Nam Định: Tăng cường xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trườɴɢ

Nam Định: Tăng cường xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trườɴɢ

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, thời gian qua, các ngành, các địa phương đã chú trọng kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở, doanh nghiệp có các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Năm 2015 có 4 trong danh sách 6 cơ sở doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, dưới sự hướng dẫn, đôn đốc, giám sát của ngành chức năng, chính quyền địa phương, các cơ sở này đã được quyết định công nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, đưa ra khỏi danh sách Quyết định 64. Qua kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm không có cơ sở nào tái vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Công trình xử lý nước thải công nghiệp của Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic xã Trực Thái (Trực Ninh).

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về BVMT. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã có hồ sơ pháp lý về BVMT; đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước thải phát sinh; đã thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Tuy nhiên, một số cơ sở, doanh nghiệp còn tồn tại một số vi phạm, gồm: nước thải sau xử lý còn thông số chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép, thực hiện chưa đúng quy định về khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; thực hiện chưa đúng tần suất và thông số quan trắc môi trường; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về môi trường theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT của các cơ sở, doanh nghiệp, các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chấp hành nghiêm quy định pháp luật về BVMT. Ngày 6-7-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 1852/STNMT-TNNKS yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện nhiệm vụ này. Tại huyện Hải Hậu theo kết quả sơ bộ rà soát đánh giá của UBND huyện thì thời gian qua tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư vi phạm quy định pháp luật về BVMT, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân…

Trước thực trạng này, UBND huyện đã yêu cầu UBND cấp xã rà soát các cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động xen kẽ trong khu dân cư đang hoạt động trên địa bàn, trên cơ sở đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT đối với các cơ sở nói trên; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất và làng nghề trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nghiêm trách nhiệm về BVMT theo quy định của pháp luật: Lập hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường, có biện pháp thu gom chất thải phát sinh kịp thời từ quá trình sản xuất để xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường. Tại huyện Nam Trực, qua kiểm tra, rà soát đã xác định, tại thôn Ba thị trấn Nam Giang có hơn 10 cơ sở thu gom, sản xuất, tái chế dầu, mỡ thủ công, trong đó 70% có giấy phép kinh doanh, 30% chưa có giấy phép, sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở tái chế dầu, mỡ chưa chấp hành đầy đủ quy định về BVMT; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, không có giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh, không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoặc sản xuất, kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký. Yêu cầu UBND thị trấn Nam Giang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, thu gom, tiêu thụ đối với những nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường giám sát, quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường và xử lý kịp thời các vấn đề về môi trường trong sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận diện rõ, việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Từ đó, thay đổi tư duy, chiến lược phát triển, có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp gắn liền với BVMT, hướng tới một nền kinh tế xanh – sạch, nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững, phù hợp với phát triển kinh tế toàn cầu hóa hiện nay.

Đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ hệ thống thiết bị, máy móc kỹ thuật trong quá trình hoạt động, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bị xuống cấp, hư hỏng, phát tán, phát sinh ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động mới lo xử lý; chú trọng cải tiến nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ trang thiết bị xử lý chất thải, góp phần hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường; đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng phương pháp sản xuất sạch để hướng tới sự phát triển bền vững. Riêng các doanh nghiệp thành lập mới, yêu cầu phải đầu tư dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, chủ động thực hiện quy trình sản xuất sạch nhằm giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Tags:

TOP