Thầy giáo Nam Định nổi tiếng nói gì về chương trình Ngữ văn mới?

Thầy giáo Nam Định nổi tiếng nói gì về chương trình Ngữ văn mới?

Mới đây, thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh – Giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định đã chia sẻ về những mặt tích cực và hạn chế của bản dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình (CT) giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết trong CT Ngữ văn THPT chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc gồm: bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Việc chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình Ngữ văn mới đã khiến nhiều giáo viên băn khoăn

Mới đây, thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh – Giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định đã chia sẻ về những mặt tích cực và hạn chế của bản dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới.

Chương trình môn học có tính ‘mở’

“Chương trình bộ môn Ngữ văn có một số điểm mới như: Đã chú ý đến tính công cụ của môn học. Nếu trong chương trình hiện hành 60% bài học dành cho đọc hiểu văn bản, trong đó văn bản văn học chiếm đa số.

Chương trình bộ môn mới đa dạng các loại văn bản (văn bản nhật dụng, văn bản đa phương thức…) sẽ gần gũi và thiết thực với cuộc sống hơn.

Thay vì chỉ đề cao năng lực đọc và viết thì chương trình bộ môn mới đã chú trọng đến các kỹ năng nghe và nói, trong đó có sự lắng nghe thấu hiểu, tranh luận trong giao tiếp.

Trước đây chỉ chú trọng làm văn nghị luận, trong đó coi trọng nghị luận văn học, chương trình mới đã hướng tới rèn các kỹ năng tạo lập văn bản khác như văn bản hành chính công vụ và văn bản thuyết minh.

Chương trình môn học có tính mở. Trong đó việc dạy và thi các văn bản ngoài SGK đã trở nên quen thuộc với giáo viên và học sinh.

Bên cạnh các văn bản bắt buộc trong chương trình, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung văn bản dạy học sẽ phù hợp với trình độ của học sinh, theo vùng miền sao cho phù hợp, chuẩn năng lực cơ bản mà chương trình đề ra.

Thay vì chỉ dạy các tác phẩm văn học trung đại hoặc các thể loại ít xuất hiện trong cuộc sống, có những khoảng cách văn hóa để hiểu được tư tưởng của văn bản, thì giáo viên có thể đưa các văn bản đương đại dễ tiếp nhận sẽ khơi gợi được hứng thú học tập của học sinh.

Như thế yêu cầu về chuẩn năng lực của học sinh theo từng khối lớp trên toàn quốc sẽ giống nhau, nhưng tùy đối tượng lại có nội dung khác nhau phân hóa theo trình độ của học sinh và vùng miền.

Do đó, sẽ mở rộng thế giới văn học của người dạy và học, văn học không còn giới hạn văn học trong nhà trường nữa. Nhắc đến văn học hiện thực người ta không còn chỉ nghĩ đến Nam Cao hay ‘Chí Phèo’.

Việc lựa chọn ‘Chí Phèo’ để dạy cho học sinh hay không phụ thuộc vào kế hoạch bài dạy của giáo viên, miễn sao giúp các em hiểu được đặc trưng của văn học hiện thực giai đoạn đó và đọc hiểu được các tác phẩm hiện thực khác của Nam Cao hay của các tác giả cùng thời đại đó.

Chương trình có sự chuyển biến tích cực từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Thay vì đặt mục tiêu là cung cấp kiến thức tiếng Việt và văn học sang phát triển các năng lực chung và năng lực môn học như: năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ để sống và làm việc hiệu quả.

Vì vậy chương trình không còn chạy theo số lượng kiến thức, truyền thụ nội dung, cung cấp nội dung, kể lại nội dung, sẽ tránh được việc đánh giá kiểm tra học sinh theo hướng kiểm tra lại những gì các em đã học.

Học sinh thay vì học thuộc chỉ biết những gì được học, các em vận dụng được những gì được học để đọc hiểu các văn bản có cùng đặc trưng và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Theo chương trình mới, không còn khái niệm giảng văn mà chuyển sang phương pháp dạy đọc hiểu văn bản, trong đó có những văn bản mới ngoài SGK nên học sinh tránh được việc học thuộc một cách máy móc những gì có sẵn.

Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh đã chia sẻ về những mặt tích cực và hạn chế của bản dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới:

Giáo viên cũng cần được tập huấn

Chương trình bộ môn mới có thực sự mở và phát triển năng lực người học một cách thực chất thì cần thiết phải cụ thể, hệ thống hóa mục tiêu và yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp hoặc cấp học.

Những yêu cầu này chỉ nên mang tính chất định hướng, giáo viên có quyền chủ động và sáng tạo trong việc xây dựng tổ chức kế hoạch giảng dạy ở lớp học cụ thể của mình.

Hoạt động kiểm tra đánh giá cũng phải thay đổi theo định hướng năng lực người học. Thay vì kiểm tra những gì các em đã biết, giáo viên sẽ kiểm tra những gì các em có thể làm.

Cụ thể, các em có thể vận dụng đọc hiểu các văn bản khác và vận dụng giải quyết các yêu cầu thực tiễn của công việc và cuộc sống. Thực tế những thay đổi về kiểm tra đánh giá sẽ chi phối trực tiếp đến nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của người dạy và người học.

Việc quy định một số kiến thức cơ bản có tính cốt lõi về văn học và tiếng Việt trong đó có yêu cầu bắt buộc 6 tác phẩm văn học dân tộc cần có sự phân cấp để đảm bảo tính mở trong khuôn khổ.

Trong đó nên quy định rõ các văn bản bắt buộc, các văn bản tự chọn bắt buộc và các văn bản tự chọn theo nhu cầu của người học.

Các giai đoạn, các trào lưu, hay các thể loại đặc trưng đều cần có những văn bản bắt buộc và tự chọn để giáo viên có những định hướng rõ ràng hơn.

Ngay cả các văn bản nhật dụng cũng cần có quy định bắt buộc về định hướng đảm bảo rèn luyện các phẩm chất cần có của người học hay những giá trị sống, kỹ năng sống của con người thời đại mới.

Thực chất chương trình bộ môn phát triển theo chiều rộng đi từ những vấn đề hàn lâm, chuyên sâu sang các vấn đề ứng dụng thực tiễn.

Với một văn bản văn học hoặc một vấn đề đời sống trong một văn bản nhật dụng thì với vốn sống, sự trải nghiệm của tuổi trẻ chắc chắn học sinh không thể khai thác hết các khía cạnh vấn đề, cảm nhận sẽ còn hời hợt, việc dạy – học sẽ không có chiều sâu.

Do vậy, vẫn cần thiết phải có những mục tiêu riêng dành cho các em có năng khiếu, có đam mê với môn học để học sinh không chỉ biết tái hiện hình tượng (kể lại, tả lại) mà còn biết liên tưởng cảm thụ và cao hơn là tổng hợp đánh giá vấn đề. Học sinh không chỉ biết thu thập tìm kiếm thông tin mà còn biết đánh giá và phản hồi thông tin.

Việc phát triển năng lực người học cần phải có thời gian dài, rèn luyện thường xuyên, phối hợp đồng bộ các môn học chứ không đơn thuần chỉ qua một vài tiết học là thấy được sự tiến bộ. Giáo viên lại càng cần có niềm tin và sự kiên trì rèn luyện để phát triển năng lực học sinh.

Về căn bản, giáo viên hiện nay vẫn là sản phẩm của chương trình cũ, nhiều năm dạy học theo định hướng cũ có thể chưa quen, chưa hiểu rõ quan điểm của chương trình mới. Cần tập huấn cho giáo viên và thực hiện có lộ trình.

Giáo viên cần phân biệt giữa chương trình bộ môn và sách giáo khoa. Chương trình môn học được xây dựng trên cơ sở chương trình tổng thể. Chương trình cũng cần phân biệt tác phẩm bắt buộc và tác phẩm tự chọn.

Cần có chuẩn chung cho việc đọc hiểu và làm văn theo cụm thể loại, giai đoạn, trào lưu văn học để học sinh có thể vận dụng kiến thức và kỹ năng đã đọc ở văn bản này vào văn bản khác (nằm trong hoặc ngoài SGK) để có sự liên hệ đối chiếu các văn bản với nhau”.

Theo (VTC News)


TOP