Việt Nam vượt mốc 30.000 ca Covid-19

Việt Nam vượt mốc 30.000 ca Covid-19

Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta từ ngày 23/1/2020 (29 Tết Canh Tý), đến sáng 12/7/2021 đã vượt mốc 30.000 ca.

Sáng 12/7, Việt Nam vượt 30.000 ca Covid-19, gồm 29.656 ca cộng đồng, 1.934 ca nhập cảnh. 123 bệnh nhân Covid-19 tử vong, chủ yếu lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng. 9.275 người đã được điều trị khỏi và công bố khỏi bệnh.

Đại dịch xuất hiện tại nước ta từ ngày 23/1/2020 (29 Tết Canh Tý) khi người cha 66 tuổi từ Vũ Hán, Trung Quốc đến Việt Nam thăm con trai 28 tuổi. Từ đó, cả nước trải qua 4 đợt dịch.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 23/1/2020 đến 24/7/2020) có 415 ca, gồm 106 ca cộng đồng, 309 ca nhập cảnh.

Giai đoạn 2 (từ 25/7/2020 đến 27/1/2021) có 1.136 ca, gồm 554 trong nước và 582 nhập cảnh.

Giai đoạn 3 (từ 28/1/2021 đến 26/4/2021) có 1.301 ca, gồm 910 ca cộng đồng và 391 ca nhập cảnh.

Giai đoạn 4 (từ 29/4 đến chiều 12/7), có 28.738 ca, gồm 28.086 ca cộng đồng và 652 ca nhập cảnh.

Biểu đồ theo dõi ca mắc Covid-19 (Ảnh: Bộ Y tế)

Trong đợt dịch thứ 4, 58/63 tỉnh thành trên cả nước có dịch. Trong đó, TP.HCM hiện là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất với 14.435. Sau đó đến Bắc Giang (5.691 ca), Bắc Ninh (1.690 ca), Bình Dương (1.500 ca), Đồng Tháp (616 ca), Phú Yên (449), Hà Nội (328).

Việt Nam ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của SARS-CoV-2, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn). Biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành Trung ương sáng 10/7 chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Khoảng 75 triệu người dân với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Tính đến 16h chiều 11/7, Việt Nam đã tiêm 4.051.585 liều vaccine Covid-19. Trong đó, 277.447 người đã hoàn thành đủ 2 mũi tiêm.

Vượt mốc 14.000 ca mắc, TP.HCM đang tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch bệnh

Tính đến trưa 12/7, TP.HCM có 14.435 ca Covid-19 trong đợt dịch thứ 4, chiếm tỷ lệ hơn 51%.

Chỉ trong 2 bản tin sáng, trưa ngày 12/7 của Bộ Y tế, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 1.423 ca, trong đó 1.159 ca thuộc khu vực cách ly, phong tỏa, 264 ca được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, cộng đồng.

Trước số lượng ca nhiễm hơn 1.000 ca/ngày, dịch bệnh ở thành phố bùng phát mạnh, F0 xuất hiện trong cộng đồng nhiều, ngành y tế đang thực hiện đánh giá các vùng dịch tễ, phân vùng nguy cơ để lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, quyết định khu vực nào cần phong tỏa hay xét nghiệm tầm soát diện rộng.

Đồng thời, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm hàng ngày tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCX, KCN, KCNC; tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly; dừng hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Với những biện pháp mạnh, quyết liệt đang triển khai, thành phố quyết tâm tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng, mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân, sớm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Chợ đầu mối Thủ Đức xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm cho 8.000 tiểu thương, nhân viên (Ảnh: Viết Thanh)

Hà Nội ghi nhận nhiều ca dương tính mới liên quan TP.HCM và Khu công nghiệp

Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4 đến ngày 12/7, Hà Nội có tổng 322 ca, trong đó 258 ca thuộc các chùm ca bệnh đã được kiểm soát. Trong vòng 7 ngày kể từ 5/7, thành phố có tổng 64 ca mắc mới, thuộc 3 chùm ca bệnh. Trong đó, chùm ca bệnh tại Công ty SEI, Khu công nghiệp Thăng Long có 31 ca. Chùm ca bệnh trong một gia đình ở xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức có 9 ca. Chùm ca bệnh liên quan TP.HCM có tổng 24 ca.

Từ 0h ngày 13/7, Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ còn ở mức cao và khó lường. Nhiều người về từ các vùng dịch, đặc biệt là TP.HCM tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh và lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra là nguy cơ xâm nhập từ các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam.

Sở Y tế nhận định thời gian tới sẽ xuất hiện thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng và trong các khu cách ly.

Tất cả 19/19 tỉnh thành ở Nam Bộ đã có dịch Covid-19

Ngoài TP.HCM và Bình Dương, tính đến ngày 12/7, Đồng Nai là địa phương có số ca nhiễm cao thứ 3 tại khu vực Đông Nam Bộ, xuất hiện ở các nhà máy, xí nghiệp, khu nhà trọ.

Số lượng ca mắc Covid-19 tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ (trừ TP.HCM) đến trưa 12/7 cụ thể như sau: Bình Dương (1.500), Đồng Nai (241), Bà Rịa – Vũng Tàu (38), Bình Phước (27), Tây Ninh (23).

Trước số lượng ca mắc Covid-19 lớn, hiện tỉnh Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 4 đô thị lớn giáp ranh với TP.HCM gồm Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Thủ Dầu Một.

Theo các chuyên gia dịch tễ nhận định, tỉnh Bình Dương đang có nhiều ổ dịch âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng, địa phương cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát, truy vết ca bệnh.

Tại Đồng Nai, từ 0h ngày 9/7 toàn tỉnh cũng đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, ấp cách ly với ấp, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố.

Trước diễn biến phức tạp, sáng nay TP. Vũng Tàu cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị được áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 14/7 đến hết ngày 27/7 để kiểm soát dịch bệnh.

Ở 13 tỉnh/thành miền Tây, sau một thời gian dài kiểm soát được dịch bệnh, 4 tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau cũng đã xuất hiện dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Trong khi đó, với những ổ dịch phức tạp, nguy hiểm, lây lan nhanh, Đồng Tháp là địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất miền Tây với 616 bệnh nhân.

Hai địa phương tiếp theo có số ca nhiễm cao là Tiền Giang với 444 ca, Long An 393 ca. 10 tỉnh/thành còn lại, dịch Covid-19 đã âm thầm xâm nhập trong cộng đồng như Vĩnh Long (152), An Giang (87), Trà Vinh (27) Bến Tre (11), Cần Thơ (8), Sóc Trăng (14), Bạc Liêu (12), Cà Mau (15), Hậu Giang (14), Kiên Giang (4).

Tags:

TOP