Nam Trực: “Nhịp cầu nhân ái” tiếp sức cậu bé bị ung thư vòm họng

Nam Trực: “Nhịp cầu nhân ái” tiếp sức cậu bé bị ung thư vòm họng

Một ngày cuối tháng 9-2016, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ: “Em chào chị ạ! Chị có còn nhớ em nữa không? Em Nam ở xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định đây ạ!”. Do máy điện thoại đã thay đổi nhiều lần nên tôi vẫn chưa kịp nhớ ra người nhắn tin là ai. Chỉ khi cậu ấy nhắn thêm tin “Nhờ chị viết bài, nhờ bác Thủy mà em có tiền để chữa ung thư đây ạ” – lúc này tôi mới “A” lên một tiếng. Lục lại trí nhớ, hình ảnh cậu bé gầy đen bên cạnh ông bố dáng vẻ khắc khổ ở Khoa Xạ 1, Bệnh viện K, Hà Nội từ cách đây gần 5 năm mà tôi viết bài chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của Báo CAND bỗng chốc ùa về…

1. Con đường làng chạy quanh co dẫn vào ngôi nhà nhỏ của Lê Ngọc Nam nằm sâu trong thôn Dương A, xã Nam Thắng. Ngay ở khoảng sân trước nhà, những bộ quần áo trẻ sơ sinh trắng tinh thơm đang bay trong gió thu. Cây khế trong vườn sai trĩu quả từng chùm rung rinh.

Ngôi nhà mái ngói nhỏ nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp. Đón chúng tôi là một chàng trai dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, khuôn mặt tươi rói – nhân vật trong bài viết “Cậu học sinh lớp 9 bị ung thư vòm họng cần được tiếp sức” đăng trên Báo CAND ngày 17-11-2011.

Phía trong nhà, người mẹ của Nam, chị Lâm Thị Hợp đang chờ chúng tôi bên bàn trà. Vẻ sốt ruột như bị phá tan khi chúng tôi bước vào, thay vào đó là sự hồ hởi, niềm nở chân tình vốn có của người vùng thôn quê.

Nắm chặt bàn tay của chúng tôi như đã thân quen tự bao giờ, chị Hợp giọng xúc động: “Nghe cháu Nam kể về các chị nhưng nay mới được gặp để cảm ơn các chị. Nếu không có nhịp cầu là Báo CAND, nhà tài trợ thì không biết giờ này cháu Nam sẽ ra sao rồi”.

Cách đây gần 5 năm, khi đang ở tuổi 15, cậu học sinh Lê Ngọc Nam không thể ngờ mình mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo giống như một bản án tử hình nghiệt ngã – bệnh ung thư vòm họng.

Bố con anh Lực, cháu Nam ngày ở Bệnh viện K (Ảnh chụp tháng 11-2011).

Bố con anh Lực, cháu Nam ngày ở Bệnh viện K (Ảnh chụp tháng 11-2011).

Trước đó, nhận thấy những biểu hiện bất bình thường của Nam như hay bị đau đầu đặc biệt tai bên trái bỗng nhiên không thể nghe được, anh Lê Ngọc Lực, bố Nam đã gác hết công việc đồng ruộng lo lắng đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định rồi lại sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Thế nhưng, phải đến khi 2 bố con lại lặn lội đưa nhau về Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, các bác sỹ mới tìm ra những tế bào ung thư quái ác đang lớn dần trong cơ thể của Nam. Nam vẫn rất nhớ: “Hôm đó em làm các xét nghiệm vào thứ 5, bác sỹ hẹn thứ 2 tuần sau quay lại lấy kết quả.

Nhận tờ giấy kết quả ghi “K vòm họng- Giai đoạn 3”, bố em khóc ngay ở bệnh viện. Không thể giấu mọi người, mẹ và 2 chị gái em khóc ngất khi biết tin. Suy nghĩ của em lúc đó chỉ là thấy thương bố mẹ đã nuôi em khôn lớn đến ngần này mà không may lại bị ung thư.

Em cũng biết nhà em rất nghèo không có tiền chữa bệnh nên em đã nói với bố mẹ không phải đến Bệnh viện K nữa, cứ để em sống được ngày nào thì hay ngày đó. Thế nhưng, bố mẹ em bảo, dù phải bán nhà, bán cửa mà chữa được bệnh cho con bố mẹ cũng sẽ làm”.

Tiền tiết kiệm trong nhà chỉ có vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng, vay mượn thêm anh em, 2 bố con anh Lực mang theo bọc quần áo đến Bệnh viện K, Hà Nội. Giống như duyên kỳ ngộ, qua một người bạn, tôi biết hoàn cảnh đáng thương của bố con Nam nên đã tìm đến tận Khoa Xạ 1, Bệnh viện K để viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm, những người có tấm lòng nhân ái sẻ chia, giúp đỡ với khó khăn mà cậu bé lớp 9 đang phải trải qua.

Tôi nhớ khi đó, vì không có tiền thuê trọ, mỗi buổi tối, anh Lực phải trải manh chiếu xuống dưới chân cầu thang của bệnh viện để ngủ, còn cậu bé Nam một phần vì buồn, một phần vì cổ họng đau gặp tôi không nói câu nào. Ánh mắt buồn khắc khoải của Nam ám ảnh tôi một thời gian dài sau đó.

Sau khi Báo CAND đăng bài viết về hoàn cảnh của Nam được khoảng 1 tuần, tôi bỗng nhận được điện thoại của một người mà tôi chỉ biết vỏn vẹn từng này thông tin: tên là Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Hừng Đông, địa chỉ tại Kho C4, lô D Khu công nghiệp Sóng Thần, phường Dĩ An, tỉnh Bình Dương, hiện đang sinh sống tại Mỹ muốn ủng hộ em Nam tiền để điều trị ung thư.

Chẳng nghĩ đến việc tìm hiểu kỹ càng về vị “Mạnh Thường Quân” này, tôi nhanh chóng thực hiện các thủ tục nhận tiền về Quỹ XHTT Báo CAND. Số tiền 84 triệu đồng sau đó đã được chúng tôi mang sang tận giường bệnh trao cho anh Lực, cháu Nam.

Không chỉ giống như chiếc cọc trong tay người suýt chết đuối, số tiền này còn là một sự động viên tinh thần thực sự quan trọng để giúp bố con anh Lực nắm chặt tay nhau vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời. Như những trường hợp bệnh nhân bị ung thư thông thường, khi đã bước sang giai đoạn 3 thì việc kéo dài sự sống có khi cũng chỉ tính bằng tháng.

Cả bố mẹ lẫn Nam đều hiểu điều đó nhưng cũng không có nghĩa họ chịu đầu hàng số phận. Với số tiền rất quý giá và kịp thời lúc bấy giờ – 84 triệu đồng, anh Lực đã dành hết để điều trị bệnh cho con trai.

Nếu như những ngày đầu truyền hóa chất và xạ trị, cơ thể gầy gò của Nam như bị rũ ra khiến cậu phải nằm bẹp trên giường bệnh cả 2,3 ngày mới có thể gượng dậy thì sau mũi truyền thứ 15, Nam bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Cổ họng vốn sưng to, ăn gì vào cũng bị nôn thì dần dần đã bé trở lại. Ngay cả các bác sỹ cũng bất ngờ trước sự tiến triển bệnh của Nam.

“Em bắt đầu ăn lại được dù cũng chỉ là cháo loãng. Người đã bớt mệt sau những mũi truyền hóa chất. Đến mũi thứ 70 tương đương với 6 tháng dài nằm viện điều trị là lúc các bác sỹ thông báo với gia đình em tin vui là sức khỏe của em đã ổn, không phát hiện tế bào ung thư di căn. Sau khi ra viện, cứ 6 tháng một lần em lại quay lại để kiểm tra và may mắn là đến nay, mọi thứ vẫn bình thường chị ạ”, Nam phấn khởi nói.

Đã gần 6 năm trôi qua, dấu tích để lại của đợt xạ trị kéo dài là việc hàm răng của Nam nay đã rụng gần hết, mắt trái không thể liếc sang hai bên. Khuôn mặt Nam cũng bị méo mó đi nhiều, mí mắt sụp xuống. Tuy nhiên, đây cũng là một khoảng thời gian đủ biến một cậu bé ngày nào giờ đã trở thành một thanh niên chững chạc, một ông chủ của một tổ ấm nhỏ.

Vợ chồng Nam bên cậu con trai Lê Chu Bảo Toàn hiện nay (Ảnh chụp 7-10).

Vợ chồng Nam bên cậu con trai Lê Chu Bảo Toàn hiện nay (Ảnh chụp 7-10).

2. Lúc chúng tôi đến nhà Nam cũng là khi cậu bé Lê Chu Bảo Toàn, con trai mới được hơn 1 tháng tuổi của vợ chồng Nam vừa thiếp đi sau khi bú bầu sữa căng tròn, ngủ ngon trong vòng tay của bố mẹ. Thỉnh thoảng, cậu bé lại mỉm cười- một nụ cười thật thánh thiện và viên mãn.

Sau khi sức khỏe đã phục hồi trở lại, để giúp đỡ sinh hoạt gia đình, Nam đi làm phụ hồ theo các công trình xây dựng. Sức khỏe tuy không đảm bảo nhưng chàng thanh niên ấy luôn cố gắng để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ.

Và cũng chính từ công việc này mà Nam và cô gái Chu Thị Thảo, người huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định quen biết và bén duyên với nhau. Trái ngọt đầu tiên của mối lương duyên này chính là cậu bé Lê Chu Bảo Toàn kháu khỉnh.

Trong câu chuyện ngày hội ngộ giữa chúng tôi không thể thiếu được đó là những chia sẻ về ân nhân, người đã hỗ trợ Nam tiền điều trị bệnh ung thư. Nam phấn khởi kể cho chúng tôi nghe: “Sau khi điều trị bệnh xong, em vẫn thường xuyên điện thoại hỏi thăm bác Thủy. Tháng 7-2016, bác từ Mỹ về Việt Nam. Bác cũng rất mong được gặp vợ chồng em nên đã mua vé máy bay cho cả 2 đứa vào Sài Gòn thăm bác. Với em, bác không chỉ là ân nhân mà còn giống như một người thân, người đã gieo mầm nhân ái cho cả gia đình em. Khi em báo tin mừng với bác Thủy là vợ em đã sinh cháu trai được 3,4kg, bác Thủy bất ngờ lắm. Tên con em Lê Chu Bảo Toàn là do bác đặt cho cháu đấy chị ạ”.

Tôi đã không dưới một lần liên lạc qua điện thoại để được biết thêm những thông tin vốn đã ít ỏi về bác Thủy nhưng tất cả chỉ là lời cảm ơn và cái lắc đầu…

Chia tay gia đình chàng trai Lê Ngọc Nam vào một buổi chiều khi gió thu mơn man thổi trên những thửa ruộng màu xanh thẫm của bà con xã Nam Thắng, cảm giác rộn ràng như có khúc nhạc vui đang len lỏi trong lòng chúng tôi.

Chia sẻ khó khăn, gieo mầm nhân ái – những câu chuyện nối tiếp đi cùng truyền thống 70 năm qua của Báo CAND thực sự giống như những câu chuyện cổ tích trong đời thường vẫn đủ để làm lòng người ấm lại giữa những bộn bề đầy lo toan của cuộc sống.

Cảm ơn Báo CAND, cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã luôn đồng hành với những số phận bất hạnh, không may mắn, để từ đó gieo những mầm non nhân ái.

Nguyễn Hương – CAND.com.vn


TOP