Chuyện chàng trai gieo hạt “ngọc trời” ở Nam Định

Chuyện chàng trai gieo hạt “ngọc trời” ở Nam Định

Chuyện kể về một chàng trai trẻ, đầy nhiệt huyết, đã từ chức Phó Chủ tịch một xã miền núi ở Lào Cai để về lại quê nhà Nam Trực, Nam Định, làm một người nông dân bình thường nhưng với ước mơ lớn.

Lương Văn Trường rạng rỡ trên cánh đồng chờ ngày gặt. Ảnh: Trang Nhung/BNEWS/TTXVN

Tôi đến huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vào một buổi trưa Hè oi nồng và ít nắng, khi cơn áp thấp xa bờ được dự báo di chuyển lên phía Bắc, Lương Văn Trường đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ, thân thiện nhưng có chút lo lắng: “Em sợ bão đến mà lúa còn chưa đến ngày thu hoạch”. Thế nhưng lo lắng đó vụt qua nhường chỗ cho sự tự tin và hy vọng rằng nếu chỉ mưa to thì lúa nhà em đã đủ cứng cáp để chờ đến ngày gặt hái.

Là cơ duyên hay đam mê?

Trường sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, từ nhỏ đã quen với đồng ruộng, cấy hái và đặc biệt mê môn sinh học hơn các môn học khác. Mê sinh học đến mức trong những năm học phổ thông, chỉ cần học trên lớp thôi lượng kiến thức đã tự ngấm vào người Trường từ lúc nào như chiếc thùng không đáy.

Tốt nghiệp Phổ thông Trung học, Trường đi đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt, chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch. Ước mơ làm nông nghiệp như được chắp cánh tại một nơi mà nông nghiệp công nghệ cao phát triển vào bậc nhất của cả nước như tỉnh Lâm Đồng.

Với lượng kiến thức và kinh nghiệm lớn gặt hái được trên giảng đường và rất nhiều chuyến đi thực tế trong suốt những năm học Đại học, chàng trai sinh năm 1989 này tự tin nộp hồ sơ ứng cử và được lựa chọn vào chức Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn – một xã đặc biệt khó khăn nằm tít trên đỉnh núi cao thuộc huyện Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai.

Trường chia sẻ: Lử Thẩn trong tiếng Mông có nghĩa là chặng dừng chân. Đây là nơi Trường gắn bó suốt 4 năm với nhiều dự án như vận động bà con nuôi gà, heo; trồng cây ôn đới; phát triển du lịch sinh thái, trong đó dự án đưa hoa tam giác mạch lên trồng ở Lử Thẩn là Trường cảm thấy tâm đắc nhất.

Lương Văn Trường bên cánh đồng tam giác mạch khi còn là Phó chủ tịch UBND xã Lử Thẩn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước khi chia tay Lử Thẩn, chia tay Si Ma Cai, Trường còn kịp phổ biến đến bà con trồng rộng rãi giống mận Tả Van để tạo thêm đặc sản cho vùng đất nhiều duyên nợ với chàng trai Nam Định này.

Nông nghiệp với Trường vừa là cơ duyên, vừa là đam mê. Kinh nghiệm thực tế tại Đà Lạt và Si Ma Cai – hai nơi có khoảng cách vô cùng lớn về phát triển nông nghiệp đã mang đến cho Trường những trải nghiệm vô cùng đáng quý trong đời.

Si Ma Cai ẩn hiện trong mây. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực hiện ước mơ làm giàu cho quê hương

Năm 2016, Trường quyết định từ chức Phó Chủ tịch xã để về quê trồng lúa với những hoài bão ấp ủ. Đó là trồng lúa đặc sản theo hướng hữu cơ trên chính quê hương mình là tỉnh Nam Định – vùng đất vốn nổi tiếng với gạo tám xoan, gạo dự.

Quê ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhưng Trường phải tìm đến xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực (Nam Định) cách nhà khoảng 30 km để thuê đất trực tiếp từ người dân vì ở đó mới có diện tích tích tụ đủ lớn. Dự án của Trường may mắn được bà con và lãnh đạo xã Tân Thịnh ủng hộ ở thời điểm mà nhiều người dân đã bỏ ruộng đi làm nhà máy.

Trường cho biết vốn đầu tư ban đầu khoảng hơn 100 triệu và Trường đã vay mượn từ một vài người bạn để theo đuổi dự án của riêng mình.

Thuê lại hơn 7 ha đất gần như bỏ hoang hoặc cấy chỉ một vụ mỗi năm của người dân địa phương, năm 2017, Trường bắt tay vào cải tạo để xuống giống những hạt lúa đầu tiên. Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ khi vụ đầu tiên đã thất bại vì mất mùa.

Không nản chí, Trường tiếp tục gieo vụ Đông Xuân 2018 với giống lúa tím sông Thương, nếp Thái Bình và Bắc Hương theo phương pháp hữu cơ “3 không”: Không cày, không bón phân hóa học, không phun thuốc hóa học.

Gạo tím trên bàn tay người nông dân Lương Văn Trường. Ảnh: Trang Nhung/BNEWS/TTXVN

Làm khác với những gì ông cha đã làm, bố mẹ Trường khi đến thăm cánh đồng của con không khỏi lo lắng, thậm chí đề nghị phun thuốc sâu, nhưng Trường đã giấu không làm. Trường tâm sự: “Em trồng lúa theo hướng thuận tự nhiên nhất, rồi bố mẹ sẽ hiểu khi xem thành quả vụ tới của em”.

Tuy không được bố mẹ ủng hộ, nhưng Trường nhận được sự cổ vũ rất nhiều từ bạn bè và người xung quanh. Dũng – một người bạn thân của Trường – chia sẻ: “Em sẵn sàng hỗ trợ Trường về kỹ thuật, máy móc. Trường là người có kiến thức và tâm huyết, bạn chắc chắn sẽ thành công và mô hình này sẽ được nhân rộng”.

Bác Nhượng, người cho Trường thuê phòng ở cùng để tiện chăm sóc lúa ở xã Tân Thịnh cũng tin vào sự thành công của Trường, cho dù thành công bước đầu được bác đánh giá là không lớn.

Trên cánh đồng ngạt ngào hương lúa chín, chàng trai da đen bóng vì nắng, cười tươi ngắt cho tôi một bông lúa nặng trĩu hạt và giới thiệu: “Một mẫu lúa tím đã được thu hoạch và bán hết. Còn chờ khoảng một tháng nữa, 5ha lúa nếp sẽ được thu hoạch với sản lượng chắc chắn cao hơn dự kiến”. Trường dự tính năng suất lúa nếp được 2 tạ/sào, vụ này Trường thu khoảng 150 triệu đồng, đủ để quay vòng vốn cho vụ tới.

Bông lúa nếp nặng trĩu nhưng chưa đến ngày thu hoạch. Ảnh: Trang Nhung/BNEWS/TTXVN

Ơn trời mưa thuận gió hòa

“Làm nông nghiệp truyền thống khác với nông nghiệp công nghệ cao, yếu tố thời tiết là vô cùng quan trọng”, Trường chia sẻ: “Em luôn phải cập nhật thời tiết hàng giờ, cài các ứng dụng thời tiết để xem lượng mưa thế nào để còn phơi hay chạy thóc”. Thế nhưng, mưa thuận gió hòa vẫn là điều mà mọi người nông dân, trong đó có Trường mong muốn nhất. Thời tiết quyết định được mùa hay mất mùa.

Sau màn khởi động tốt vụ Đông Xuân, từ vụ tới, Trường sẽ phủ kín hơn 7ha diện tích bằng các giống lúa đặc sản như Tám xoan, dự, nếp, lúa tím,… Vẫn là giống lúa như nhiều vùng vẫn trồng, nhưng cách canh tác thì khác hoàn toàn như gieo sạ thưa hơn để cây có nhiều khoảng trống để đẻ nhánh, dùng men vi sinh thay thuốc trừ sâu, dùng gốc rạ để bón lại cho đất thay vì đem đi đốt như nhiều nơi khác.

Trường đi kiểm tra vùng bị đọng nước trên ruộng. Ảnh: Trang Nhung/BNEWS/TTXVN

Trường hào hứng kể: “Em vẫn còn nhiều cách hay chưa áp dụng để trồng lúa theo hướng thuận tự nhiên nhất có thể. Chỉ có dựa vào tự nhiên, cây trồng mới có thể sinh trưởng tốt nhất”. “Còn 40ha đất trống đang chờ, nhưng em phải làm tốt với 7ha này trước”.

Trên cánh đồng gió đã lộng hơn khi chiều về, tôi nhận thấy sự tự tin và nhiệt huyết đang sáng bừng trên khuôn mặt Trường – chàng trai gieo hạt “ngọc trời”.

Trang Nhung/BNEWS/TTXVN


TOP