"Gần như ông Phan Văn Vĩnh đã trở thành "gián điệp" của tội phạm"

“Gần như ông Phan Văn Vĩnh đã trở thành “gián điệp” của tội phạm”

“Nếu thành phần này tồn tại trong bộ máy của ngành Công an – một cơ quan hành pháp hết sức trọng yếu thì cực kỳ nguy hiểm…”

Ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát vừa bị khởi tố và tạm giam 4 tháng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 – Bộ luật Hình sự năm 1999.

Các cựu quan chức cấp cao cho rằng, việc làm này tiếp tục thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị trong việc đấu tranh làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV: Bắt ông Vĩnh vừa buồn, vừa mừng

Ông Phan Văn Vĩnh vi phạm và bị bắt tạm giam là việc rất đáng buồn. Tôi không nghĩ rằng trong ngành Công an từng tồn tại một người như vậy.

Nhưng đây là tín hiệu vô cùng mừng vì điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Công an trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với vi phạm của cán bộ, để làm trong sạch bộ máy.

Bởi, nếu thành phần này tồn tại trong bộ máy của ngành Công an – một cơ quan hành pháp hết sức trọng yếu thì cực kỳ nguy hiểm và sẽ không biết nguy cơ của Đảng, nguy cơ của chế độ sẽ ra sao nếu tồn tại cán bộ như thế này?

Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc,net.vn.

Ngoài ông Vĩnh, một loạt cựu cán bộ, cán bộ cấp cao từng bị đưa ra xử lý kỷ luật, thậm chí truy tố hình sự thời gian qua, cho thấy đây không phải là vấn đề “đấu tranh nội bộ” như những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch.

Bản chất của việc xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm chính là làm trong sạch nội bộ bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố sức mạnh của chế độ, đảm bảo lợi ích của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Gần như trong vụ án này ông Vĩnh trở thành “gián điệp” của tội phạm

Cái được và mất trong việc bắt ông Phan Văn Vĩnh đan xen nhau. Cái mất vì mình đã thực sự mất cán bộ và hình ảnh ngành Công an bị ảnh hưởng.

Và gần như trong vụ án này ông Vĩnh trở thành “gián điệp” của tội phạm. Đây không phải là tội phạm/vụ án thông thường mà nó đã hình thành một “tập đoàn tội phạm”,

trong đó có ông Tổng cục trưởng, ông Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 và các đối tượng bên ngoài có liên quan.

“Tập đoàn tội phạm” này không phải là lợi ích nhóm của ngành công an, mà một số cá nhân dựa vào uy tín, quyền lực nhà nước trao cho để tạo nên “tập đoàn tội phạm”.​

Do vậy, việc Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành công điện về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lực lượng Công an nhân dân,

trong đó có nội dung nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là điều cần thiết.

Nhưng theo tôi, lẽ ra Bộ Công an nên làm việc này từ lâu, bởi một lực lượng chấp pháp không bao giờ được phép để cán bộ tha hóa đến mức độ như vậy.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Trinh Phúc/giaoduc.net.vn.

Nhưng cái được ở trong vụ án này có ý nghĩa chính trị rất lớn. Đảng củng cố được niềm tin của nhân dân trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Thậm chí khi phá được vụ án này, chúng ta còn thu hồi được nhiều tài sản bất minh.

Tôi cho rằng, từ những vụ vi phạm liên quan tới một số cán bộ cao cấp, chúng ta cần phải đưa việc giám sát chất lượng cán bộ vào chương trình giám sát tối cao.

Chúng ta đã giám sát tổ chức bộ máy nhà nước thì phải giám sát “nội thất” của nó. Việc này cần phải làm đồng bộ bao gồm ngành tòa án, kiểm sát, thanh tra…

Vừa qua Thủ tướng cũng có chỉ đạo về việc thành lập tổ công tác thanh tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng.

Tuy nhiên theo tôi cần bổ sung thêm việc giám sát chất lượng cán bộ bao gồm việc tuyển dụng, bổ nhiệm, từ công tác đảng, đến công tác chính quyền, công tác đoàn thể… trong hệ thống tổ chức nhà nước.

Theo Thụy Du
(giaoduc.net.vn)


TOP