Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn tỉnh

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn tỉnh

Ngày 31-3, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn tỉnh. Cùng đi với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có các đồng chí: Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Quyết, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở KH và ĐT; lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải; Sở TN và MT; UBND các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tại huyện Giao Thủy.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng chiều dài tuyến 65,58km, trong đó đầu tư xây dựng 50,98km (làm mới 38,02km; mở rộng, nâng cấp 12,96km; đoạn đi trùng các Quốc lộ 37B, 21 dài 14,6km không đầu tư xây dựng). Toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; mặt đường cấp cao A1, mặt đường rộng 11m, tuyến có 3 cầu trung và 16 cống hộp lớn qua 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và đi qua 24 xã, thị trấn. Trong đó, gói 1 từ Km0 đến Km31+500 đã khởi công ngày 18-9-2020; gói 2 từ Km31+500 đến Km65+580. Về công tác giải phóng mặt bằng, huyện Giao Thuỷ đã bàn giao xong mặt bằng đất nông nghiệp trong 3 đợt, tổng số tiền đã chi trả trên 70,2 tỷ đồng; huyện Hải Hậu đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của 3 xã Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Đông với tổng diện tích 272.430,6m2; huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo tư vấn đo đạc thực hiện xong công tác đo đạc đất nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành giá đất cụ thể đất nông nghiệp, đang trình Sở TN và MT thẩm định đo đạc lập bản đồ vị trí đất ở trong khu dân cư và trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể đất ở trong khu dân cư, huyện đã bắt đầu tổ chức kiểm đếm tài sản, cây cối hoa màu, vật kiến trúc thuộc khu vực thị trấn Rạng Đông, triển khai kế hoạch và thông báo thu hồi đất tới từng hộ có đất thu hồi đối với diện tích đất nông nghiệp 3 xã Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Hải, công khai phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và dự kiến thu hồi đất trong tháng 4-2021. Về tiến độ thi công giá trị xây lắp đã thực hiện đạt khoảng 220 tỷ/963 tỷ đồng (đạt 23%). Hiện tại nhà thầu thi công đang tiến hành thi công các hạng mục nền đường và cống thuỷ lợi trên toàn tuyến thuộc địa bàn huyện Giao Thuỷ (trong đó đào khuôn đường 13,4km/19,295km, đạt 69%; đóng cọc tre được 4,5km/5,3km, đạt 85%; đắp cát K95 được 11,6km/19,295km, đạt 60%; đang thi công 55 cống/61 cống hộp thủy lợi) và triển khai thi công nền đường, cống thuỷ lợi những vị trí có mặt bằng huyện Hải Hậu (đào khuôn đường được 0,7km/6,96km, đạt 10%; đóng cọc tre được 0,6km/4,137km đạt 14%; đắp cát K95 được 0,7km/6,96km đạt 10%; đang thi công 5 cống/10 cống hộp thủy lợi; các đoạn nền đào của Hải Hậu đã được nhà thầu thoả thuận với các hộ dân vị trí là đất đồng muối cũ đã bỏ hoang). Thời gian tới nhà thầu tiếp tục triển khai thi công các hạng mục nền đường và các cầu cống trên tuyến đoạn từ Km0+00 đến Km31+500; chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu gói thầu đoạn từ Km31+500 đến cuối tuyến; dự kiến tháng 4-2021 phát hành hồ sơ mời thầu. Kế hoạch thi công dự kiến hết năm 2021 đạt 100% khối lượng nền đường, các cầu, cống trên tuyến và các đoạn tuyến chờ lún; từ năm 2022 triển khai thi công móng, mặt đường đảm bảo tiến độ hoàn thành trong 35 tháng, rút ngắn 10 tháng so với hợp đồng. Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh kiến nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng sớm bàn giao mặt bằng theo tiến độ UBND tỉnh giao để nhà thầu triển khai thi công. Đề nghị UBND huyện Giao Thuỷ quan tâm giải phóng sớm 8 cụm đất thổ cư đoạn Km10 đến Km11 thuộc địa phận xã Giao Hà để nhà thầu có thể tiến hành thi công được cầu Cồn Năm và nền đường và đẩy nhanh thủ tục để sớm bàn giao phần đất mượn cho nhà thầu thi công với chiều dài 5.788m, diện tích khoảng 33 nghìn m2 nằm tại các vị trí đất nông nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh đôn đốc hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hải Hậu sớm bàn giao phần mặt bằng đất nông nghiệp theo đúng tiến độ UBND tỉnh giao để nhà thầu triển khai thi công. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương triển khai đấu thầu gói thầu số 2 đoạn từ Km31+500 đến cuối tuyến để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị biểu dương những nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và nhà thầu thi công trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đầu tư xây dựng tuyến ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện Giao Thủy, Hải Hậu lập lại kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng; trong đó nêu rõ tiến độ hoàn thành để báo cáo UBND tỉnh; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ, kế hoạch. Đối với huyện Giao Thủy, khi triển khai các dự án xây dựng khu dân cư tập trung cần nghiên cứu các quy định của pháp luật để có thể dành một phần đất tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng. Đối với các công trình công cộng đã được UBND tỉnh phân cấp, giao UBND các địa phương phối hợp với các bên liên quan chủ động giải quyết, báo cáo UBND tỉnh cấp kinh phí. Huyện Hải Hậu phối hợp Sở TN và MT sớm trả lời các kiến nghị của người dân về cơ chế hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng tuân thủ các quy định của pháp luật. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và UBND các huyện khi thực hiện việc lập hồ sơ công tác giải phóng mặt bằng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật. Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc để đảm bảo tiến độ dự án. Nhà thầu thi công khi sử dụng các loại nguyên liệu phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo công tác quyết toán theo đúng quy định. Trong quá trình thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện, nhà thầu chú ý công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, môi trường, bảo vệ đê và các công trình trên tuyến theo quy định của Luật Đê điều. UBND các huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai dọc 2 bên tuyến đường đảm bảo phù hợp với các quy hoạch UBND tỉnh đang, sẽ triển khai trong thời gian tới./.

Tags:

TOP