Thục "lợn" Nam Định sở hữu 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là ai mà được nguyên Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen?

Thục “lợn” Nam Định sở hữu 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là ai mà được nguyên Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen?

Nhờ chăn nuôi theo quy trình khép kín từ A-Z, sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn được chế biến từ các loại thảo dược, đàn lợn hơn 300 con của gia đình anh Nguyễn Văn Thục (ở xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, Nam Định) con nào con nấy đều đẹp mã, sạch bệnh và thịt thơm ngon.

Đưa thảo dược vào làm nguyên liệu thức ăn

Tính đến nay, anh Thục đã có 25 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn. Anh bảo, thịt lợn là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, nên ngay từ khi xây dựng trang trại, anh đã có ý định chăn nuôi lợn hữu cơ, vừa đảm bảo chất lượng, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Thời gian đầu, chân ướt chân ráo bước vào nghề, anh chỉ nuôi vỏn vẹn 50 con để phù hợp với diện tích có sẵn. Sau một thời gian, nhận thấy có duyên với vật nuôi này, anh Thục tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thêm chuồng trại, thiết kế theo mô hình chuồng nuôi của Thái Lan, đảm bảo vệ sinh môi trường. Số lượng đàn lợn cứ tăng dần, lên đến khoảng 400 con; có thời điểm trang trại nuôi tới gần 500 con/lứa.

Lợn được giết mổ tại trang trại của anh Thục, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Mai Chiến

Mặc dù, số lượng đàn của trang trại lúc nào cũng tương đối lớn nhưng xung quanh chuồng trại không hề có mùi hôi thối. Bởi, ngay từ đầu anh Thục đã thiết kế hệ thống xử lý nước thải sau hầm biogas. Qua đánh giá của Viện Nghiên cứu thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho thấy, các thông số trong nước thải đã qua xử lý đạt ngưỡng cho phép.

Nhiều đoàn chuyên gia về tham quan trang trại của gia đình anh Thục đều khen trang trại chăn nuôi Hiền Thục được ví như 1 công viên thu nhỏ, thiết kế bài bản, phân vùng rõ ràng, không khí trong lành. Xung quanh chuồng trại có ao cá, vườn bưởi, hoa hồng và giàn phong lan đang đua nhau khoe sắc…

Theo anh Thục, 3 năm trở lại đây, do tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nên trang trại đã giảm quy mô chăn nuôi xuống còn khoảng 300 con gồm lợn nái và lợn thương phẩm.

Mặc dù, những năm qua, nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Trực Ninh nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, nhưng trang trại của gia đình anh Thục vẫn an toàn, vượt qua “bão” dịch.

3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ lợn thảo dược
Ít ai biết rằng, trang trại Hiền Thục đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Anh Thục chia sẻ, với mong muốn thực phẩm được đảm bảo sạch từ trang trại đến bàn ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm qua gia đình anh đã đẩy mạnh đầu tư một số hạng mục lớn như xây dựng lò giết mổ công suất 10 – 15 con lợn/ngày, mở cửa hàng bán nông sản sạch Trực Thái với slogan “Hiền Thục Famr – vì một tương lai xanh”.

Theo anh Thục, hiện nay sản phẩm chủ lực của gia đình là thịt lợn hơi, xúc xích, ruốc thịt lợn, giò… Trong số này, đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Thịt lợn, xúc xích, ruốc.

Anh Thục nhẩm tính, trung bình mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường khoảng 300kg thịt lợn hơi, 15 – 20kg xúc xích và khoảng 5 – 10kg ruốc, tùy vào đơn đặt hàng. Ông Tô Xuân Hiệp – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định khẳng định, trang trại chăn nuôi lợn Hiền Thục đang hoạt động theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thảo dược nên sản phẩm khi đưa ra thị trường được khách hàng tin dùng. Và, trang trại đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Được biết, năm 2021, trang trại chăn nuôi Hiền Thục được Viện Thú y (Bộ NNPTNT) và Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nam Định chọn làm mô hình trình diễn dự án xây dựng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

Năm 2020, anh Nguyễn Văn Thục vinh dự được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định.

Tags:

TOP