Xã Đại An (Vụ Bản) hiện còn bảo lưu được nhiều di sản văn hoá đặc sắc với gần 20 di tích đình, chùa, đền, miếu, từ đường được phân bổ rộng khắp tại các thôn, làng cổ: An Duyên, An Cự, An Hưng, Đại Đê, Ngói… Mỗi di tích đều mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian được biểu hiện qua các dịp lễ hội làng…

Di tích lịch sử – văn hoá Từ đường họ Vũ, làng An Cự, xã Đại An.
Trong số các vị tổ được thờ tại Từ đường họ Vũ, dấu ấn đậm nét nhất là vị tổ thứ 4 Vũ Công Chấn – vị tổ làm rạng danh Vũ tộc Đại tông nổi tiếng khắp vùng đất “Thiên bản xưa”. Theo thần tích, bia ký và gia phả dòng họ Vũ ghi chép thì Vũ Công Chấn (1618-1698) là một võ quan thời Lê Trịnh đã phụng sự 2 đời Chúa Trịnh là Trịnh Tạc (1653-1682) và Trịnh Căn (1682-1709) với công việc chính là quản lý Vương phủ và Võ quan.
Trong thời gian phụng sự Chúa Trịnh, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Thư vệ, Đề đốc, Đô đốc Kiểm sự, Quận công, Đô đốc Phủ. Vũ Công Chấn có biệt tài trong việc đôn đốc xây dựng, trùng tu các công trình quan trọng của đất nước như: Xây lầu cho Vua Lê Thần Tông, đại môn Phủ Chúa Trịnh, đốc công áp 2 huyện Nông Cống (Thanh Hoá) và Ngọc Sơn (Nghệ An), cai quản bến sông Bạch Hạc (Phú Thọ)…
Đặc biệt, năm 1663, ông đốc công phục dựng lại Đàn Nam Giao (đàn tế trời đất) tại Kinh đô Thăng Long, xây dựng cầu Yên Quyết bắc qua sông Tô Lịch (sau này là Cầu Giấy, Hà Nội), xây dựng Quán Trấn Vũ – một trong “Thăng Long tứ trấn” (nay là Đền Quán Thánh, Hà Nội) góp phần phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội của quốc gia Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII.
Sau khi ông mất ngày 19 tháng Chạp năm Mậu Dần, triều đình đã gia tặng ông chức Hữu Đô Đốc và nhân dân địa phương cùng các con cháu trong dòng họ Vũ đã xây dựng lăng mộ và tạc tượng ông thờ tại từ đường. Về giá trị nghệ thuật kiến trúc, Từ đường họ Vũ và Lăng mộ Quận công là những công trình kiến trúc cổ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII.
Từ đường họ Vũ được xây dựng trên khu đất rộng 1.224m2, mặt quay hướng tây nam, bao gồm các hạng mục kiến trúc: nghi môn, sân vườn, ao, nhà khách. Cổng từ đường được xây theo kiểu cổ đẳng 8 mái, đao góc uốn cong có đắp hoạ tiết rồng. Phía trước từ đường có sân lát gạch, mái lợp ngói nam; hàng bẩy tiền được chạm khắc họa tiết trúc hoá long, phượng hàm thư mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Từ đường có 3 gian gồm: Tiền đường, cung cấm và hậu cung. Gian chính giữa của từ đường đặt ngai và bài vị Vũ Công Chấn. Hai gian còn lại được thiết kế theo kiểu “vì kèo giá chiêng” thờ tổ và gia tiên. Tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật giá trị như: các đạo sắc phong, tượng thờ, kiệu bát cống, câu đối, đại tự, gia phả, văn bia…
Cách từ đường khoảng 500m về phía bắc là Lăng mộ của Quận công. Trước kia, mộ Quận công Vũ Công Chấn được xây đơn giản bằng hợp chất vôi trộn cát. Năm 1985, mộ được xây dựng lại bằng gạch vữa theo hình tròn. Đến năm 2005, chính quyền và nhân dân địa phương đã quy hoạch đất, xây dựng, mở rộng khu Lăng mộ thờ tự. Năm 2011, Lăng mộ Quận công hoàn thành với tổng diện tích 422m2, đầy đủ các hạng mục kiên cố như: nhà bia, nhang án, trấn môn, cổng, sân, tường rào.
Riêng phần mộ Quận công Vũ Công Chấn được xây trong hệ thống tường bao bằng đá, phía trước tạo lối lên xuống được xây giật cấp 9 bậc; hai bên thành đắp nổi họa tiết hình rồng. Ngôi mộ chia thành 3 phần: Phần đế xây theo kiểu tam cấp thu nhỏ dần về phía trên, diềm của các bậc tam cấp chạm họa tiết hình lá đề. Phần thân mộ được xây theo kiểu hình hộp chữ nhật chạm khắc họa tiết tứ linh, tứ quý. Phần đỉnh mộ tạo ngai thờ, hai tay ngai đắp họa tiết hình rồng, hậu ngai chạm họa tiết lưỡng long chầu nguyệt…
Hằng năm, tại Từ đường họ Vũ các con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội vào dịp lễ kỵ Thuỷ tổ họ Vũ và lễ kỵ tổ Quận công Vũ Công Chấn (ngày mồng 4 tháng Giêng). Hội làng An Cự ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu, làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm điếm, cờ tướng, hát chèo… Trong đó, hát chèo được đông đảo nhân dân ở khắp các thôn, làng tham gia. Mỗi thôn, làng đều có một tốp, đội chèo biểu diễn phục vụ lễ hội, cổ vũ nhân dân hăng say lao động sản xuất.
Các di tích lịch sử – văn hoá ở Đại An ngày nay ngoài việc là nơi thờ tự, tri ân công đức của các bậc tiên tổ, còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng cho thế hệ con cháu tiếp tục góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Hằng năm, nhân dân địa phương và con em làm ăn thành đạt xa quê hương thường xuyên vận động đóng góp, ủng hộ kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước, góp phần phát huy giá trị các di tích, gìn giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
( báo nam định)
- Đền chùa Diêm Điền Thị Trấn Ngô Đồng – Giao Thủy
- Nhà thờ Giáo xứ Liên Thượng – Xuân Trường Nam Định
- Nữ 9x Nam Định được khen xinh như hotgirl sau phẫu thuật thẩm mỹ
- Giới trẻ Nam Định đi chơi đâu, ăn gì chỉ với 200.000 đồng?
- Nam Định: Chuyện cựu Trưởng công an xã tay không bắt ba tên cướp
- Tất tần tật bí kíp cầm 200 nghìn, tự tin “oanh tạc” ẩm thực Nam Định trong vòng một ngày
- Chàng thủ khoa quê Nam Định bốc vác kiếm tiền học phí, hứa không yêu ai để học thành tài
-
Nam Định: Hàng loạt con mèo bỗng lăn đùng ra chết bất thường
-
Nam Định: Xây công trình… để bỏ hoang
-
Về Nam Định ăn phở 5 nghìn
-
Nam Định: Một bé trai bị bỏ rơi ngay trước cổng chùa La Chợ
-
Lối sống của người Nam Định
-
Học sinh trường THPT Lê Hồng Phong Nam Định giành suất sang Mỹ thi chung kết MOSWC 2017
-
Từ đĩa bánh cuốn Nam Định
-
Nam Định: Ô tô gây tai nạn giao thông liên hoàn, 11 người đi cấp cứu
-
Miền Bắc còn rét đến cuối tuần
-
Thông tin sốc vụ phát hiện bé gái 20 ngày tuổi ở bãi rác ở Thanh Hóa
-
Nam Định: Hãi hùng sắt đổ tràn xuống đường từ xe 3 bánh tự chế
-
Đầu bếp đầu tiên mang phở ra Trường Sa
-
Nam Định: Nữ sinh lớp 6 mất tích bí ẩn sau khi đi học
-
Phở Ngon Nam Định
-
Nam Định: Lập tức chuyển công tác nữ điều dưỡng bỏ mặc bệnh nhân