Bỗng dưng trở thành F1 nên các thành viên lớp 10A2 phải đột ngột rời xa vòng tay bố mẹ nhiều ngày để đi cách ly tập trung. Nhiều phụ huynh lo đến mất ăn, mất ngủ trong khi các con lại trải qua thời gian cách ly cực kỳ ý nghĩa.
Bật mí chuyện bí mật trong khu cách ly
Thầy Đinh Văn Hai (Giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trực Ninh, Nam Định) tâm sự về hành trình “làm người cha đặc biệt”, vừa gánh trọng trách làm cha, vừa đảm đương trông “24 con” là những cậu ấm đi cách ly tập trung. Hành trình trải nghiệm có một không hai này có rất nhiều kỷ niệm, nhưng ca “hợp đồng tác chiến với” chiến sĩ quân y để xử lý cú sốc tình cảm đầu đời cho một thanh niên rất đáng nhớ (thầy gọi yêu cậu học trò bị sốc tâm lý là thanh niên).
Cả lớp thầy Đinh Văn Hai chủ nhiệm bỗng dưng thành F1, phải đi cách ly tập trung. Vào cách ly mấy hôm thì xảy ra một tình huống phức tạp, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng tới tinh thần của nhiều nam sinh khác. Đó là một lần đi kiểm tra ăn uống của học sinh, thầy phát hiện 1 phòng 3 trò mà có 4 suất ăn. Truy ra mới biết có một thanh niên bỏ ăn đã mấy bữa, úp mặt nằm trên giường tầng, không trò chuyện với ai, có phản ứng tiêu cực.
Lúc này bố mẹ thanh niên không có ở đây để động viên, dỗ dành. Các chú quân y đoán thanh niên bị sốc tâm lý, nên muốn cùng thầy “song kiếm hợp bích” để “chiến đấu” với giặc nội tâm của thanh niên. Vậy là thầy Đinh Văn Hai vào tận giường, vỗ vỗ và bảo:
– Thầy biết rồi nhé. Giờ xuống khỏi giường ăn hết suất cơm, tối nay ra sân thầy nói chuyện riêng tư.
Động viên thanh niên như thế, nhưng tối ấy nào có “riêng” được, bởi hai thầy trò ra sân đã thấy cả đám ngồi sẵn, hóa ra “độ hóng” của nam sinh khá cao, lại là chuyện tình cảm nên live show của thầy không vắng ai cả.
Lúc đầu cậu thanh niên cứ ngồi im. Thầy nhẹ nhàng vào chuyện, kể thầy hồi trẻ “đào hoa” lắm, có mấy mối tình vắt vai “bom tấn” lắm. Có lần tình đơn phương, có lần tình yêu không lời, có khi cũng phải ngậm chén đắng và có cả giọt nước mắt đàn ông…
Sau hồi tâm sự dài như hồi trống cổ thành trong “Tam quốc diễn nghĩa” thầy kết luận: “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tình đời không đóng lại với bất kỳ ai trừ khi người đó không chịu ra mở cánh cửa cho chính mình. Là đàn ông phải mạnh mẽ, thua keo này ta bày keo khác. Cô nhà thầy bây giờ cũng có phải là người yêu đầu tiên của thầy đâu. Chỉ có thầy là tình yêu đầu tiên, cũng là tình yêu cuối cùng của cô thôi…”
Đám học trò ngồi thành vòng tròn đủ giãn cách dưới sân ngóc đầu lên nghe thầy tâm sự. Thanh niên nghe thầy “chém gió” mới cởi lòng kể về mối tình đầu, và cuối cùng chốt một câu làm cả đám thở phào: “Con đã thông rồi thầy ạ”.
5 giờ sáng hôm sau thầy thấy thanh niên đã tự giác dậy mà không cần ai gọi, mặt mày tươi tỉnh, còn mang chổi ra quét sân (dù chưa đến phiên trực nhật của mình), vừa làm vừa hát hết “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, lại sang “Đắp mộ cuộc tình”…
Nhân chuyện này, thầy dạy học trò: “Các con tập trung học tập, đừng có yêu đương sớm không lại giống như anh thanh niên kia kìa. Tối qua thì sụt sùi, chán sống, sáng nay thì yêu đời, tươi cười hò hát”.
Những kỳ niệm vừa làm thầy, vừa “làm cha” nhớ đời
“Đêm biết mình phải xa vợ con đi cách ly, còn cả nhà là F2 cũng tự cách ly tại nhà thực sự là một đêm không ngủ của gia đình” – thầy Hai chia sẻ – và đã có những giọt nước mắt hoang mang, sợ hãi. Chắc trong nhà những “cậu ấm” cũng có những phụ huynh rơi nước mắt vì thương xót con.
Ai cũng biết ở khu cách ly sẽ được phục vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe tốt, nhưng tất cả vẫn lo lắng ra mặt vì khu cách ly nam xa gần 20km mà chỉ có mỗi thầy Hai vừa “làm cha”, vừa chăm sóc, dạy dỗ 24 nam sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn, với sự giúp đỡ của một bác bảo vệ. Nhưng tất cả đã nhanh chóng được trấn an nhờ “tâm thư” động viên của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đằng, và hành trình cách ly chưa từng có đã được thực hiên.
Các thầy trò được ăn ở, sinh hoạt riêng một khu, có giường tầng, khu vệ sinh, bể tắm công cộng… đều lạ lẫm vì khác xa nếp sinh hoạt ở nhà. Đồ ăn càng khác nên các cậu ấm chưa kịp thích nghi khẩu vị, có trò phải úp mì tôm ăn tạm. Lần đầu xa vòng tay chăm bẵm của cha mẹ nhiều ngày, cộng thêm nỗi ám ảnh dịch bệnh vì ở đây ai cũng cách xa, nhìn nhau bằng ánh mắt nghi ngờ và nỗi lo lây nhiễm bao trùm khắp… nên nhiều cậu buồn và sợ, khiến thầy Hai phải đến từng phòng động viên:
“Rồi các con sẽ vào đại học, phải học quân sự 1 tháng, ăn ở sinh hoạt như ở đây. Các con rèn luyện, va vấp trước sẽ trưởng thành hơn. Bố mẹ ở nhà giờ cũng mệt mỏi, mất ngủ vì lo lắng, nên mình là đàn ông cần mạnh mẽ lên, gắng sức hơn để động viên tinh thần người ở nhà. Thầy trò ta hãy cùng đồng tâm trải nghiệm hành trình cách ly khác lạ này”.
Khi có kết quả xét nghiệm tất cả âm tính lần 1, lại không thấy xe cứu thương hú còi chuyển người đến trong đêm, các cậu ấm bắt đầu yên tâm trải nghiệm cuộc sống mới.
Hàng loạt cái “lần đầu tiên” thầy giáo phải thay cha mẹ dạy dỗ như: Lần đầu tiên giặt quần áo bằng tay; Lần đầu tiên biết đi tìm dây dù buộc quai dép (vì đi cách ly vội không kịp mua đồ mới, cũng chưa kịp có đồ tiếp tế); Lần đầu tiên biết rửa bát; Lần đầu tiên cầm dao gọt hoa quả (vì ở nhà toàn mẹ làm, giờ thầy phải dạy trò gọt xoài, táo, lê…).
Và lần đầu học trò làm “thợ cắt tóc” cho nhau, cả cho thầy giáo thì quá ngộ. “Thợ” loay hoay cả buổi chiều mới tém xong 1 cái đầu bởi tông đơ cắt một lúc lại phải sạc điện mới cắt tiếp được. Do “đẽo cày giữa đường” nên mỗi cậu góp một ý, kết quả sau nhiều lần tém đi, tém lại ra được kiểu tóc không biết gọi là gì bèn đặt là “bất giới”.
May sao tuần sau có thêm hai cô giáo chuyển vào, đám học trò mừng húm, ngóng hai cô như ngóng mẹ về chợ, tinh thần phấn chấn hẳn. Thầy cũng mừng vì gánh nặng làm “gà trống nuôi dạy 24 con” được san sẻ bớt.
Kỳ thi đặc biệt nhớ đời
Kỷ niệm thầy và các học trò không thể quên là kỳ thi trong khu cách ly. Sở GD-ĐT Nam Định chỉ đạo các con kiểm tra bù trực tuyến để hoàn thành chương trình học. Sách vở, máy tính, bút, thước, dụng cụ học tập… gấp rút được tiếp tế để các học trò thực hành một kỳ thi có một không hai trong đời.
Ngày đầu tiên các con hoàn thành 5 môn kiểm tra Văn, Toán, Ngoại Ngữ, Lịch sử và Hóa học. Ngày hôm sau các con tiếp tục kiểm tra trực tuyến các môn Lý, Sinh, Tin học…
Trước các ngày thi từ sáng sớm điện thoại, truyện tranh, rubic, tiểu thuyết trinh thám, ngôn tình… đều bị thầy tịch thu hết. Tới giờ ăn cơm thầy mới phát lại điện thoại để học trò gọi cho người thân, và thu lại ngay để nghỉ trưa và tiếp tục học bài.
Có vài trò láu cá mang theo 2 điện thoại nhưng chỉ nộp cho thầy 1, chiếc còn giấu để lướt mạng, chơi game… Nhưng thầy ngày xưa đi học nên không lạ những trò nghịch ngợm của học trò vì thế không cậu nào giấu được, chỉ còn cách ôn kỹ lại bài vở rồi… lăn ra ngủ.
Dạy các con là đàn ông thì phải khỏe mạnh
Tuy có hai chú quân y ở cùng công dân F1 để chăm lo sức khỏe, đo thân nhiệt sáng chiều, sát khử khuẩn và lo đưa đồ ăn uống, vệ sinh rác thải… nhưng thầy Hai luôn phải động viên các nam sinh thực hiện tác phong nghiêm túc, mạnh mẽ của người lính.
Thầy dẫn chứng câu Bác Hồ vĩ đại nói: “Mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước khỏe mạnh”. Để thắng dịch cần có sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần.
4 giờ sáng thầy đã dậy, tập thể dục, tắm rửa xong là đến từng phòng gọi hết học trò dậy vệ sinh cá nhân khẩn trương rồi ra sân đi bộ, chạy bộ quanh sân, hít đất, nhảy dân vũ… Các học trò ngủ nướng bị ám ảnh câu slogan: “Dậy đi.., dậy nào…” của thầy, nên có những cậu ấm oằn oài mãi không chịu dậy, bị các bạn dậy trước giả giọng câu slogan là bật dậy nhanh như tôm.
Để học trò bớt cắm mặt vào game, điện thoại thầy yêu cầu các con chép lời, học thuộc vài bài hát, đặc biệt là bài Đảng đã cho ta mùa xuân. Thầy nói tuy các con chưa biết nhiều về Đảng, nhiều con chưa là đoàn viên. Nhưng các con cần có niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp mà yên tâm thực hiện cách ly và các yêu cầu của quân y để chiến thắng dịch bệnh.
Đợt tiếp tế sau thầy nhờ gửi micro karaoke, loa kéo từ trường lên. Từ đó sáng 6h, tối 19h thầy mở VTV1 cho mọi người nghe thời sự. Tới giờ thì phát nhạc tập thể dục, chiều tối ai cũng nhớ nhà thì bật loa cho tất cả vào hát hò, rồi đăng Facebook, Zalo để động viên người nhà và các cô trò ở khu cách ly nữ.
Về nhà – đó là điều các thầy trò mong đợi từng ngày, họ cần tự cách ly tiếp thêm 1 tuần nữa tại nhà rồi trở lại đời sống thường nhật. Các nam sinh lớp 10A2 (Trường THPT Lê Quý Đôn) sẽ không bao giờ quên được mùa hè 2021 đã lo lắng, hoang mang bước vào khu cách ly thế nào… nhưng nhờ có người thầy – người cha đặc biệt trong khu cách ly nam ở Nam Định dẫn dắt mà các cậu ấm đã trở thành “đàn ông mạnh mẽ”, trải nghiệm một kỳ cách ly có một không hai trong đời với rất nhiều ký ức đẹp tuổi học trò.
Ảnh: Đinh Văn Hai
Bài: Đinh Văn Hai – Uyển Hương
- Làng “nghề phở”
- Nam Định: Tương lai mịt mờ của ba trẻ mồ côi cha mẹ
- Nam Định: Hội chùa Lương
- Sống thử chuyển giới: Cặp đôi hoán đổi giới tính, chưa tiêm hóc môn, gặp hôm trước hôm sau về ở chung
- Người thợ sửa xe điêu luyện chỉ với một… bàn tay
- Hờn đỏ mắt với 3 con giáp đã giàu lại càng giàu thêm, tài lộc vượng phát nhất năm 2018
- Cô gái “vàng” vật lý đưa phở Nam Định vào bài luận MIT như thế nào?
- Nam Định: Liên tiếp những cái chết bất thường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
- Không khí Giáng sinh tràn ngập các nhà thờ lớn ở Nam Định
- Nam Định: Mong người dân không quay lưng với thịt lợn
- Nam Định yêu cầu thanh tra toàn diện sau vụ khai khống 28 tấn lợn dịch
- Nam Định: Người lao động bị tai nạn cụt cả hai tay, công ty lờ chuyện bồi thường
- Nhọc nhằn mưu sinh bên ‘hỏa ngục’ giữ nghề thổi thủy tinh
- Điện lực Nam Định: Uy tín chính là chất lượng công trình được ủy thác quản lý
- Nam Định: Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ
- Nam Định: thanh niên 17 tuổi bị mất chức năng bàn tay vĩnh viễn vì điện thoại phát nổ
- Áp thấp nhiệt đới tiến gần bờ biển Nam Định-Thanh Hóa, có thể mạnh lên
- Hoàng hồn khi thấy ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên trên bìa đĩa sex
- Cứu 5 người kẹt trong đám cháy ở Sài Gòn
- Nam Định: Tàu hàng đâm thuyền đánh cá: Chồng sống sót, vợ tử vong
- Nam Định bắt đầu có mưa lớn, miền Bắc cảnh báo lũ quét
- Nhân viên văn phòng tấp nập đến đền Trần trước giờ khai ấn