Làng nghề đúc truyền thống Tống Xá, xã Yên Xá , huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thuộc địa phận xã Vạn Xá – Yên Xá trước đây. Phía Đông giáp thôn Khả Lang của xã Yên Dương, phía Tây giáp đường 57, Thị Trấn Lâm huyện Ý Yên; phía Bắc giáp Quốc lộ 37B thôn Tu Cổ của xã Yên Khánh và thôn Vàng của xã Yên Bình.
Làng Tống Xá là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển gần 900 năm. Các nghệ nhân đúc Tống Xá tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước. Vùng đất cổ Tống Xá với hơn 1.200 năm lịch sử mở đất, lập thôn được hình thành vào thế kỷ VIII do hai ông Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp đem theo gia thất về đây khai hoang, vỡ đất, trồng cấy lập trang ấp có tên là Kiến Hoà, sau này đổi tên là làng Tống Xá. Sau 327 năm ra đời trang Kiến Hòa, vào năm 1118, nhà sư Nguyễn Trí Thành (pháp danh là Minh Không) về vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ, tìm hiểu dân tình thấy khí vượng, nhân hoà, đức hiền… rồi dạy dân làng nghề đúc, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng.
Ông đã dạy Nghề đúc cho dân làng Tống Xá trong 7 tháng từ 12/2/1118 đến 12/9/1118, cùng với với việc dạy nghề đúc, Ông đã cho tu sửa lại chùa đường leo và đặt tên chùa là “Cổ Liêu tự” (có nghĩa là ngôi chùa cổ đã có từ rất xa xưa không rõ năm tháng). Để tưởng nhớ công lao của Ông, dân làng đã lập đền thờ Ông cạnh đền thờ Ông Tống và Ông Dương gọi là đền thờ Đức Thánh Tổ. Ngày 12/9/1118 ông chuyển đi nơi khác sinh sống và ông mất ngày 3/6/1154 tại chùa Nghĩa Xá, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Làng Tống Xá ngày xưa chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương… Ngày nay, với sự phát triển của làng nghề, Tống Xá đang ngày càng đa dạng sản phẩm của mình với những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc, đồ thờ, chuông, tượng mạ vàng, đồ phong thủy. Tống Xá đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước.
Đặc biệt, phải kể đến những công trình lớn tầm cỡ quốc gia, thể hiện tinh thần, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại như Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long- Hà Nội, người thợ đúc đồng Ý Yên lại được “chọn mặt gửi vàng” đúc tượng Vua Lý Thái Tổ, cao 10,1m, nặng 45 tấn. Ở công trình này, người thợ đúc đồng Ý Yên đã sử dụng công nghệ đúc tượng liền khối cao gần 7m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc. Đúc tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại Quần thể Di tích lịch sử – văn hoá Thiên Trường, tượng Bác Hồ, tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn…
Hiện nay, nghề đúc được mở mang, dân làng làm ăn thịnh vượng lập đền thờ tôn ngài là Đức Thánh Tổ, lấy ngày 12 tháng 2 âm lịch làm ngày giỗ hằng năm. Lễ hội nghề đúc truyền thống làng Tống Xá được tổ chức 3 năm 1 lần nhằm tưởng nhớ các vị tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai ấp, lập thôn, qua đó, động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng đổi thay từng bước đáp ứng diện mạo nông thôn mới.
Hằng năm, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội . Phần Lễ gồm: Lễ mộc dục – tắm rửa cho Đức Thánh; Lễ cầu an của các cụ trong làng; Lễ tế nam quan (2 lần); Lễ tế nữ quan (2 lần); Lễ rước Đức Thánh từ Đền Thánh Tổ về Đằng Dương và ngược lại; Lễ cầu phúc của nhân dân và các dòng họ. Phần hội gồm: Lễ mít tinh kỷ niệm; Các chương trình văn nghệ, múa lân, múa rồng, sư tử…; các trò chơi dân gian truyền thống của quê hương như tổ tôm, bắt vịt dưới ao, vật cù, cờ người…
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, lịch sử cũng nhiều thăng trầm, dâu bể, nhưng nghề đúc đồng vẫn trường tồn như chính chất liệu đanh rắn của nó. Bây giờ Làng Tống Xá (Yên Xá), từ tinh mơ đến tận sẩm tối, đâu đâu cũng gặp hình ảnh những bếp lò đỏ rực lửa. Nghề đúc đồng đã nhiều vất vả, hiểm nguy lại cần phải thật tỉ mỉ, tinh xảo mới tạo ra được sản phẩm hoàn hảo. Người thợ đúc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cách chọn đất xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn, nấu chảy các mẻ đồng… Tất cả phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác để đảm bảo cho sản phẩm không bị vênh và co ngót. Lễ hội Làng nghề đúc Tống Xá Ý Yên, Nam Định là dịp để người dân tìm hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người Tống Xá, về sự phát triển tự hào của một làng nghề truyền thống quê hương./.
(Nguồn: Tiến sỹ Dương Minh Đức – Yên Xá, Ý Yên, Nam Định
– Nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu khoáng sản địa chất )
- Nhớ hoài bánh cuốn làng Kênh Nam Định
- Bình minh trên nhà thờ đổ Nam Định
- Hoa hậu Kỳ Duyên tung clip chứng minh vòng 1 căng tròn không cần nhờ photoshop
- Trực Ninh: Nét độc đáo của cây cầu Mái Lá độc nhất vô nhị ở Việt Nam
- Bánh xíu páo thành Nam gợi nhớ thời cắp sách tới trường
- Công an vào cuộc vụ hình ảnh HH Kỳ Duyên bị lợi dụng quảng cáo sex
- Cô gái Nam Định ‘bán trà đá’ trước cổng trường ĐH lại gây sốt khi công khai chuyện ‘đập mặt đi sửa lại’ và nâng ngực
- Khánh thành cầu Tân Phong trên Quốc lộ 21B tỉnh Nam Định
- Nam Định: Cầu ngói chợ Thượng
- Đặc sản thôn quê Nam Định: Gạo Tám xoan Hải Hậu chính hiệu
- Bãi biển Nam Định tan hoang như bãi chiến trường
- Nam Định: Danh sách 15 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội
- Nam Định: Tá hỏa phát hiện thi thể nam giới giữa cánh đồng, bên cạnh chiếc xe gắn máy
- Khẩn trương tìm người thân cô gái tử vong dưới cống nước ở Nam Định
- Bãi rác “hành” dân ở Nam Định: “Ngủ phải đeo khẩu trang, ăn phải mắc màn tránh ruồi”
- Vụ ‘Lấp sông tưới tiêu để làm dự án’ ở Nam Định: Đề nghị điều chỉnh thiết kế
- Từ bão số 10 cho thấy đê biển Nam Định mong manh
- Công an tỉnh Nam Định truy nã 3 đối tượng
- Nam Định:Nông dân tố cáo trụ điện gian dối
- Nam Định: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có kết thúc
- Sôi động lễ hội mừng Tết Độc lập tại Nam Định
- Nam Định: Không khí rộn ràng của làng làm đèn ông sao Báo Đáp