Nhiều năm qua, công tác phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp nhiều thách thức, do vậy, cần có biện pháp phù hợp, trong đó có công tác số hóa dữ liệu nhằm tạo cơ sở hoạch định chính xác hơn đối với quá trình phát triển đô thị.
Thành công bước đầu
Theo lãnh đạo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), công tác số hóa trong phát triển đô thị được Bộ triển khai xây dựng từ nhiều năm qua đã bước đầu phát huy tác dụng. Việc triển khai thí điểm số hóa đô thị tại TP Nam Định đã giúp địa phương tăng hiệu quả quản lý đầu tư, xây dựng và tăng nguồn thu ngân sách. Hàng chục đoàn công tác đã đi các nơi, kiểm tra, rà soát hiện trạng sinh sống tại các khu dân cư, phối hợp các ban, ngành địa phương tổng hợp hình thành cơ sở dữ liệu quản lý xây dựng và những đánh giá chung đối với từng khu vực. Dựa trên việc số hóa các khu vực, địa phương hoàn toàn có thể quản lý chặt chẽ được đầu ra, cho dù một số yếu tố đầu vào chưa hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn, hiện trạng các tòa nhà, khu dân cư, nhà riêng có thể khai báo thấp hơn và khác so với thực tế, nhưng nếu trong tương lai, các khu đất này triển khai xây dựng hoặc mua, bán, sang nhượng, đã có dữ liệu theo dõi để đối chiếu, xử phạt theo, khi các công trình này vi phạm quy định khai báo hiện trạng sử dụng trước khi sang nhượng hoặc xây dựng. Hoặc khi số hóa, địa phương có thể nắm bắt được hiện nay thành phố có bao nhiêu nhà dân, chung cư, khu văn phòng, hay khu vực nào ưu tiên phát triển dân cư, phát triển sản xuất, khu vực nào không được phép xây dựng. Bước đầu, nguồn cơ sở dữ liệu này đã giúp tăng nguồn thu ngân sách tỉnh Nam Định, đồng thời giúp tỉnh hoạch định rõ chiến lược phát triển đô thị lâu dài. Đến nay, thành phố đã xây dựng được Trung tâm thông tin nhà đất có đầy đủ nguồn dữ liệu không gian và thuộc tính của toàn bộ 25 phường, xã, tương ứng khoảng 96 nghìn thửa đất; kết nối thông tin giữa Trung tâm thông tin Nhà đất với Chi cục Thuế và 25 phường xã; xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch và bản đồ địa chính cùng hệ tọa độ; hỗ trợ xây dựng bản đồ vị trí đất phục vụ tính và công khai giá đất hằng năm; quản lý dữ liệu bằng phần mềm FileMaker qua trọng tâm thửa đất,…
Mặc dù công tác số hóa phát triển đô thị đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên thực tế, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn và hiện mới dừng ở thí điểm tại một số địa phương. Ngoài những khó khăn cũ về sự mất cân bằng giữa tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh với hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ chưa theo kịp; ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,… một vấn đề khó mới nảy sinh là chưa có hệ thống đánh giá chung, liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, vùng và cả nước. Các nguồn dữ liệu đầu vào được số hóa của các ngành, địa phương khác nhau, dẫn đến việc khớp nối, tổng hợp thành một cách đánh giá toàn diện, chính xác không khả thi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều quy hoạch phát triển các ngành không phù hợp quy hoạch phát triển chung của địa phương, khu vực, thiếu tính kết nối và thống nhất. Chủ trương của Chính phủ về phát triển đô thị thông minh, trong đó có số hóa quản lý phát triển đô thị đem lại nhiều lợi ích đa dạng về: quản lý giao thông, giảm ùn tắc, an ninh trật tự, cấp cứu, nhà ở…, tuy nhiên cần xây dựng lộ trình thực hiện hợp lý dựa trên sự đồng bộ về cơ sở vật chất hiện có.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, để phát triển đô thị bền vững, trước hết phải có một quy hoạch tổng thể, thống nhất và dài hạn nhằm tạo cân bằng và bền vững trong phát triển. Tiếp đến là sự phối kết hợp giữa các địa phương, ngành vì đây là các lĩnh vực liên quan đến tổng thể một vùng, hệ thống đô thị. Đồng thời, xây dựng các chính sách, quy định về quản lý phát triển đô thị, trong đó cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội và có tính toán đến các xu hướng mới như phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu,… Mặt khác, cần tạo các cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng trong đầu tư hạ tầng, không phân biệt nguồn vốn nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích của người dân, tài chính của nhà đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Một trong những việc cần tập trung hiện nay là tiếp tục rà soát, đánh giá các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, hạ tầng, nhà ở, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển đô thị với việc thực hiện các quy định quản lý theo quy hoạch, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối, gắn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng với quy hoạch sử dụng đất và cải thiện môi trường tại khu vực đô thị. Các địa phương tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và cho từng đô thị nhằm xác định lộ trình và kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, tỉnh và quy hoạch chung đô thị, xác định chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện theo đúng quy hoạch và có kế hoạch. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 11/2013/NĐ-CP về đầu tư phát triển đô thị theo hướng sát với thực tiễn triển khai, hạn chế chồng chéo, lãng phí nguồn lực…
Trên thế giới, mô hình số hóa đã được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ tốt trong quản lý phát triển đô thị. Tại Hà Lan, đất nước luôn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình số hóa công tác quy hoạch, phát triển đất nước luôn là ưu tiên hàng đầu. Các bộ chỉ số đánh giá đô thị của Hà Lan khá hoàn chỉnh, cộng thêm việc thành lập một ủy ban chuyên trách về phát triển đô thị với thẩm quyền cao và cơ chế đặc thù đã giúp Chính phủ Hà Lan giảm đến mức thấp nhất tác động từ thiên nhiên, hoạch định chính xác xu hướng phát triển của các đô thị. Tại Việt Nam, từ những thành công bước đầu trong số hóa phát triển đô thị tại một số địa phương, đã đến lúc cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của công tác này để nhân rộng ra cả nước.
MINH THÀNH – nhandan.com.vn
- Bé trai nặng kỷ lục 6,1 kg chào đời ở Nam Định
- Nam Định: Hội chùa Cổ Lễ
- Nam Định: Nhức nhối nạn xe dù, bến cóc tại huyện Hải Hậu
- Bé gái 6 tuổi ở Nam Định bị chó nhà cắn rách mặt
- Giám đốc quê Nam Định cho vay nặng lãi bị bắt tạm giam
- Nam Định: Truy bắt 4 đối tượng giết người vì bị từ chối cho thuốc lá
- Mang súng tự chế đến nhà người yêu dằn mặt vì bị ngăn cấm tình cảm
- Nam Định: Xưởng nấu dầu thải ‘hành’ dân
- Bảo tàng đồng quê – Nơi lưu giữ hồn quê Bắc bộ
- Nam Định: Làm ca đêm về, người đàn ông tử vong cùng xe máy dưới sông
- Nam Định: Lần đầu tiên thay khớp vai thành công, bệnh nhân không phải lên tuyến trên
- Vụ bé trai 4 tuổi bị trói, cột vào cửa sổ: ‘2 cô giáo một mực kêu oan, cho rằng có người cố ý hãm hại’
- Cháu bé 4 tuổi bị buộc vào cửa sổ ở Nam Định sẽ được hưởng chế độ ưu tiên
- Cồn Vẽ, mảnh đất phất như cồn
- Đặc sắc 2 di tích từ đường dòng họ ở Giao Thủy