Chị em hoạt động mại dâm mong muốn được coi là một nghề

Chị em hoạt động mại dâm mong muốn được coi là một nghề

Thời gian gần đây, liên tiếp có nhiều luồng ý kiến khác nhau khi bàn về vấn đề có nên coi mại dâm là một nghề. Tuy nhiên, những người hoạt động mại dâm mong muốn được hợp thức hóa là một nghề để được chính quyền quản lý, pháp luật bảo vệ trước tình trạng bị bạo hành, bóc lột trong quá trình hoạt động.

Theo thống kê của các địa phương, hiện cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Còn theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó nữ bán dâm khoảng 75.000 người.

Hiện nay, nước ta đang coi mại dâm là tệ nạn và cấm đoán, nhưng thực tế mại dâm vẫn tồn tại và có cả hồ sơ quản lý với một số người bán dâm.

Với vai trò là người phụ trách, hỗ trợ những người hoạt động mại dâm, chị Trịnh Thị Hòa (Liên minh CLB Về nhà), Nhóm Nơi bình yên – Hỗ trợ những chị em làm nghề lao động tình dục ở Hà Nội, chia sẻ:

“Chúng tôi là những người trực tiếp tiếp xúc, gần gũi và lắng nghe những ý kiến của chị em đang hoạt động mại dâm trên địa bàn Hà Nội thì họ rất mong muốn được hợp thức hóa đây là một nghề”.

Thời điểm này, nước ta khó có thể công nhận đây là một nghề. Nếu không được công nhận, thì nên thành lập những khu riêng biệt cho các chị em hoạt động.

Ở các khu này, Nhà nước dễ dàng quản lý và chính bản thân chị em phụ nữ sẽ được pháp luật bảo vệ.

“Do đặc thù làm việc vào buổi tối và đặc thù riêng nên dễ bị bạo lực, bóc lột và tổn thương. Vì vậy, khi được chính quyền quản lý, họ sẽ được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thường xuyên”, chị Trịnh Thị Hòa nhấn mạnh.

Tại buổi giao lưu Tọa đàm trực tuyến “Có nên công nhận mại dâm là một nghề?” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 6.4, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách, phòng chống mại dâm – Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện chính sách về mại dâm, Cục nhiều lần tiếp xúc, làm việc với những phụ nữ, anh em, người chuyển giới hoạt động mại dâm để lắng nghe nhu cầu ý kiến của họ.

Vì vậy, nói về mong muốn của những người hoạt động mại dâm, ông Dũng cho hay, những người hoạt động mại dâm mong muốn được bảo vệ về quyền công dân và quyền con người, tránh sự đánh đập, bóc lột trong quá trình hoạt động.

“Họ cũng quan tâm đến vấn đề nhân thân, con cái họ có được bảo vệ, được đối xử bình đẳng như những người khác hay không. Họ mong muốn có chính sách để giảm phân biệt kỳ thị và can thiệp kịp thời khi họ bị bóc lột, xâm hại. Nhiều người mong muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội để học nghề khác, có vốn kinh doanh thay đổi công việc đang làm…”, ông Dũng nhấn mạnh.

HOA LÊ(laodong.vn)


TOP