Trụ trì chùa kể về “báu vật” nặng 9 tấn nằm giữa hồ nước ở Nam Định

Trụ trì chùa kể về “báu vật” nặng 9 tấn nằm giữa hồ nước ở Nam Định

Khi quả chuông khổng lồ vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng lo ngại giặc đến sẽ phá hoại nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ.

Quả chuông tại chùa Cổ Lễ nặng 9 tấn cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm

Đó là chiếc chuông cổ tại chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Trụ trì chùa Cổ Lễ Thích Thanh Vượng cho biết, ngoài kiến trúc đổ, độc đáo, chùa Cổ Lễ còn lưu giữ một quả chuông cổ lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau quả chuông lớn nhất ở chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Quả chuông tại chùa Cổ Lễ có tên gọi là Đại Hồng Chung, do Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Quả chuông nặng 9 tấn cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm.

Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Nhân dân, các phật tử trong vùng đã góp tiền để đúc quả chuông.

Quai của chiếc chuông được thiết kế hình con rồng

Trụ trì chùa Cổ Lễ cho hay, theo các cụ kể lại, khi nấu đồng đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vàng hòa tan trong đó.

Đến khi quả chuông khổng lồ vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng lo ngại giặc đến sẽ phá hoại nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách chiêm bái.

“Cũng vì nhiều lý do nên kể từ đó đến nay quả chuông khổng lồ được đặt ở giữa hồ mà không dịch chuyển đi đâu hay đem lên để sử dụng. Tuy nhiên, tương truyền rằng, khi thỉnh Đại Hồng Chung thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông ngân”, vị trụ trì chùa Cổ Lễ chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Anh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh cho hay, năm 2005, các phật tử đã công đức số tiền gần 400 triệu để đúc mới một quả chuông khác nặng 9 tấn treo ở gác chuông trong chùa Cổ Lễ. Tuy nhiên, quả chuông mới đúc tiếng ngân không được tốt như quả chuông từng đúc năm 1936.

Chùa Cổ Lễ là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất tỉnh Nam Định. Chùa được xây dựng từ thời Lý Thần Tôn (thế kỷ XII) trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh.

Thân của chiếc chuông có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho

Ngôi chùa thiêng ngoài thờ Phật, còn thờ một vị thánh đó là Thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã từng chữa cho Vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Ban đầu, chùa được làm bằng gỗ, theo lối kiến trúc cổ nhưng trải qua thời gian chùa xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1902, sư tổ Phạm Quang Tuyên về làm trụ trì đã trùng tu, sửa chữa lại ngôi chùa theo hình chữ thiện, kiến trúc “Nhất thốc lâu đài” với những yếu tố kiến trúc giống như các nhà thờ Công giáo.

Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần và tạo nên một quần thể kiến trúc đồ sộ như ngày nay. Chùa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng “di tích lịch sử văn hóa Quốc gia” năm 1988.

Theo Hải Phong (Dân Việt)


TOP