TP.HCM: Phạt 300.000 đồng nếu ra đường không đeo khẩu trang, đã áp dụng ngay từ hôm nay

TP.HCM: Phạt 300.000 đồng nếu ra đường không đeo khẩu trang, đã áp dụng ngay từ hôm nay

Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đi đường và nơi làm việc là BẮT BUỘC cho toàn bộ người dân, thực hiện từ 27/3/2020. Ai không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Chiều 27/3, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo đến lãnh đạo các sở ngành và chủ tịch UBND quận, huyện về việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, trong đó việc đeo khẩu trang bắt buộc được quan tâm.

Trước đó, tại phiên họp giao ban trực tuyến của BCĐ phòng chống dịch Covid-19 chiều 26/3, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng giải pháp đầu tiên trong phòng chống dịch là đeo khẩu trang. Vì vậy, yêu cầu các quận, huyện kiểm tra, rà soát để đảm bảo tất cả mọi người dân trên địa bàn đều có khẩu trang và sử dụng khẩu trang theo quy định.

Việc đeo khẩu trang bắt buộc khi ra đường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đi đường và nơi làm việc là BẮT BUỘC cho toàn bộ người dân, thực hiện từ 27/3/2020.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương kiểm tra các địa điểm bán khẩu trang để đảm bảo về chất lượng và giá cả. Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc Sở Y tế hướng dẫn chủ tịch UBND cấp xã, công chức, viên chức ngành y tế, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, xử lý.

“Mỗi người dân khi ra đường đều đeo khẩu trang, nếu ai không làm phải chế tài, xử phạt, sau đó được phát 1 khẩu trang miễn phí để đeo lập tức” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo Nghị định số 176/2013 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, tại điểm a, khoản 1, Điều 11 quy định nếu cá nhân không chấp hành việc đeo khẩu trang thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.

Theo điểm a, b, c khoản 4, điều 11 thì mức phạt sẽ từ 5 đến 10 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân không chấp hành biện pháp tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng.

Hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa thực hiện tốt việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường.

Các đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ, chủ tịch UBND cấp xã là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp xã ban hành quyết định cưỡng chế để chuyển từ cách ly y tế tại nơi cư trú sang cách ly tại cơ sở y tế.

Toàn bộ mức xử phạt việc vi phạm quy định về áp dụng biện pháp phòng chống dịch dưới đây:

Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

b) Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch.

b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch.

b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch.

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh.

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A.

b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch.

c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch.

b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước.

c) Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều này.

Tags:

TOP