghe danh ông đã lâu, nhưng cách đây vài năm, cùng ông và Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về quê thực hiện bộ phim tài liệu “Trở lại cố hương”, tôi mới có dịp hiểu về ông nhiều hơn.

Tổ tiên ông bà sinh ra tại Hải Hậu (Nam Định) nhưng đồng chí Vũ Mão lại sinh ra ở Hà Nội và trưởng thành tại vùng than Quảng Ninh. Ông Vũ Mão như cánh chim vượt qua phong ba, bão táp từng bước trưởng thành.

Đồng chí được giao nhiều trọng trách và dường như ở vị trí công tác nào, ông cũng để lại dấu ấn tốt đẹp. Tôi nhớ, hồi chúng tôi đang học cấp ba, đã thấy đồng chí Vũ Mão xuất hiện trên báo chí. Là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), đồng chí Vũ Mão như một “thủ lĩnh” truyền lửa cho lớp trẻ.

Đồng chí Vũ Mão và tác giả.


Thế hệ chúng tôi “gác bút nghiên lên đường đánh giặc” một phần cũng từ sự khích lệ của ông. Hồi ấy, về thăm quê, ông kể về tấm gương ông Vũ Văn Hiếu, người cộng sản quê hương Hải Hậu đã trao áo cho bạn tù là đồng chí Lê Duẩn (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) tại trại giam Côn Đảo, đã gieo vào lòng chúng tôi khát vọng được hy sinh, cống hiến cho đất nước. Sau này, đồng chí Vũ Mão đảm đương nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Bằng trái tim nồng ấm và sự thông tuệ, ông luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp.

Trong mấy ngày làm “diễn viên” cho đoàn làm phim “Trở về cố hương” ấy, một đêm bên bờ biển Nam Định, tôi và đồng chí Vũ Mão lang thang dọc miền chân sóng. Tôi hỏi ông: “Trong cuộc đời công tác, ông ấn tượng nhất điều gì ?”. Đồng chí cười, nụ cười thân thiện: “Câu hỏi khái quát quá, có nhiều ấn tượng, nhưng tôi tâm đắc nhất là sự dấn thân và trách nhiệm. Khi người ta dấn thân và làm hết trách nhiệm, chắc chắn sẽ có kết quả”. “Đối với ông, cụ thể là điều gì?“ – tôi hỏi tiếp, đồng chí Vũ Mão lại cười, nét mặt hiền từ: “Dạo mình làm công tác Đoàn, đó là lúc “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Muốn đạt mục đích ấy phải động viên được sức mạnh của cả dân tộc. Thanh niên có “ba sẵn sàng”, phụ nữ có “ba đảm đang”… Kết quả thật bất ngờ, cả nước dấy lên phong trào “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sướng lắm. Khi về Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi là một trong những người đề xuất truyền hình trực tiếp một số cuộc thảo luận tại nghị trường của Quốc hội, đặc biệt các phiên chất vấn thành viên Chính phủ. Tôi không ngờ, sức lan tỏa lại “khổng lồ” như thế. Việc ấy đã góp phần tăng sức mạnh cho Quốc hội, mở rộng dân chủ. Tất cả các cử tri đều có thể làm “nghị sĩ” giám sát các hoạt động của Chính phủ và bộ máy công quyền. Khi về nghỉ hưu, đảm nhiệm thêm nhiều trách nhiệm của các tổ chức xã hội. Nhưng tôi ấn tượng nhất khi làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia”.

Người con ưu tú của quê hương ấy đảm đương nhiều trọng trách, nói như cách nói dân gian “trăm công ngàn việc” mà tâm hồn luôn phơi phới, lạc quan và có niềm tin sắt đá vào nhân dân và đồng chí. Đồng chí Vũ Mão không chỉ là chính khách xuất sắc với nhiều ấn tượng đẹp mà còn là một người làm thơ, làm nhạc cần mẫn như “con ong nhả mật”. Ông là tác giả của hàng chục đầu sách, trong đó chủ yếu là thơ và nhạc. Mỗi lần gặp chúng tôi, ông không quên đọc những bài thơ mới viết. Thơ của ông giản dị, gần gũi nhưng có những bài, những câu “như gừng cay muối mặn”.

Theo quy luật muôn đời, trái tim nồng ấm của người con ưu tú của quê hương, đất nước đã ngừng đập. Ở phương Nam xa xôi, chúng tôi không về kịp tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bài viết này như nén tâm nhang kính viếng, tưởng nhớ ông- người con ưu tú của quê hương Hải Hậu và đất nước.

Tags:

TOP