Nguyễn Thanh Hóa khai "không biết Công ty CNC tổ chức đánh bạc"

Nguyễn Thanh Hóa khai “không biết Công ty CNC tổ chức đánh bạc”

Tiếp tục phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet, sáng 20-11, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi đối với cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục C50.

: Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương đối chất khi được hỏi về biên bản ghi nhớ hợp tác giữa C50 và CNC.

Trước Hội đồng xét xử, Nguyễn Thanh Hóa khai gặp Nguyễn Văn Dương trong một lần về dự một lễ hội ở Nam Định. Sau đó, chính Dương là người được ông giới thiệu gặp Nguyễn Thanh Hóa để thành lập công ty bình phong trực thuộc C50.

Nhưng khi bàn bạc để thành lập công ty bình phong, Nguyễn Thanh Hóa cho rằng C50 còn rất nhiều khó khăn nên không có tiền để góp vốn nên chỉ đóng góp bằng nguồn lực trí tuệ.

Sau đó, Nguyễn Thanh Hóa là người trực tiếp ký tờ trình, các văn bản thành lập Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong thuộc C50.

Ngày 10-10-2011, C50 tiếp tục ký bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Công ty CNC, trong đó, C50 đóng góp 20% cổ phần và cử người tham gia vào hoạt động của CNC. Nhưng sau khi đi vào hoạt động, do C50 không góp vốn nên Công ty CNC không trả 20% lợi nhuận như bản ghi nhớ hợp tác.

Do đó, theo bị cáo Hóa, bản ghi nhớ hợp tác không có giá trị và không biết hoạt động của CNC và khẳng định C50 mới chỉ ký biên bản ghi nhớ chứ chưa ký hợp đồng hợp tác, chưa chứng nhận CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an.

Về nội dung này, Hội đồng xét xử triệu tập Nguyễn Văn Dương lên đối chất nhưng Dương nói: Không tiện nói đúng hay không đúng?

Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi Nguyễn Thanh Hóa vì sao không hợp tác mà Công ty CNC lại thường xuyên có báo cáo lên lãnh đạo C50?. Về vấn đề này, ông Hóa cho rằng, ai cũng có quyền gửi báo cáo, gửi thông tin tố giác tội phạm lên C50.

Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi về trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội do Tổng cục Cảnh sát quản lý cho Công ty CNC thuê, bị cáo Hóa cho rằng: Đây là nơi được Bộ giao cho để hoạt động nghiệp vụ, làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ các kỹ sư công nghệ phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Về biển tên của Cục trưởng C50 tại số 10 Hồ Giám, bị cáo Hóa khẳng định không yêu cầu treo biển tên mình trong phòng làm việc của Công ty CNC.

Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, mới biết là trụ sở của Công ty CNC có đặt biển tên của mình trong một phòng làm việc.

Bị cáo Hóa cho rằng, việc này là do phía Công ty CNC tự ý làm mà không hỏi ý kiến của mình. Sau lời khai của bị cáo Hóa, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất lời khai.

Bên cạnh đó, bị cáo Hóa cũng nêu những lý do khiến mình chưa biết hệ thống đánh bạc qua mạng của CNN, với lý do: Lúc đó không có một văn bản nào báo cáo từ cấp dưới của mình; Cơ quan chức năng thanh tra Công ty CNC nhưng không có hồi âm; Chưa nhận được đơn thư phản ánh và cá nhân bị cáo không biết nhiều về công nghệ, không biết chơi game nên không biết những vi phạm thực tế của CNC…

Theo cáo trạng, bị cáo Phan Văn Vĩnh khi đương chức đã đồng tình với đề nghị của Nguyễn Thanh Hóa và ký ban hành Quyết định 158 ngày 14-5-2015 công nhận Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an khi chưa có ý kiến thống nhất của cơ quan chức năng liên quan là trái quy định.

Cáo trạng nhận định, Nguyễn Thanh Hóa không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, mà đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh ký Quyết định số 158 ngày 14-5-2015 về việc thành lập công ty nghiệp vụ trái với quy định của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, Nguyễn Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội do Tổng cục Cảnh sát quản lý, tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.

Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng, chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý.

Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của hai game bài Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày mới báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không trung thực để che giấu hành vi phạm tội của Công ty CNC.

Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Phan Văn Vĩnh nói rằng, Công ty CNC là bộ phận rất nhỏ của Tổng cục Cảnh sát, trong khi bị cáo phụ trách rất nhiều lĩnh vực của ngành, nên không có đủ thời gian để nắm bắt kỹ về hoạt động của Công ty CNC.

Khi luật sư đặt câu hỏi với bị cáo Phan Văn Vĩnh: “Có một thế lực nào gây áp lực hoặc đe dọa không mà đến khi 50 ngày sau yêu cầu lần hai thì mới làm báo cáo về hoạt động của Công ty CNC đến lãnh đạo Bộ Công an”. Bị cáo Vĩnh khẳng định: “Không có thế lực nào, hay đối tượng bên ngoài tấn công, ép buộc chúng tôi phải ký”.

Bị cáo Vĩnh khai, nhận được công văn ngày 27-5-2016 thì đến ngày 30-5-2016, bị cáo bút phê “Kính chuyển đồng chí Hóa, Cục trưởng C50 chỉ đạo thực hiện báo cáo trình đồng chí Tổng cục trưởng duyệt”.

Bị cáo Vĩnh tiếp tục thừa nhận tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố mình là đúng và mong muốn Hội đồng xét xử công tâm, khách quan, xem xét các chứng cứ để định tội.

Theo (nhandan.com.vn)

Tags:

TOP