Sốt xuất huyết ở Nam Định đang ở mức báo động

Sốt xuất huyết ở Nam Định đang ở mức báo động

Theo ghi nhận của PV, hiện Nam Định là một trong những tỉnh có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao và đang ở mức báo động.

Bệnh nhân SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

Ông Khương Thành Vinh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, cho biết: “Thông thường hàng năm trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Năm 2016, Nam Định chỉ có 173 ca mắc SXH nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, diễn biến SXH tại tỉnh tăng đột biến, lên tới 451 ca”.

Cụ thể, từ tháng 1 – 5.2017, trên địa bàn Nam Định chỉ có 22 ca mắc, chủ yếu là người địa phương đi làm ăn tại Hà Nội và các tỉnh miền Nam bị bệnh SXH trở về Nam Định. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến hết tháng 7, Nam Định đã ghi nhận 451 bệnh nhân SXH tại 126/129 xã, phường ở tất cả 10 huyện, thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hoà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cũng cho biết, năm nay bệnh viện này tiếp nhận tới 160 ca bệnh nhân SXH vào điều trị, cao gấp 2 – 3 lần bình quân các năm trước. Anh Quách Đình Nhâm (32 tuổi, trú tại 61 đường Kênh, P.Cửa Bắc, TP.Nam Định), một bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện này cho hay: “Tôi cũng chủ quan, không biết đang phát dịch để dọn dẹp, phun thuốc, nên mắc bệnh”.

Chị Trần Thị Thu Hiền (30 tuổi, trú tại P.Văn Miếu, TP.Nam Định vừa bị SXH cũng chia sẻ: “Sau khi tôi nhập viện, gia đình, hàng xóm mới nhận thức được nguy cơ dịch bệnh và tổ chức dọn dẹp, phun thuốc trừ muỗi”.

Nhận định về tình hình dịch, ông Khương Thành Vinh cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch SXH tại tỉnh Nam Định là rất cao. Giám sát phát hiện các yếu tố phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh cho thấy, dịch SXH đang ở mức báo động, khi kiểm tra 100 dụng cụ chứa nước tại các hộ gia đình, có tới 48 dụng cụ có chứa bọ gậy muỗi truyền bệnh SXH Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn).

Cũng theo ông Vinh, từ khi phát hiện có SXH đến nay, Nam Định đã tổ chức 35 đợt điều tra véc tơ truyền bệnh ở các xã, phường có nguy cơ phát sinh dịch, tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, nước thải tại cộng đồng, phun 5 đợt hóa chất phòng dịch… Tuy nhiên, tại tỉnh vẫn có 4 ổ dịch, trong đó riêng TP.Nam Định có 3 (gồm: P.Văn Miếu với 51 ca mắc, P.Cửa Bắc với 33 ca, P.Trần Quang Khải với 22 ca). H.Nam Trực có 1 ổ dịch tại xã Nam Mỹ với 4 ca mắc. “SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue từ bọ gậy gây ra, không có bọ gậy, không có SXH.

Thực tế điều tra cho thấy, những nơi hình thành dịch chủ yếu do người dân chủ quan, thờ ơ với việc phòng chống dịch bệnh này. Tại các vùng nông thôn, nhân viên y tế có thể vào mọi ngõ ngách để phun thuốc, tiến hành các biện pháp phòng dịch. Nhưng ở TP.Nam Định, có lúc người dân còn cấm cản, không cho cán bộ y tế vào kiểm tra, phun thuốc. Có người còn đe doạ “Vào nhà tôi, mất cái gì các ông phải chịu trách nhiệm”, rồi không cho vào nhà. Vì vậy mà nguy cơ dịch tại TP.Nam Định rất cao”, ông Vinh cảnh báo.

Văn Đông – Thanhnien.vn


TOP