Nam Định: Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

Nam Định: Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

Ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên báo LĐ&XH về kết quả công tác ngành trong năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ của ngành trong năm 2018.

Ông Hoàng Đức Trọng- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định

Xin ông cho biết những kết quả mà ngành LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định đã đạt được trong năm 2017?

Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH Nam Định đã tranh thủ được sự lãnh đạo của tỉnh, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ LĐ-TB&XH, tích cực chủ động bám sát kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi đã tham mưu với tỉnh và trực tiếp ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chương trình giáo dục nghề nghiệp, việc làm, an toàn vệ sinh lao động như: Kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn – Vệ sinh lao động, Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; triên khai cấp giấy phép cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử; hướng dẫn thực hiện các quy định và các văn bản mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nam Định năm 2017. Đặc biệt, công tác tư vấn việc làm, học nghề đặt 545,5% kế hoạc năm, giới thiệu việc làm đạt 360% kế hoạch năm.

Năm nay, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ; thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với Người có công; giải quyết tồn đọng và các khiếu nại tố cáo của công dân. Ước thực hiện năm 2017 giải quyết chế độ chính sách cho trên 65.000 đối tượng và thân nhân người có công. Chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 50.000 đối tượng; thực hiện điều dưỡng cho 27.689 người có công. Ngoài việc đi thăm, tặng quà cho các gia đình, đối tượng chính sách người có công, xây dựng, tu sửa mộ, nghĩa trang liệt sỹ, tỉnh cũng tập trung mọi nguồn lực, quan tâm, làm tốt công tác xã hội hóa chăm sóc người có công; đảm bảo các gia đình chính sách người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân địa phương nơi cư trú…
Các mặt công tác khác như giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cũng đạt được nhiều kết quả. Đơn thư thắc mắc của người dân cũng giảm so với năm 2016, công tác cải cách hành chính cũng được chỉ đạo quyết liệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và các cơ quan, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách giúp người dân phòng ngừa, hạn chế rủi ro như: hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ hộ nghèo tiền điện, cho vay tín dụng hộ nghèo, trợ cấp xã hội thường xuyên… cũng được triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tư vấn việc làm, đào tạo nghề ở Nam Định đạt 545% kế hoạch năm

Năm 2017, công tác tư vấn việc làm, học nghề của tỉnh đạt 545,5% kế hoạch năm, giới thiệu việc làm đạt 360% kế hoạch năm. Đây là con số khá ấn tượng. Ông có thể nói cụ thể hơn về mảng công tác này?

Về công tác giới thiệu việc làm, trên cơ sở chỉ tiêu giải quyết việc làm của tỉnh giao, Sở đã cụ thể hóa và giao kế hoạch cho các phòng LĐ-TB&XH cấp huyện thực hiện. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ công tác giải quyết việc làm như: triển khai kịp thời các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động, ghi chép và cập nhật thông tin của trên 2.250 doanh nghiệp/ hợp tác xã phi nông nghiệp (cầu lao động); cập nhật biến động lao động tại 49.925 hộ gia đình (cung lao động).

Tỉnh cũng tiếp nhận chuyển giao cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động của tỉnh từ Cục Việc làm, giao trung tâm dịch vụ việc làm là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý và tổ chức khai thức thông tin về lao động, việc làm của tỉnh. Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đã duy trì tốt các hoạt động tư vấn việc làm học nghề, chính sách về lao động việc làm; khai thác, cập nhật, cung ứng thông tin thị trường lao động. Năm 2017, trung tâm đã tư vấn việc làm, học nghề cho 30.000 lượt lao động (đạt 545,5% kế hoạch năm); giới thiệu việc làm cho 3.600 lao động (đạt 360% kế hoạch năm); toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 32.000 lượt người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó XKLĐ 1.300 người.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 4.854 người, ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 4.677 người và 4.634 người được chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh ước đạt 42,8% (tăng 1% so với năm 2016), đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ 31.200 người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó cao đẳng nghề 2.970 người, trung cấp nghề 4.300 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng: 23.930 người.

Thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào các mảng công tác nào thưa ông?

Năm 2018, tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, đẩy mạnh cải cách hành chính thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách đối với người có công; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong năm tới, Nam Định cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể như: giải quyết việc làm mới cho khoảng 32.000 lao động; đào tạo nghề cho khoảng 33.600 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 44% vào cuối năm 2018; đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 0,5%; thực hiện kịp thời các chính sách bảo trợ xã hội, đảm bảo 100% đối tượng được thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho khoảng 80.000 đói tượng bảo trợ xã hội.

Đặc biệt, trong năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu và quyết tâm giải quyết, xử lý dứt điểm diện hồ sơ người hy sinh chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công, chưa được xác nhận liệt sỹ theo quy định. Đồng thời, phấn đấu 220/229 xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em và trợ giúp cho 5000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Theo CHÂU GIANG( báo dân sinh)


TOP