Nông thôn Nam Định đang tiếp cận phát triển ở trình độ cao hơn

Nông thôn Nam Định đang tiếp cận phát triển ở trình độ cao hơn

Nam Định cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hướng đến trình độ sản xuất cao hơn, phát triển nông nghiệp phải gắn với thị trường trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nam Định cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hướng đến trình độ sản xuất cao hơn. Ảnh: Vũ Văn Đạt/TTXVN

Nam Định trở thành điểm sáng, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Hệ thống kết cấu kinh tế – xã hội ở nông thôn được đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết nối với hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực. Đời sống của người dân nông thôn ngày càng nâng cao… Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức ngày 20/7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X), nông thôn Nam Định đã phát triển theo hướng hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân ngày càng tốt hơn.

Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao. Năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng.

Cùng với việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, Nam Định đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được củng cố, hoàn thiện.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn Nam Định năm 2018 tăng 3,5 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,44 lần (giảm 0,3 lần), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,91% (giảm 3,4 lần) so với năm 2008.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan, trong bối cảnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các nông sản của tỉnh phải cạnh tranh quyết liệt với nông sản nhập khẩu… Để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, kinh tế nông nghiệp Nam Định sẽ chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Nam Định cũng chú trọng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Nam Định sẽ tiếp tục đổi mới quan hệ sản xuất để theo kịp và hỗ trợ lực lượng sản xuất. Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế – xã hội, các thiết chế văn hóa theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới. Giai đoạn 2018 – 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2 – 2,5%/năm. Năm 2030, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2017.

Cùng với nâng cao đời sống vật chất, người dân nông thôn Nam Định sẽ được thụ hưởng đầy đủ các thành tự về văn hóa tinh thần, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chính sách xã hội…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho hay, từ thực tế ở Nam Định và các địa phương trong cả nước có thể khẳng định, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hợp lòng dân, tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Mười năm qua, nông thôn Nam Định đã thay da đổi thịt từng ngày và đang tiếp cận đến nông thôn phát triển ở trình độ cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mỹ Lộc – Nam Định. Ảnh: Vũ Văn Đạt/TTXVN

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản trong 10 năm bình quân của Nam Định còn thấp, mới chỉ đạt 2,8% (mục tiêu của Nghị quyết 26 đưa ra là 3,5 – 4%; cả nước đạt 3,9%/năm). Quy mô sản xuất của Nam Định chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, đặt biệt lao động trong khu vực nông thôn Nam Định vẫn còn cao, chiếm tới 75%. Việc sản xuất gắn với đáp ứng yêu cầu của thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế…

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, Nam Định cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hướng đến trình độ sản xuất cao hơn. Cùng đó, phát triển nông nghiệp phải gắn với thị trường trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, địa phương phải tạo môi trường thuận lợi, có chính sách khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng điện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng đô thị mới văn minh, hiện đại. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN


TOP