(Tổ Quốc) – Hà Nội hiện có nhiều cửa hàng ăn uống ở đã mở cửa trở lại. Để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, một số cửa hàng, siêu thị đã bố trí vách ngăn chống giọt bắn để giữ khoảng cách giữa các khách hàng, hạn chế tiếp xúc.
Từ 0 giờ ngày 23-4, các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ… được hoạt động trở lại (trừ khu vui chơi giải trí, quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử…) nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, một quán phở trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã lắp vách ngăn bằng mica trên bàn ăn để hạn chế sự tiếp xúc giữa các khách hàng.
“Trước khi mở cửa trở lại, các thành viên trong gia đình tôi đã cùng nhau lắp vách ngăn để hạn chế sự tiếp xúc giữa các khách trong quá trình ăn. Mặc dù khách đến đông nhưng tôi chỉ nhận lượng khách vừa đủ để bảo đảm giãn cách xã hội”, chủ quán phở Thịnh chia sẻ.
Ông Hà, sống tại ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc dựng tấm chắn này, vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa phòng tránh được dịch Covid-19”.
Cũng như quán phở Thịnh, ghi nhận của PV trên phố Phủ Doãn nhiều hàng cơm bình dân cũng lắp đặt vách ngăn nhựa để hạn chế việc tiếp xúc và bảo đảm giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Đức Sơn (chủ cửa hàng cơm 61 Phủ Doãn) cho hay: “Tôi lấy ý tưởng lắp vách ngăn từ mô hình văn phòng làm việc của các công ty. Tôi chia bàn ăn thành bốn ngăn nhỏ để khách ngồi”.
Mỗi người một ô, yên tâm dùng bữa
“Những miếng nhựa này tôi tự mua về, tự cắt và lắp đặt, cũng khá đơn giản không quá phức tạp. Toàn bộ chi phí lắp cho 10 bàn ăn ở quán của tôi khoảng 1,5 triệu đồng”, ông Sơn nói.
Ngoài ra chủ quán còn khuyến cáo khách xịt tay, khử trùng trước khi vào quán ăn
Cũng tương tự quán cơm 61, quán cơm số 65 trên phố Phủ Doãn cũng lắp đặt hệ thông vách ngăn nhựa. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các tấm mica mờ, hàng ăn này lại dùng những tấm mica trong suốt để làm vách ngăn.
Ông Đặng Đình Hà (chủ quán cơm 65) cho biết: “Từ khi được mở hàng trở lại thì gia đình tôi cũng bắt tay vào làm các tấm vách ngăn chắn bọt để giúp thực khách yên tâm hơn trong tình cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tôi dùng tấm vách mica trong suốt vì mục đích vừa muốn giảm tiếp xúc nhưng các thực khách vẫn sẽ có được sự tương tác khi ăn”.
Phố Phủ Doãn là tuyến phố có Bệnh viện Việt Đức cũng như nhiều phòng khám, khu vực này thường tập trung rất đông các bệnh nhân cũng như người nhà bệnh. Việc các hàng ăn tại đây làm các vách ngăn phòng, chống dịch Covid-19 là một ý tưởng rất hay cần được nhân rộng.
Nhiều hộ kinh doanh, buôn bán trên phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi biết thông tin về dịch Covid-19 đã nhanh chóng tìm cách để phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm. Một vài hộ kinh doanh đã chế tạo ra bức tường nilon để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mua.
Chủ các cửa hàng cho rằng đây là cách bảo vệ tốt cho cả người mua và người bán.
Hàng hoá và tiền mặt được chuyển qua tấm nhựa.
Cùng ý tưởng với các cửa hàng ăn, một số tài xế xe công nghệ cũng chế tạo ra vách ngăn giữa người lái xe và hành khách.
“Chúng tôi tham khảo một số ý tưởng trên mạng xã hội, rồi tự mày mò thiết kế bằng các ống nhựa và miếng vải nilon để tạo ra một lớp vách ngăn nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa lái xe và hành khách”, anh Đào Mạnh Hùng, một lái xe công nghệ, cho biết.
Hình ảnh chiếc xe taxi công nghệ bốn chỗ được dựng vách ngăn bằng tấm nhựa nhằm bảo vệ tài xế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng. Đây được xem là biện pháp sáng tạo để bảo đảm an toàn cho tài xế khi làm việc vào những ngày dịch này.
Trên các phương tiện công cộng như xe buýt, các biện pháp giãn cách cũng được áp dụng.
Để giãn cách phòng dịch theo quy định, các ghế trên xe được dán thông báo để khách không ngồi vào. Với các vị trí đứng trên xe, hành khách cũng được dán thông báo để đứng đúng vị trí cách xa nhau.
Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, việc tổ chức vận hành lại các tuyến buýt của tổng công ty sẽ bảo đảm yêu cầu: mỗi xe không chở quá 20 người và mỗi chuyến xe không vận chuyển quá 50% số ghế theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Các tay nắm được các nhân viên trên xe buýt thường xuyên sử dụng nước sát khuẩn để lau khi có khách lên xuống xe.
Hôm nay đánh dấu tròn 100 ngày kể từ khi Việt Nam có ca mắc Covid-19 đầu tiên. Tính đến 1/5, cả nước có 270 ca nhiễm, 219 ca khỏi bệnh, không ghi nhận thêm ca lây nhiễm cộng đồng trong 15 ngày qua.