Khó mà dựng lại một cách thật hệ thống quá trình phát triển đô thị cổ Vị Hoàng qua mỗi thế kỷ, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19. Nhưng chúng ta có thể hình dung thành phố cổ Nam Định đến thế kỷ 19 đã có những đường phố, những hoạt động sản xuất và thương mại như thế nào.
Không chỉ có 36 phố hàng như ở Hà Nội, theo các nhà nghiên cứu thì xưa Thành Nam có tới 35/38 phố Hàng cùng 4 phố Bến, 4 phố Cửa nức tiếng sầm uất một thời…
Bản đồ thành phố tỉnh Nam Định do Hăng-ri Ri-vi-e (Henri-Rivière) vẽ sau khi quân Pháp chiếm đóng Nam Định năm 1883 cho thấy thành phố cổ kính này đến trước cuối thế kỷ 19 đã có một hệ thống đường phố ngang dọc. Thời kỳ này thành phố đã có hơn một vạn dân.
Các phố toả ra từ bờ sông Vị Hoàng và sông Đào, được xếp đặt thành đường ngang và đường dọc như ô bàn cờ tạo thành một khu vực thị dân đông đúc, ôm ấy mặt đông và một phần mạn nam của toà thành Nam Định đồ sộ.
Về mật độ, những đường phố xuyên ngang từ bờ sông đến hào nước bao bọc quanh thành là: Hàng Tiện, Hàng Giầy, Hàng Đồng, phố Hàng Sũ, phố Bến Ngự… đông người ở, nhà cửa xây san sát.
Hai phố chạy song song với dòng sông Vị Hoàng là phố Khách và phố Hàng Lọng.
Tháng giêng năm Quý Tỵ, đời Thành Thái thứ 5 (1893) Hoàng Cao Khải, Kinh lược xứ Bắc kỳ gửi thư cho quan đốc học 5 tỉnh yêu cấu mỗi tỉnh làm một quyển địa dư chí tỉnh mình. Nguyễn Ôn Ngọc, đốc học Nam Định đã cùng các giáo thụ, huấn đạo các phủ huyện biên soạn. Năm tháng sau đã hoàn thành cuốn “Nam Định tỉnh địa dư chí”. Về thành phố ngày đó, Nguyễn Ôn Ngọc viết:
“… Tuy trước đây gặp nhiều lần binh hỏa, nhưng phong hội ngày càng mở mang, buôn bán ngày càng tấp nập, nay đã dần dần trở nên nơi đô hội vui vẻ. Hơn nữa dọc theo dải sông Vị Hoàng, sông Đào ôm ấp lấy thành phố, ở Năng Tĩnh thì có 3 đò ngang (Đò Quan, Đò Bái, Đò Chè), ở Đông Mạc có 3 đò dọc (đi Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình), thuyền buôn ở các tỉnh đổ đến, buôn bán hàng hóa – Ở trên xuống thì có các tỉnh Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Ở trong ra thì có các tỉnh từ Phan Thiết đến Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình. Xe thuyền nhóm họp, đồ đạc, hàng hóa đã nhiều, gỗ tre cũng đủ. Thêm vào đó lại có hỏa thuyền (tàu thủy) ngày đêm chuyên chở khách buôn qua lại như mắc cửi, đường thuỷ lại càng thuận lợi. Thuyền bè chật bến, sự buôn bán tấp nập, thành phố trở nên một xứ đô hội, (thứ nhất Hà Nội, thứ nhì là Nam Định). Từ Vị Xuyên đến Năng Tĩnh, từ Cửa Nam trải qua Cửa Đông đến Cửa Tây có 12 phố, ba chợ họp đông vui: chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Hoàng”.
12 phố là:
1. Phố Vị Xuyên: Trong phố này có chợ Vị Hoàng.
2. Phố Vĩnh Lại sau đổi là Vĩnh Thuận (gồm Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, sang phố Hàn Thuyên, Hàng Cấp hiện nay).
3. Phố Đỗ Xá: (phố Hàng Song dưới Hàng Sắt trên hiện nay).
4. Phố Đồng Lạc: (Phố Hàng Đồng, Hàng Giấy, Vải Màn, Hàng Rượu… hiện nay).
5. Phố Hai Cơ: (có 2 cơ lính đóng) có chợ Rồng (khu vự phố Lý Thường Kiệt hiện nay).
6. Phố Cửa Bắc (phía bến ô tô).
7. Phố Vĩnh Ninh: Trong phố này có hội quán Triều Châu – Phúc Kiến của người Hoa, sở giám thành (phố Hàng Sắt dưới, phố Bến Ngự).
8. Phố Yên Lạc: Trong phố này có Hội quán Quảng Đông – Nhà thờ cao nhất, trước cửa có ba chữ “Đăng đạo ngạn” (Hàng Sũ, Hàng Đàn, phố Trần Hưng Đạo từ phía rạp Bình Minh trở xuống).
9. Phố Đông Thành: Phố Lê Hồng Phong kéo dài ra phía phố Trần Hưng Đạo.’
10. Phố Tả Trường (phố Cửa Trường, Cửa Nam…).
11. Phố Định Tĩnh: Trong phố có chợ Phượng (phố Bến Gỗ “dưới Bến Ngự, chợ Đò Chè”).
12. Phố Năng Tĩnh: Có bến đò Bái, đò Quan. Bờ sông có miếu thờ Quan Công sau sửa lại làm đền Võ Miếu của tỉnh.
“Nam Định địa dư chí” của Ngô Giáp Đậu, đốc học, viết năm 1916 ghi như sau:
Tỉnh thành đặt trên địa phận làng Vị Xuyên, Năng Tĩnh trong huyện Mỹ Lộc. Năm Gia Long thứ 3 (1804) mới xây thành đất… Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) mới xây thành gạch…
Sau lưng thành phía tây là đất đồng bằng – trước mặt thành đằng đông là sông Vị Hoàng, bên tả đằng đông phố xá la liệt gọi là bảy phố Vị Hoàng. Bảy phố là: Phố Hàng Tiện, phố Hàng Giầy, phố Hàng Đồng, phố Bến Ngự, phố Hàng Sũ, phố Hàng Nồi, phố Hàng Long. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Quý Quốc (chỉ nước Pháp) định cuộc bảo hộ. Năm Thành Thái thứ 6, thứ 7 (1894 – 1895) bạt thành lấp hào, mở rộng thêm các đất làng Vị Xuyên, làng Đông Mạc, làng Năng Tĩnh đặt ra 10 phố là:
1. Định Tả (khu vực Hàng Giấy, Hàng Sắt…)
2. Định Hữu (Hàng Mâm, Hàng Song, Hàn Thuyên…)
3. Định Tiền (Cổng Hậu…)
4. Định Hậu (Hàng Cót, Vườn Dâu…)
5. Định Tân (Năng Tĩnh…)
6. Định Trung (Hàng Nồi, Hàng Dầu…)
7. Nam Long (Hàng Đàn, Hàng Rượu)
8. Nam An (Hai Cơ – chợ Rồng, Lò Trâu…)
9. Nam Mỹ (Hàng Tiện…)
10. Nam Xuyên (khu hồ Vị Xuyên – phố Nguyễn Trãi).
Mặt đất các phố lại chia ra 40 đường là:
1. Đường Tự Đức
2. Đường Đồng Khánh (Hàng Thao)
3. Đường Nguyễn Hữu Độ (chợ Diên Hồng)
4. Đường Hà Nội (phố Đền Giếng)
5. Đường Bắc Ninh (xưa là Hàng Thùng, Hàng Cầm, Hàng Giầy, Hàng Mành)
6. Đường Ninh Bình
7. Đường Tuyên Quang
8. Đường Hưng Yên
9. Đường phố Cửa Đông hay Ca-rô (Carreau) (Lê Hồng Phong)
10. Đường Sát-xơ-lu Lô-ba (Chasseloup Laubat) đường Hàng Tụ
11. Đường (đường Máy Tơ) Phơ-rang-xi Gác-ni-ê (Francis Garnier)
12. Đường Gia Định
13. Đường Laokay (Ngõ Rỡ) từ phố Hàng Giấy cũ vào đến giữa ngõ Rỡ
14. Đường Phủ Lý (đường Voi Phục)
15. Đường Hồng Gai (Bến Ngự)
16. Đường Vị Xuyên
17. Đường Khoái Đồng
18. Đường Phù Long
19. Đường Năng Tĩnh
20. Đường Phúc Châu
21. Đường Pháp quốc Ruy đơ Phơ-răng-xơ (Rue de France): Vải Màn, Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn.
22. Đường Bảo Hộ (Ruy đuy Prô-tếch-tô-ra) (Rue du Protectorat) (Hàng Song, Hàng Mâm, Hàng Bát, Hàng Nâu, Hàng Cót).
23. Đường Đò Quan – (La-mô-tơ Pi-que) (Lamothe Piquet)
24. Đường Hàng Nồi – (Pa-ri) (Paris)
25. Đường Bến Thóc – (Hác-măng) (Harmand)
26. Đường Bến Củi – (Săm-pô) (Champeaux)
27. Đường Cửa Nam (Ri-sô) Richaud
28. Đường Hàng Cau – (Giuyn Phe-ri) (Jule Ferry)
29. Đường Hăng-ri Ri-vi-e (Hàng Tiện) (Henri Rivière)
30. Đường Bờ Hồ (Pôn be) (Paul Bert)
31. Đường Cột Cờ (Mi-ra-đo) (Mirador)
32. Đường (Văn Nhân) (ngõ) Ruyen đề Lét-trê Ruelle des Lettés
33. Đường Phúc Đường
34. Đường Ngõ Lôi điện nay là (Ngõ Yên Thế – Ruy-en dơ la Phut-đơ-rơ (Ruell de la Foudre)
35. Đường Hàng Đồng
36. Đường Hàng Sắt
37. Đường Hàng Sũ
38. Đường Phố Khách hay phố Hoa kiều (Ruy Ma-rê-ssan-Fô-chơ) (Rue Maréchal Foch)
39. Đường Bến Gỗ (Ruy đề E-ta-duy-ni) – Đường Hoa Kỳ (Rue de Etats Unis)
40. Đường Đông An
Đất trong thành phố dài 4.400m, rộng 1.400m, diện tích ước khoảng 5.600.000m2, phía trên từ địa phận Làng Phụ Long, phía dưới đền đất Đồn Thuỷ, có hai đê: Đê Bao Bì dài 7.000m, một đê khác từ xã Phụ Long đến xã Quang Sán (bên bờ sông Châu) dài 40km.
Các phố được kể như trong bài “Nam thành cảnh trí” mô tả bằng thể văn vần:
Thành Nam cảnh trí an bài
Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông.
Nhất thành là phố Cửa Đông.
Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao.
Hàng Giầy đẹp khách yêu đào.
Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân.
Ba năm một hội phong văn
Lại lều lại chõng về thăm Cửa Trường.
Ngọt ngào lên đến Hàng Đường
Say sưa Hàng Rượu, phô trương Hàng Cầm
Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông,
Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng.
Hàng Dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng,
Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen,
Hàng Vàng lắm bạc nhiều tiền,
Hàng Sơn gắn bó gần bên Hàng Quỳ.
Trăm năm nghĩa bạc tình nghi
Hàng Đàn, Hàng Ghế chung nghề làm ăn.
Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm
Gặp nhau Bến Gỗ, vui sân một nhà.
Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa
Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng
Cột Cờ lên đó mà trông,
Đò Chè lơ lửng bến sông cắm sào.
Phố Khách buôn bán vui sao,
Lợi quyền chểnh mảng nỡ trao tay người.
Hàng Dầu, Hàng Mã, Hàng Nồi,
Hàng Trống, Hàng Thiếc, lên chơi Hàng Thùng
Hàng Cau, Hàng Nón tưng bừng,
Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây
Lang sa có mặt từ ngày,
Đỏ đèn Bến Củi đoạ đày hồng nhan
Hàng Thao tấp nập canh tàn,
Tám nghề, bảy chữ mở hàng phấn son
Đình tàn cây quế héo hon,
Giáo phường cốt cách chẳng còn như xưa
Liễu Đào trải mấy nắng mưa,
Cầm tan phách lối đã thừa xót xa.
Trông về đất cũ quê nhà,
Lò Trâu, Bến Nứa thật là đau thương
Ao tù Thượng Lỗi chán chường,
Tịch điền Năng Tĩnh âm hồn oán ma
Cổng Hậu, Ngã Sáu, Cầu Gia
Trường Thi phút chốc hoá ra hận trường
Hắt hiu Văn Miếu cổ tàn,
Nhường như sĩ tử thở than lỗi thời.
Buồn thay lễ nghĩa suy đồi
Thánh Trần sao lại cùng ngồi Thánh Quan?
Đền Ông hương khói mơ màng,
Chùa Rào cùng với Cửa Nam tơi bời
Phù Long, Đồn Thuỷ qua chơi
Quê hương đất cũ ngậm ngùi tàn canh
Non xưa nước cũ tan tành
Nào ai phá luỹ, dâng thành là ai?
Nguồn: namdinh
- Yên Tiến gìn giữ không gian văn hoá truyền thống
- ‘Gái ngây thơ’ gặp ‘trai trong trắng’ gây bão Bạn muốn hẹn hò
- Khám phá tính cách của 12 con giáp trong tình yêu
- Hotgirl Nam Định béo ú bất ngờ hóa ‘thiên nga’ có thân hình nóng bỏng
- Giao Thủy: Lạ lùng bé 1 tuổi cứ cất tiếng khóc như tiếng mèo kêu
- Trần Lập về nơi an nghỉ
- Những địa điểm du lịch nhân dịp 2-9 tại Nam Định
- Giang hồ xăm trổ chửi bới người qua trạm BOT Nam Định là ai?
- Giúp việc trộm 100 triệu của chủ để mua xe cho con
- Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai công tác ứng phó với bão số 7 (bão Sarika)
- Công an tỉnh Nam Định bắt giữ đối tượng có 3 lệnh truy nã
- Nóng – Danh tính 6 nghi phạm truy sát người đàn ông đang chở con nhỏ 20 tháng tuổi
- Ngôi trường của Á quân Đường lên đỉnh Olympia 2016 ‘nhuộm’ sắc tím
- Nỗi cay đắng của nữ phạm nhân buôn ma túy…
- Về quê ăn cưới bị nhân viên mở két ‘cuỗm’ gần 100 triệu đồng?
- Chàng trai Nam Định làm giàu từ muối
- Di tích lịch sử, danh thắng thành Nam
- Nam Định dự kiến hôm nay nối lại cầu phao Ninh Cường
- Sở GTVT Nam Định: BOT Mỹ Lộc đã đặt đúng vị trí
- Nam Định: Tái diễn nạn in vé giả thu tiền trái phép ở đền Bảo Lộc
- Tỉnh Nam Định: 5 huyện đang rất cần… 1 cây cầu
- Quy trình làm chả cá Hùng Vương, Giao Thủy – Nam Định