CSGT tỉnh Nam Định: xử lý vi phạm giao thông vào buổi đêm như thế nào?

CSGT tỉnh Nam Định: Kiên quyết xử lý vi phạm giao thông

Thực trạng xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải đang ngang nhiên hoạt động trên tuyến đường quốc lộ 10 khiến con đường mới đưa vào sử dụng phải “oằn mình” chịu tác động của những chiếc xe này.

Vào khoảng gần 2 giờ sáng ngày 24/3/2018, trong lúc tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 10, Tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) thuộc Đội CSGT số 1, Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Nam Định do Thiếu tá Nguyễn Thái Hòa làm Tổ trưởng đã phát hiện một đoàn gồm 05 chiếc xe tải chở tre có dấu hiệu chở hàng quá khổ.

Tổ CSGT đang làm nhiệm vụ TTKS đã ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra thì các xe trên đều xếp hàng vượt quá thành thùng quy định, tuy nhiên có lái xe vẫn không công nhận là chở hàng quá khổ và ngỏ ý muốn được bỏ qua nhưng cán bộ, chiến sỹ của Tổ TTKS kiên quyết lấy thước ra đo và kiểm tra đối chiếu với kích thước xếp hàng cho phép thì tất cả 05 chiếc xe có tải trọng từ 16 đến 22 tấn trên đều vi phạm chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép.

CSGT đo chiều cao xếp hàng để có cơ sở xử lý vi phạm.

Cụ thể là xe mang BKS 17C – 05599 do anh Nguyễn Hữu Tài (sinh năm 1972, trú tại xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép (3180 mm/2560 mm); xe mang BKS 36C – 151234 do anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1987, trú tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép (3150 mm/2420 mm); xe mang BKS 36C – 14465 do anh Dương Đình Hùng (sinh năm 1969, trú tại Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép (3100 mm/2150 mm); xe mang BKS 37C – 18190 do anh Lê Anh Tuấn (sinh năm 1988, trú tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép (3100 mm/2150 mm) và chiếc xe mang BKS 36C – 14211 do anh Lê Văn Thuận (sinh năm 1975, trú tại xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép (2800 mm/2150 mm).

Những chiếc xe vi phạm đều bị Tổ TTKS lập biên bản, tạm giữ GPLX để xử lý. Qua quan sát mới thấy các cán bộ chiến sĩ CSGT trong khi làm nhiệm vụ trên đường vất vả bởi như đoàn xe trên thì ai cũng biết là vi phạm chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép hay còn gọi là chở hàng quá khổ. Vậy mà lái xe vẫn khăng khăng là chở đúng và tìm cách xin xỏ. Để xử lý nghiêm, cán bộ chiến sĩ CSGT đã phải yêu cầu lái xe cùng cầm thước đi đo chiều cao của hàng hóa từng đoạn một trên thùng xe và từng xe, lấy số liệu ghi vào biên bản để lái xe phải tâm phục ký vào biên bản.

Tổ TTKS Đội CSGT số 1, PC 67, Công an tỉnh Nam Định lập biên bản xử lý xe vi phạm.

Quả thật, để xử lý một chiếc xe phải mất ít nhất 15 đến 20 phút. 05 chiếc xe nêu trên phải mất đến hơn 1 giờ đồng hồ mới xử lý xong, đấy là còn chưa nói đến việc ra quyết định xử phạt và công tác nộp tiền vào kho bạc, trả giấy tờ. Vậy mà một số chủ phương tiên và lái xe vẫn cố tình chở hàng quá khổ, quá tải gây ảnh hưởng đến TTAT giao thông và làm tốn biết bao thời gian, công sức của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, với vấn nạn vi phạm của các phương tiện vận tải hàng hóa như hiện nay thì các lực lượng như CSGT, TTGT cần tăng cường kiểm soát hơn nữa, kiên quyết xử lý hơn nữa để đảm bảo TTATGT và tránh để xảy ra TNGT.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các tuyến đường, mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng thì tình trạng xe quá khổ, quá tải có biểu hiện hoạt động rầm rộ. Trên quốc lộ 12B, đoạn qua huyện Yên Thủy (Hòa Bình), huyện Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình) thường xuyên xuất hiện nhiều xe tải chở đất đá, tre, gỗ bóc, gỗ dăm chạy rầm rập, bụi bay mù mịt. Chỉ nhìn qua cũng dễ nhận biết rằng những chiếc xe này chở quá khổ và một số người có kinh nghiệm thì bảo nghe tiếng máy xe tải quen là có thể phát hiện ra xe chở hàng nặng, hàng nhẹ.

Nguyên nhân của tình trạng trên thì nhiều, có phần là do những năm qua, nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông, san lấp mặt bằng xây dựng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, do áp lực về tiến độ, nhiều chủ đầu tư huy động tối đa phương tiện vận tải tham gia thi công và cũng có phần là các xe tải này đi vào tuyến quốc lộ này để tránh những chốt TTKS giao thông bởi những tuyến quốc lộ chính thì lực lượng CSGT luôn chốt trực ngày đêm. Những xe chở tre nứa, gỗ dăm thường đi hàng đoàn bởi chủ xe nhận hợp đồng chở hàng và xếp hàng rồi đi đến điểm giao hàng thường là cùng thời điểm để kịp chuyến tàu hoặc nhập kho v.v.

Vào khoảng 0 giờ ngày 24/3/2018, trên quốc lộ 12B (đoạn từ đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào) xuất hiện hàng đoàn xe tải trọng lớn chở tre chất cao vượt thành thùng và dài vượt quá thùng xe. Theo quan sát của phóng viên, những xe này đi trên đường từ miền Trung ra và rẽ vào quốc lộ 12B bởi có lẽ địa điểm giao hàng là ở Thái Bình, đoàn xe trên có xe mang biển kiểm soát mã tỉnh Thái Bình còn lại thì đa phần là biển kiểm soát mã tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đến Trung tâm huyện Yên Thủy, có một xe TTKS của Đội CSGT Công an huyện đang làm nhiệm vụ bên đường trái đường (tính theo chiều Yên Thủy – Gia Viễn), có xe đã dừng và trên xe có người chạy xuống “chào” các chiến sĩ CSGT đang ngồi trên ca bin xe CSGT rồi lại lên xe đi tiếp.

Thấy lạ vì mấy chiếc xe trên tự nhiên không bị hiệu lệnh của CSGT mà dừng và rồi chỉ “chào” rồi lại đi, nhóm phóng viên đã đến hỏi các chiến sĩ CSGT đang ngồi trên xe cảnh sát đỗ ven đường thì được biết là các chiến sĩ đang làm công tác đảm bảo trật tự và hướng dẫn vì trên địa bàn huyện hôm nay có việc, chứ không phải đang làm nhiệm vụ TTKS giao thông.

Bất chợt ngay khi phóng viên và một chiến sĩ CSGT đang trò chuyện thì phía bên đường có 1 chiếc xe tải chở tre (cùng đoàn xe nêu trên) dừng lại và có một thanh niên nhanh nhảu từ trên xe cầm một nắm giấy cuộn (trông giống tiền) chạy lại sát chỗ CSGT và phóng viên đang đứng phía đầu xe cảnh sát, nhưng CSGT lấy tay cầm đèn pin ra hiệu cho thanh niên kia đi, chàng thanh niên ngập ngừng một lát rồi mới lên xe đi tiếp. Sau đó hai CSGT huyện Yên Thủy cũng lên xe về đội.

Trên dọc quốc lộ 12B từ Yên Thủy đến ngã ba Gián Khẩu đêm ấy đều vắng bóng lực lượng chức năng và trên tuyến có rất nhiều xe tải chạy trên đường, ví như đoàn xe chở tre xếp cao ngất ngưởng cũng có tới trên chục xe cứ lầm lũi dằn lên con đường, nhiều đoạn đường đã xuất hiện các “ổ gà” lớn nhỏ, quan sát những chiếc xe này bằng mắt thường cũng biết là xe chở quá khổ.

Đoàn xe này đi đến ngã ba Gián Khấu thì một số xe đi về phía Hà Nam, còn 5 xe rẽ phải đi qua TP. Ninh Bình ra quốc lộ 10. Ai cũng thấy xót xa cho những con đường đang ngày đêm phải “oằn mình” gánh chịu tác động của những chiếc xe quá khổ, quá tải hành hạ. Một điều đáng chú ý là hàng năm, trên các tuyến quốc lộ, Nhà nước đã phải bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng. Nhưng tình trạng xe quá khổ, quá tải cứ bất chấp pháp luật và các ngành chức năng mà vi phạm kiểu này thì cứ suốt ngày đi sửa đường, rồi thì lại phải tìm cách thu thêm phí v.v. làm ảnh hưởng đến xã hội.

Hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài quốc lộ 16.758 km. Những cung đường kỹ thuật đường bộ còn thấp kém, đường hẹp chưa bảo đảm cho việc đi lại an toàn đã đành, nhưng đây là con đường mới được đầu tư và đưa vào sử dụng thì cần phải tăng cường TTKS để vừa đảm bảo TTAT giao thông, vừa tránh được TNGT vừa đỡ tốn ngân sách Nhà nước cho việc duy tu bảo dưỡng đường bộ.

Thiết nghĩ: Đã đến lúc các lực lượng chức năng có nhiệm vụ TTKS giao thông cần phải kiên quyết xử lý những sai phạm như lực lượng CSGT Công an tỉnh Nam Định nêu trên thì mới có hy vọng giảm những vi phạm của các phương tiện vận tải gây mất TTAT giao thông và tránh nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Hơn nữa, các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2013/TT – BGTVT, ngày 21/10/2013 của Bộ GTVT quy định về bốc xếp hàng hóa lên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ và tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Chỉ đạo lực lượng TTGT, CSGT phối hợp chặt chẽ việc kiểm soát tải trọng trên các tuyến giao thông, nhất là trên tuyến quốc lộ huyết mạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện đến các chủ hàng, doanh nghiệp vận tải và đội ngũ lái xe mới có thể chấm dứt tình trạng xe quá tải tàn phá cơ sở hạ tầng giao thông.

Nguyễn Hân – Thu Trung
(giadinhvaphapluat.vn)


TOP