Nam Định: Thực hiện nghiêm việc xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Nam Định: Thực hiện nghiêm việc xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Theo đánh giá của ngành TN và MT, hiện nay, trong các làng nghề, làng có nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu gom, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT). Hầu hết các làng nghề mới chỉ xây dựng đường giao thông, một số ít làng nghề có hệ thống thu gom nước thải.

Phần lớn các cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong làng nghề chưa lập hồ sơ, thủ tục về môi trường, chưa quan tâm đến công tác BVMT và đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải; các chất thải rắn gồm rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động sản xuất, chất thải nguy hại không được phân loại xử lý riêng mà thu gom xử lý chung với rác thải sinh hoạt.

Nước thải từ hoạt động sản xuất của làng nghề chế biến thực phẩm, cơ khí, tái chế kim loại và thủ công mỹ nghệ đều thải lẫn vào nguồn nước mặt gây ô nhiễm.

Cơ sở sản xuất bánh nhãn nằm lẫn trong khu dân cư tại làng nghề Đông Cường, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Cá biệt, trong những năm gần đây, trên địa bàn một số huyện đã phát triển tự phát một số ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: nấu, tái chế nhôm tại các xã Hải Vân, Hải Thanh (Hải Hậu), xã Nam Thanh, Nam Hồng (Nam Trực)…

Các cơ sở sản xuất tự phát đều không có hồ sơ, thủ tục về BVMT được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phê duyệt; chưa có biện pháp xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn môi trường. Hoạt động sản xuất đã làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và gây bức xúc trong dư luận.

Cụ thể như, ở xã Hải Vân, trong 3 năm trở lại đây đã xuất hiện các cơ sở đúc và tái chế nhôm hoạt động không phép sản xuất tại hộ gia đình. Ban đầu chỉ có một vài hộ, do không được uốn nắn chấn chỉnh kịp thời nên số lượng cơ sở sản xuất phát triển lên đến 30 hộ đúc và tái chế nhôm nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Các hộ sản xuất này không thực hiện các quy định pháp luật về BVMT khiến môi trường trong khu dân cư bị ô nhiễm. Hằng ngày, cứ từ 22 giờ trở đi, vào đúng thời điểm nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động thì người dân nơi đây lại phải hít thở bầu không khí ngột ngạt do các hộ sản xuất nổi lửa thực hiện công đoạn tái chế, đúc vào ban đêm.

Ban ngày thì người dân phải sống chung với bụi và tiếng ồn do các hộ sản xuất tập trung thực hiện các công đoạn mài bavia, chà sạch bề mặt sản phẩm. Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, người dân trong xã đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên xã và huyện. Song đến nay, do chưa kiên quyết thực hiện các giải pháp xử lý, quản lý nên tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT kể trên vẫn chưa chấm dứt.

Tại thôn Bình Yên, xã Nam Thanh, nghề sản xuất đúc, cán nhôm vốn không phải là nghề truyền thống lâu đời song cũng đã hình thành và phát triển hàng chục năm. Do không lường trước những nguy cơ và có biện pháp quản lý hữu hiệu nên làng nghề phát triển rất mạnh, kinh tế của hộ dân tăng trưởng cao song càng ngày đời sống người dân không chỉ ở làng có nghề mà cả các vùng lân cận càng thiếu bền vững do tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngày càng trở nên nghiêm trọng.

100% nước thải từ quá trình sản xuất của các hộ đúc, cán nhôm thải trực tiếp ra môi trường khiến toàn bộ nguồn nước của các kênh, sông trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, có khoảng 20ha ruộng lúa của xã Nam Thanh đã bị bỏ hoang, không thể gieo cấy vì bị thẩm thấu nguồn nước ô nhiễm. Không khí trong làng lúc nào cũng ngột ngạt bởi khói bụi của các lò đốt, xỉ than đổ khắp các tuyến đường.

Để thực hiện việc phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường cũng như đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng NTM bền vững, các ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực huy động, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các làng nghề, làng có nghề đầu tư thực hiện các dự án giảm thiểu ô nhiễm.

Tiêu biểu như “dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh” do Sở TN và MT làm chủ đầu tư triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, xây dựng khu chứa chất thải nguy hại, trạm xử lý nước thải và bàn giao cho UBND xã quản lý từ năm 2015.

Trong năm 2017, Sở TN và MT đã tập trung hoàn tất các phần việc còn lại của dự án là: nạo vét 1,5km kênh mương bao quanh làng nghề (bề mặt là chất thải, phía dưới là bùn); yêu cầu các hộ sản xuất phải làm hố ga để thu nước thải xử lý sơ bộ trước khi thải ra môi trường, lắp đặt ống khói có chiều cao theo quy định của dự án (dự án hỗ trợ 50% kinh phí, hộ sản xuất phải chi trả 50% còn lại); mức thu phí nước thải của các hộ sản xuất do UBND xã họp các hộ sản xuất để thống nhất.

Bên cạnh đó, ngành Công thương và các địa phương đã tập trung nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mới CCN làng nghề theo hướng bao gồm quy hoạch cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra các CCN làng nghề, UBND tỉnh đang yêu cầu các ngành, các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp trong việc thực thi pháp luật môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; trong đó, chú trọng tuyên truyền để các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và nhân dân biết, từ đó nghiêm túc thực hiện quy định liên quan đến sản xuất các ngành nghề gây ô nhiễm trong khu dân cư như: khoản 2 Điều 68 Luật BVMT về quy định cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp có chất dễ cháy nổ, có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

có chất độc hại đối với người và sinh vật; phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu đối với khu vực dân cư; khoản 3 Điều 14 Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ TN và MT quy định: Không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, cụ thể là các cơ sở thuộc nhóm ngành nghề phân loại, làm sạch, tái chế kim loại; nhuộm sử dụng thuốc nhuộm công nghiệp; mạ điện hoặc mạ nhúng; sản xuất đồ nhựa, sản xuất giấy, thuộc da…

Các ngành, các địa phương tăng cường phối hợp thực hiện công tác giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các cơ sở, doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư; nghiêm cấm không được xả nước, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; kịp thời xử lý vi phạm nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở này gây ra.

UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung sau: Không thành lập mới cơ sở sản xuất các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư, làng nghề như: tái chế đúc nhôm, tái chế nhựa, sản xuất tái chế giấy, cơ khí, nhuộm vải – sợi, mạ điện, thuộc da…

Đối với những cơ sở không thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề theo quy định của Chính phủ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý các loại chất thải phát sinh hoặc thực hiện theo một trong các biện pháp sau: di dời vào khu, CCN; chuyển đổi ngành nghề sản xuất; chấm dứt hoạt động sản xuất.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các cơ sở đang sản xuất trên địa bàn các huyện, thành phố. Yêu cầu các cơ sở có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về BVMT đã được xác nhận, phê duyệt theo quy định; có các biện pháp xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động; có các giải pháp giải quyết dứt điểm để hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân và gây bức xúc trong dư luận./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
(báo nam định)


TOP