Nam Định: Làng Phú Ninh phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng

Nam Định: Làng Phú Ninh phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng

Làng Phú Ninh, xã Phương Định (Trực Ninh – Nam Định) là vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Tương truyền, từ hàng trăm năm trước, khi còn là vùng đất hoang hóa, nhiều dòng họ đã quy tụ về đây khai khẩn đất đai, trồng lúa, hoa màu, gây dựng làng nghề để làm kế sinh nhai. Trong quá trình dựng làng, giữ đất để chống lại thiên tai, giặc dã, người dân Phú Ninh sớm biết đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống gắn kết trong cộng đồng làng, xã.

Rước kiệu trong lễ hội Đền – Chùa Linh Quang, làng Phú Ninh, xã Phương Định (Trực Ninh). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Làng Phú Ninh có cảnh quan đẹp, thơ mộng với nhiều công trình kiến trúc tâm linh cổ kính. Ðến đây, không khó để bắt gặp các nếp nhà xưa cũ, những tán cây cổ thụ soi bóng xuống mặt hồ; văng vẳng âm thanh tiếng thoi dệt sợi vẫn đang được một số ít những hộ dân làng nghề lưu giữ. Là vùng đất phù sa màu mỡ nên những sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ bao đời nay ở Phú Ninh luôn mang đậm dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước; đặc trưng là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Lễ hội Ðền – Chùa Linh Quang được tổ chức 4 năm 1 lần vào dịp tháng 3 (âm lịch) các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân tạo dựng Tổ Ðình Phật giáo Linh Quang và Ðông cung Công chúa Xuân Nương – nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết, sau khi tướng Thi Bằng (phu quân của Xuân Nương) tử trận, bà đã cùng quân binh tiếp tục anh dũng chiến đấu chống lại giặc Hán xâm lược. Do thế địch mạnh, quân ta thất trận, bà đã gieo mình xuống sông Thao (thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) tự vẫn. Thân xác của nữ tướng theo dòng sông trôi dạt về sông Ninh Cơ, được người dân vớt lên an táng, xây mộ, lập đền thờ tự. Ðền – Chùa Linh Quang được xây dựng năm 968 thời Vua Ðinh Tiên Hoàng. Theo những người cao niên ở địa phương thì lễ hội làng Phú Ninh xưa tuy chỉ diễn ra trong phạm vi làng nhưng rất sôi nổi với các hoạt động có sự tham gia của cả cộng đồng như: cờ tướng, cờ người, leo cầu, đấu vật, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, kéo co… Những năm 1920-1921, lễ hội Ðền – Chùa Linh Quang còn có bơi chải với những chiếc chải to có 16 tay chèo, chải nhỏ có 8 tay chèo dọc triền sông Ninh Cơ. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế của người dân được nâng lên, lễ hội Ðền – Chùa Linh Quang đã trở thành lễ hội quy mô lớn của cả huyện và được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020. Lễ hội không chỉ có sự tham gia của dân làng Phú Ninh mà còn gồm cộng đồng dân cư các làng lân cận như: Hợp Thịnh 1, Hợp Thịnh 2, Hợp Hòa và Cổ Chất. Mở đầu lễ hội là tục làm bánh chưng, bánh dày và các nghi thức: tế nhập tịch, tế hiến sinh. Ðiểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước nước bằng đường thủy và đường bộ được người dân Phú Ninh khôi phục từ năm 1992. Ðoàn rước đi từ đền theo triền đê đến ngã ba sông (nơi hợp lưu của sông Ninh Cơ và sông Hồng) để làm lễ tế Thủy thần. Trên thuyền các bô lão thả cá chép phóng sinh, phóng noãn (32 quả trứng sống), ném gạo, muối rồi thả chiếc vòng dây mây cuốn vải điều đỏ xuống mặt nước giữa sông để lấy nước tinh sạch đổ vào chóe rồi rước về đền để làm lễ “mộc dục” tượng thánh, bao sái đồ thờ tự và thờ cúng quanh năm. Buổi tối diễn ra lễ rước kiệu với dàn kiệu gồm 19 chiếc rước quanh làng ra mộ nữ tướng rồi về chùa yên vị. Hình ảnh đèn, nến, khói hương hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng, dàn bát âm… đã tạo nên không khí lễ hội làng quê đầy âm thanh, màu sắc. Hai bên đường của đoàn rước đi qua, các gia đình bày biện mâm lễ hướng đến kiệu Thánh Bà thành tâm cầu nguyện. Trong lễ hội, còn diễn ra các nghi thức như: lễ thay áo thánh, cúng Tứ phủ và các trò diễn, trò chơi dân gian đặc trưng vùng châu thổ Bắc Bộ như: rước kiệu bay, văn nghệ, múa lân… Về dự lễ hội Ðền – Chùa Linh Quang người dân không chỉ được ôn lại truyền thống lịch sử chống ngoại xâm mà còn thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh với mong muốn “mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, thiên hạ thái bình”.

Cùng với việc gìn giữ giá trị văn hoá dân gian, nhiều năm qua, làng Phú Ninh vẫn duy trì được nhiều phong tục, tập quán nhằm ổn định nền nếp gia phong, gia tộc thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước, từ quan hệ ứng xử văn hóa giữa các thành viên trong mỗi gia đình, giữa các gia đình trong xã hội đến thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tăng cường tính tự quản trong cộng đồng dân cư, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”… Ở Phú Ninh, truyền thống hiếu học đã tạo động lực thúc đẩy các thế hệ con em trong các gia đình vươn lên học hành. Với phương châm “Mỗi gia đình hiếu học sẽ góp phần làm nên một dòng họ hiếu học”, công tác khuyến học, khuyến tài ở Phú Ninh luôn được đẩy mạnh tạo điều kiện để con cháu thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ học tập của mình. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa, gia đình hiếu học của làng luôn đạt từ 80-85%. Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá của làng thường xuyên phối hợp với các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, CCB, Ðoàn Thanh niên… tích cực phổ biến quy định, tiêu chuẩn xây dựng làng văn hóa. Nhiều năm liền làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; các gia đình luôn ý thức tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung của phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không”; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững; làng không có trẻ em bỏ học, người vi phạm pháp luật; người dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; đời sống nông thôn ngày càng được cải thiện, số hộ khá, giàu chiếm trên 70%, tỷ lệ nhà ở kiên cố, hộ dân sử dụng nước sạch chiếm 90%, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%.

Thời xưa, những giá trị văn hóa truyền thống ở làng Phú Ninh đã trở thành “cái nôi” sản sinh, nuôi dưỡng, hình thành đạo lý sống, nhân cách con người, tạo ra sức mạnh để dân làng chiến thắng thiên tai, giặc dã, đói nghèo. Ngày nay, thông qua sinh hoạt cộng đồng, nét đẹp văn hóa làng quê ở Phú Ninh đang được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy, trở thành sức mạnh nội lực gắn kết “tình làng, nghĩa xóm”, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tags:

TOP