Xuân Trường: Bình yên giáo xứ Thánh Mẫu…

Xuân Trường: Bình yên giáo xứ Thánh Mẫu…

Về giáo xứ Thánh Mẫu dịp cuối tuần, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ bình yên thả từng tiếng ngân nga hòa lẫn với vị mặn mòi xa xa gió biển đưa lại, để thấy lòng mình được thanh lọc, an yên, bình thản đến kỳ lạ…

Giáo xứ Thánh Mẫu

Giáo xứ Thánh Mẫu thuộc giáo phận Bùi Chu tọa lạc tại trung tâm xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Nằm cách Tòa Giám mục khoảng 7km và thành phố Nam Định khoảng 35km, giáo xứ Thánh Mẫu là một xứ đạo trù phú, thanh bình, được nhiều người yêu mến.

Giáo xứ Thánh Mẫu, nguyên trước đây chỉ là một giáo họ trực thuộc giáo xứ Quần Cống. Năm 1996, vào ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Đức Giám mục Bùi Chu Giuse Maria Vũ Duy Nhất đã nâng giáo họ lên hàng Cộng Đoàn và một thời gian sau nâng lên hàng giáo xứ.

Được biết, ngôi nhà thờ chính xứ hiện nay được khánh thành vào ngày 4/1/1999, sau khoảng ba năm xây dựng. Ngôi thánh đường có chiều dài 45m, rộng 18m và cao 17m, nổi bật là hai ngọn tháp cao khoảng 45m, từ xa hàng chục cây số đã trông thấy rõ ràng.

Sau gần hai chục năm thành lập, đến nay giáo xứ có khoảng 900 nhân danh dưới sự quản lý của một linh mục chính xứ. Giáo xứ Thánh Mẫu giàu đẹp, thanh bình.

Đời sống của giáo dân chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa, ngoài ra còn có các ngành nghề khác như xây dựng, mộc, thủ công mỹ nghệ,… Khoảng chục năm trở lại đây, đời sống của giáo dân đã thay da đổi thịt và đi vào ổn định, nhiều nhà cửa, đường sá được xây mới và tu bổ khang trang, nhà cao tầng cũng được xây dựng.

Được tách ra từ giáo xứ Quần Cống – một xứ đạo truyền thống lâu đời, giáo xứ Thánh Mẫu cũng tiếp nối truyền thống đạo đức và lòng tin kiên trung của các bậc tổ tiên.

Có 5 vị chứng nhân Đức Tin đã hy sinh vì Đạo Chúa. Nhà thờ giáo xứ đã trở thành trung tâm của đời sống đạo đức, tinh thần và là nơi tụ họp gặp gỡ của bà con giáo dân địa phương và trong khu vực.

Những vất vả lo toan cho đời sống vật chất, những suy nghĩ chọn lựa cho đời sống đạo,… đều được chia sẻ và lắng nghe. Tinh thần đạo đức, sự đoàn kết tương thân tương ái đã trở nên một nét đẹp trong đời sống bà con giáo dân nơi đây.

Tại giáo xứ này, từ bao đời nay, đồng bào lương – giáo sống đoàn kết yêu thương và gắn bó. Đời sống văn hóa của dân cư không ngừng được cải thiện, cùng nhau xây dựng cuộc sống văn minh, no ấm, sống tốt đạo đẹp đời.

Thành Nam( Báo pháp luật)


TOP