Thiên Trường - Nơi sinh ra và nuôi dưỡng khí chất những nhân vật kiệt xuất

Thiên Trường – Nơi sinh ra và nuôi dưỡng khí chất những nhân vật kiệt xuất

Hành cung Thiên Trường không chỉ gắn bó với các Thái Thượng hoàng mà còn là nơi sinh ra và nuôi dưỡng khí chất cho nhiều hoàng thân quốc thích mà trong số đó nhiều người trở thành những nhân vật kiệt xuất.

Tiêu biểu cho số đó là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông sinh ra tại hương Tức Mặc. Phụ thân ông, An sinh vương Trần Liễu được ban Thái ấp ở nhiều nơi, trong đó có ấp An Lạc nằm bên bờ sông Châu Giang, gần với hành cung Thiên Trường. Ngay từ thủa thiếu thời Trần Quốc Tuấn đã lộ rõ tư chất của một thiên tài quân sự. Với những đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mông – Nguyên, tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử như một anh hùng dân tộc kiệt xuất. Quê hương đã hun đúc nên khí chất của người anh hùng và sự nghiệp của ông được nhân dân cả nước ngưỡng vọng, tôn thờ như một vị thánh. Chỉ riêng trên đất Nam Định đã có tới gần 200 địa điểm quanh năm hương khói, thờ cúng Hưng Đạo Đại vương. Ngày mất của ông được toàn dân coi như ngày giỗ cha.

Gắn bó với khu vực hành cung Thiên Trường còn phải kể đến những nhân vật lịch sử lỗi lạc như Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật. Thái ấp của Trần Quang Khải ở xứ Độc Lập, nay là thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc là một trong những vị trí trọng yếu của hệ thống phòng thủ phủ Thiên Trường. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, Trần Quang Khải đã cho xây dựng ở đây một phòng tuyến án ngữ phía nam Thăng Long, đồng thời bảo vệ mặt bắc cho hành cung Tức Mặc. Khi buộc phải rút lui khỏi Thiên Trường, quân ta vẫn dựa vào địa hình hiểm yếu mà giữ được thái ấp Độc Lập, xây dựng thành một căn cứ hậu cần tại chỗ, sẵn sàng làm bàn đạp tấn công giải phóng Thăng Long. Đây cũng là nơi Văn Túc vương Trần Đạo Tái (con trai Chiêu Minh vương), người được Thượng hoàng Nhân Tông rất sủng ái, đã sống những ngày thơ ấu.

Chếch về phía tây bắc trung tâm Tức Mặc còn có di tích chùa Đệ Tứ hay còn gọi là Đại Thánh quán tự. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì đây chính là “Đệ tứ hành cung do nhà Trần xây dựng. Sau dân sở tại dùng chữ Đệ Tứ làm tên xã rồi mới xây chùa”. Căn cứ vào thần chủ được thờ trong chùa, rất có thể đây là nơi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông, đã sinh sống. Quê ngoại Chiêu Văn vương ở làng Mạt Lăng, huyện Nam Chân (nay thuộc Cổ Lễ, huyện Trực Ninh). Ông là người văn võ kiêm toàn, thông kinh bác quyển, có biệt tài học tiếng các dân tộc, là đại thần rường cột của 4 triều vua, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt thời Trần. Ông đã có công nuôi dưỡng dạy bảo hoàng tử Mạnh, sau này là vua Trần Minh Tông.

Chùa Đệ Tứ thuộc phường Lộc Hạ (TP Nam Định).

Chùa Đệ Tứ thuộc phường Lộc Hạ (TP Nam Định).

Là người hào hoa phong nhã, đa tài và có tước lộc cao sang nhưng Nhật Duật lại sống rất giản dị và hiếu thảo. Khi thân mẫu ông là bà phi Vũ Thị Vương, qua đời, ông đã đích thân đưa linh cữu về táng ở quê và cư tang ở đó suốt ba năm. Tại quê ngoại ông đã ra sức giúp đỡ người nghèo khó, tổ chức khơi mương, đắp đường, khai hoang lập ấp. Đầu năm 1331 ông qua đời. Thể theo nguyện vọng của ông, nhà vua đã cho táng ông tại nơi mẫu thân yên nghỉ. Hiện nay trên đất Nam Định còn có tới hơn 30 điểm thờ cúng Chiêu Văn Đại vương.

Trong số những nhân vật xuất chúng quê ở phủ Thiên Trường, có Trần Nhân Trứ, tuy không thuộc họ Trần hoàng tộc, nhưng đã có đóng góp lớn với triều Trần. Ông được thờ ở chùa Đô Quan (Yên Khang, Ý Yên). Ngôi chùa này vốn là quán Đổ Phường có từ thời sứ quân Phạm Phòng Át. Phụ thân của ông là Trần Vạn Niên từ phương Bắc đến sinh cơ lập nghiệp đã lâu. Trần Nhân Trứ thông minh tài trí hơn người, có biệt tài chơi đàn và đánh cờ. Dân địa phương có câu “đàn tiên, cờ trạng” là để chỉ ông. Tài đánh cờ của Nhân Trứ được các bậc quan lại cao cấp, đại quý tộc và thậm chí cả vua Trần biết đến. Ông đã từng đánh cờ với Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc và vua Trần Thánh Tông. Hơn thế, Nhân Trứ còn là người có sức khoẻ phi thường, giỏi võ nghệ và thông hiểu binh pháp. Năm 1241 dưới thời Trần Thái Tông, triều đình chọn người có sức khỏe và am hiểu võ nghệ, ông ra ứng thí được tuyển vào quân Túc vệ thượng đô. Theo thần phả, vào năm Thiên ứng Chính bình thứ 11 (1242) ông được phong làm Thân vệ tướng quân, nhận nhiệm vụ đem quân lên trấn thủ biên giới phía bắc. Sau hơn một chục năm trấn giữ vùng biên cương, Nhân Trứ được gọi về triều. Lợi dụng lúc nhà Trần đang phải tập trung đối phó với âm mưu xâm lược mới của quân Nguyên, một số thủ lĩnh ở động Nẫm Bà La, lộ Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình) kích động dân chúng nổi dậy chống đối. Vua Trần Thánh Tông phải thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Trần Nhân Trứ đã được làm tướng trong cuộc hành quân này, cùng với đại quân đem lại chiến thắng vang dội, bắt sống hàng ngàn quân nổi dậy.

Trong ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên, Trần Nhân Trứ đều lập công xuất sắc, được ghi vào sách Trung hưng thực lục. Do có biệt tài và đóng góp nhiều công lao, ông được nhà vua thưởng cho hàng trăm mẫu ruộng ở huyện Phụng Hoá và Tây Chân.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Trần Nhân Trứ trở về quê sinh sống. Ông cho tu tạo lại ngôi chùa. Di tích có giá trị kiến trúc và nghệ thuật còn lại đến ngày nay là một bệ đá hoa sen chạm khắc tinh tế. Dân coi ông là người có công khởi xướng nghề đục chạm đá ở địa phương. Sau khi ông qua đời, nhân dân lập đàn thờ ông.

Trên vùng đất Nam Định xưa, nhiều điền trang đã được lập ra. Tại làng Hổ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản còn có dấu vết điền trang của hai công chúa Ngọc Bảo và Huyền Trân. Về cuối đời hai bà đều quy y. Từ sau khi qua đời cho đến tận ngày nay hai bà được dân làng thờ phụng tại chùa Quang Nghiêm.

Có vị trí như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long, hành cung Thiên Trường sớm trở thành một trung tâm văn hoá. Sau khi trở thành hành cung ít năm, đất Nam Định đã nổi lên một nhân tài kiệt xuất, đỗ Trạng nguyên khi mới tròn 13 tuổi. Đó là thần đồng Nguyễn Hiền người làng Dương A, huyện Thượng Nguyên (nay thuộc xã Nam Thắng, huyện Nam Trực). Quê ông ở gần Quán Các, cách chùa Vị Khê không xa. Tại đây đã có những ngôi chùa Phật mang tầm cỡ quốc gia, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục trong thời Phật giáo thịnh đạt. Làng Dương A có ngôi chùa cổ Tiên Cảnh tự là nơi Nguyễn Hiền bắt đầu sự nghiệp học vấn của mình. Vốn có trí tuệ siêu việt, lại được các sư tăng uyên bác hết lòng dạy bảo, từ khi còn rất nhỏ tuổi Nguyễn Hiền đã tỏ rõ tư chất một bậc anh tài.

Trong khoa thi năm Đinh Mùi (1247), lần đầu tiên nhà Trần đặt lệ chọn tam khôi (trong số những người đỗ Thái học sinh, chọn ra ba người giỏi nhất), Nguyễn Hiền là người đứng đầu, trên cả Lê Văn Hưu và Đặng Ma La. Không chỉ học giỏi, đỗ cao, vị Trạng nguyên – Thần đồng còn được sử sách chép lại như một người đã đem tài năng làm rạng danh đất nước, nhất là trong những trường hợp đối đáp với sứ thần triều Nguyên, khiến “sứ Bắc quốc nể phục”.

Việc học hành thi cử đất Thiên Trường đặc biệt khởi sắc từ khi vua Trần cho lập nhà học ở đây vào năm 1281. Ngoài những người thuộc dòng dõi hoàng tộc có điều kiện học hành để trở thành đại trí thức, giữ các cương vị khác nhau trong triều đình như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Tung (Tuệ Trung thượng sĩ), Trần Đạo Tái, Trần Nguyên Đán…, đất Thiên Trường còn sản sinh ra không ít nhân tài làm rạng danh nước Đại Việt thời Trần như trường hợp cha con, thầy trò Đào Toàn Bân ở Cổ Lễ. Đào là một dòng họ lớn, có truyền thống khoa bảng. Ngay từ thời vua Trần Nhân Tông, trong dòng họ đã xuất hiện nhân vật Đào Dương Bật đỗ Thái học sinh và là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Trần. Ông đã được triều đình giao chức vụ Thượng thư bộ Hình kiêm Đông Các đại học sĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai, ông nhận nhiệm vụ chiêu dân lập ấp ở vùng đất Đông Trang, lộ Trường Yên, xây dựng căn cứ chống giặc.

Đào Toàn Bân (phụ thân Trạng nguyên Đào Sư Tích) là một người học rộng, tài cao, ông đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Dần (1362), làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, sau về quê mở trường dạy học. Dưới sự dạy dỗ dìu dắt của ông, nhiều người đã đỗ đạt, thành danh. Đặc biệt, khoa thi năm Giáp Dần (1374) cả ba học trò của ông đều đỗ đại khoa. Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Giản (tức Lê Hiến Phủ) đỗ Bảng nhãn và Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ. Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An đã tôn ông là “Đại sư vô nhị” (Bậc thày lớn có một không hai).
Nguồn tin: Địa chí Nam Định


TOP