Khi không khí Tết Trung thu tràn ngập trên khắp các nẻo đường, tuyến phố thì cũng là lúc người dân làng làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp đã có từ rất lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làng nghề Báo Đáp có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống. Năm nay, nhu cầu mua đèn ông sao tăng cao sau nhiều năm ảm đạm, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của của người dân làng nghề. Tại đây, từ các cụ già cho đến những em nhỏ mới 7 – 8 tuổi cũng có thể tự hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao.
Chị Nguyễn Thị Hương ở làng nghề Báo Đáp cho biết, những năm trước đèn ông sao không được ưa chuộng, hơn nữa phải cạnh tranh với một số mặt hàng đồ chơi Trung thu khác nên người dân làng nghề không dám làm ồ ạt mà phải vừa làm vừa theo dõi nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu mặt hàng đèn ông sao tăng cao, giá bán cũng tăng khiến cho người dân làng nghề vô cùng phấn khởi. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất bán được khoảng 3.000 chiếc đèn ông sao. Những năm trước, giá bán tại xưởng chỉ 2.700 đồng/chiếc nhưng năm nay đã lên tới 5.000 đồng/chiếc. Càng gần Tết Trung thu giá đèn ông sao có thể còn tăng thêm.
Đèn ông sao làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm: tre, nứa, giấy bóng và xương cây đay làm cán. Bắt đầu từ tháng Giêng, người làng Báo Đáp đã đi mua tre nứa về ngâm để nan có đủ độ dẻo không bị gẫy khi uốn. Sau khi đã được chẻ ra thành từng nan người làng nghề bắt đầu uốn khung đèn rồi cột lại với nhau bằng dây kẽm, sau đó dán giấy bóng lên, cuối cùng là khâu trang trí cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Đình, người có thâm niên hơn 70 năm làm nghề cho biết: Đèn ông sao được chia làm nhiều loại: Loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm, loại nhỏ 30cm và loại to đại làm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Trong làng có rất ít hộ làm đèn to vì loại này đòi hỏi khá kỳ công. Đối với loại đèn to, người thợ chỉ làm được khoảng 30 – 40 chiếc/ngày, còn làm loại nhỏ thì một người có thể làm được 120 – 150 chiếc/ngày.
Nghề làm đèn ông sao tuy được coi là “nghề phụ” nhưng lại là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình thuần nông nơi đây. Mỗi năm nếu gia đình nào làm nhiều thì xuất ra thị trường khoảng 15.000 – 20.000 chiếc đèn ông sao các loại; còn lại các hộ thường làm trung bình khoảng 5.000 – 8.000 chiếc đèn. Loại đèn ông sao cỡ lớn hiện có giá 6.000 đồng/chiếc, đèn ông sao loại trung 5.000 đồng/chiếc, đèn ông sao nhỏ 4.000/chiếc, sau khi trừ chi phí người làm nghề thu được từ 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Minh Đăng, một hộ chuyên làm đèn ông sao có tiếng ở làng Báo Đáp cho biết, gia đình ông đã xuất bán được khoảng 3 vạn chiếc đèn ông sao. Năm nay, xu hướng thị trường ưa chuộng đèn ông sao truyền thống nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và hiện vẫn còn khá nhiều đơn đặt hàng. Từ nay đến Tết Trung thu gia đình phải tập trung nhân lực để làm kịp bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ông Đăng khẳng định, nếu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ chơi truyền thống nói chung và đèn ông sao nói riêng được duy trì như hiện nay thì nhiều làng nghề lâu đời tại Nam Định không những được bảo tồn mà còn phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, mỗi năm làng nghề Báo Đáp sản xuất khoảng 1,5 – 2 triệu chiếc đèn ông sao các loại, xuất bán cho các đầu mối ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nghề làm đèn ông sao truyền thống đã mang lại thu nhập khá cao cho bà con nhân dân. Nhờ nghề làm đèn ông sao mà có những gia đình đã thu từ 100 – 150 triệu đồng mỗi năm.
Cuộc sống hiện đại ngày nay có rất nhiều sản phẩm đồ chơi bắt mắt, hấp dẫn. Thế nhưng những chiếc đèn ông sao vẫn là hình ảnh đặc trưng nhất của ngày Tết Trung thu, được trẻ em cả nước mong chờ để cùng nhau rước đèn trong đêm Trung thu. Chiếc đèn ông sao đã gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa cổ truyền của bao thế hệ người Việt.
Bài, ảnh: Công Luật (TTXVN )
(baotintuc.vn)
- 9X đẹp trai như Hàn Quốc ‘trúng tiếng sét’ của cô gái cao 1,72 m
- Cột cờ Nam Định – Niềm kiêu hãnh của người dân Thành Nam
- Hải Hậu: Nét độc đáo khác lạ
- Môtô 3 bánh tiền tỷ Can-am làm xe ba gác tại Nam Định
- Gần 1.000 bạn trẻ hát tập thể tưởng nhớ ca sĩ Trần Lập
- Thơ mộng bãi biển Thịnh Long – Nam Định
- Giao Thủy: Khám phá “sân ga” của những đàn chim di cư
- Khán giả thích thú với quán ăn dưới lòng đất ở Nam Định
- Nam Định: Vợ chồng cán bộ ôm tiền tỷ bỏ trốn, dân kêu trời oán thán
- Rùa biển dài 1,2m bị thương, dạt vào bờ biển Nam Định
- Bạch Hoa công chúa và tục cúng cơm gạo đỏ, muối vừng
- Bé gái 8 tuổi ngủ ngon lành trên vỉa hè trong đêm lạnh và sự thật ai cũng rơi nước mắt
- Công an Nam Định lên tiếng vụ nam thanh niên bị 2 kẻ bịt mặt chém tàn bạo
- Ghé Giao Thủy – Nam Định, thưởng thức nem nắm trứ danh, ăn là nhớ
- [Ảnh]: Cận cảnh bờ kè đê sông Hồng bị sạt lở
- Nam Định: Hồi kết của một lời nguyền ‘độc địa’ từ tranh chấp dòng sông
- NÓNG: Điều tra nghi án dùng súng cướp tiệm vàng ở Nam Định
- Thành Phố Nam Định Về Đêm
- 68 người chết trong mưa lũ, 34 người còn mất tích
- Phá nhà máy dệt Nam Định: Sai hay Đúng ?
- Quê Hương Nam Định Từ Trên Cao
- Tin tức mới nhất vụ vỡ nợ khoảng 50 tỷ đồng ở Nam Định