Công ty CP Sông Đà 11 nói gì về việc trộn đất vào bê tông cột điện cao thế?

Công ty CP Sông Đà 11 nói gì về việc trộn đất vào bê tông cột điện cao thế?

Sáng 1/6, Công ty CP Sông Đà 11 – nhà thầu dự án đường dây 220kV Trực Ninh (Vụ Bản, Nam Định) cho biết, qua đánh giá ban đầu, nhiều mẫu bê tông móng được lấy tại hiện trường không đạt yêu cầu, nhiều mẫu chỉ đạt cường độ chịu lực 12-13 newton/mm2.
Trước thông tin một số cơ quan báo chí phản ánh về hiện tượng trộn đất vào bê tông móng trụ số 1 và 2 đường dây 220kv Trực Ninh cắt đường dây 220kv Ninh Bình – Nam Định, sáng ngày 1/6, Công ty CP Sông Đà 11 đã công bố kết quả kiểm định mẫu bê tông và công tắc khắc phục hậu quả trong việc móng cột điện đường dây 220kv Trực Ninh – Nam Định thi công không đảm bảo chất lượng.
Theo kết quả kiểm nghiệm được công bố sáng nay: Vị trí cột 1 và 2 mà báo chí phản ánh đang nằm trong đoạn tạm dừng thi công, chờ phối hợp giải quyết với Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, do tuyến đường dây đi qua đài dẫn yêu cầu cần phải dịch chuyển để đảm bảo an toàn dẫn đường.

Hai trụ cột điện cao thế nghi trộn đất vào bê tông. Ảnh: VNE

Hai trụ cột điện cao thế nghi trộn đất vào bê tông. Ảnh: VNE

Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi và tập kết nguyên vật liệu đã lâu, kết cấu thép đã được lắp đặt, đồng thời do lo ngại móng đào sẽ bị sụt lở do mưa bão có thể lấp hết cốt thép móng nên Đội xây lắp số 12 do ông Nguyễn Văn Toán làm đội trưởng đã tự ý thi công vị trí 1 và 2 mà không được sự đồng ý của Chủ đầu tư và không có giám sát của Ban chỉ huy công trình.
Theo Công ty CP Sông Đà 11, qua đánh giá ban đầu của Trung tâm thí nghiệm (thuộc Công ty Tư vấn xây dựng Sông Đà), nhiều mẫu bê tông móng được lấy tại hiện trường không đạt yêu cầu, nhiều mẫu chỉ đạt cường độ chịu lực 12-13 newton/mm2. Trong khi đó, theo yêu cầu, các mẫu bê tông được khoan lấy tại hiện trường đã qua 28 ngày tuổi phải đạt cường độ chịu lực lớn hơn 14 newton/mm2. Điều này chứng tỏ những gì người dân phản ánh là có cơ sở.
Theo đơn vị này, căn cứ kết quả kiểm định, Ban lãnh đạo Công ty CP Sông Đà 11 đã họp Hội đồng kỷ luật và quyết định đình chỉ công tác Chỉ huy trưởng công trường và Đội trưởng công trường; cảnh cáo hai cán bộ kỹ thuật; khiển trách giám đốc và phó giám đốc chi nhánh Sông Đà 11.7. Kỷ luật nghiêm khắc toàn đội thi công, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Đương – chỉ huy trưởng công trình vì đã không có mặt vào thời điểm xảy ra sự việc.

Công ty CP Sông Đà 11 khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh những người trực tiếp liên quan tới sai phạm và yêu cầu bồi hoàn toàn bộ chi phí, thiệt hại.

“Phương án lấy mẫu bê tông để kiểm định nhằm rà soát lại chất lượng trụ và móng của toàn bộ các vị trí cột trên toàn tuyến đường dây 220kv Trực Ninh – Nam Định cũng đã được công ty lên kế hoạch thực hiện”, đại diện Công ty CP Sông Đà cho biết.

Trước đó cuối tháng 5, ông Vũ Văn Thuận và Vũ Ngọc Hồi ở xã Đại An (Vụ Bản, Nam Định) đã phát hiện việc làm gian dối của đơn vị thi công móng bê tông đường dây 220kV Trực Ninh và phản ảnh tới báo chí.

Theo ông Vũ Văn Thuận, cuối tháng 3/2016, ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng thi công công trình hố trụ cột điện cao thế đã liên lạc với ông Vũ Ngọc Hồi thuê máy trộn cùng nhân công với giá 1,2 triệu đồng/ngày. Theo thỏa thuận, ông Hồi sẽ phụ trách trộn toàn bộ số bêtông cho 2 móng cột với khối lượng trên 600 m3.

Sau khi trải lớp bêtông lót, đến ngày 19/4, hai anh em được gọi đến để trộn bêtông đổ vào khoang móng. Tuy nhiên theo phản ánh, máy trộn bê tông được đưa đến ông Toán đề nghị ông Hồi nổ máy cho “vui tai” để chơi, bởi bê tông đổ xuống khoang móng cao tới 80 cm được nhào trộn ào ào bằng tay toàn là đất, cát, đá và một chút xi măng.

Ông Thuận đã chứng kiến cảnh làm ăn gian dối, có dấu hiệu rút ruột công trình, sợ làm tiếp sẽ bị vạ lây nên quyết định nghỉ sau 3 ngày làm thuê; còn ông Hồi rút lui sau 5 ngày. Hai anh em ông Thuận quyết định đến công trường ghi lại bằng chứng vụ việc để tố cáo hành vi trộn đất vào bê tông của đơn vị thi công tới cơ quan chức năng.

Tuấn Minh


TOP