Chợ Viềng - Tại sao lại có cái tên "Viềng"?

Chợ Viềng – Tại sao lại có cái tên “Viềng”?

Từ thuở xa xưa, vùng đất cổ Nam Định đã được mệnh danh là quê hương của chợ Viềng. Trong đêm mồng 7 và tang tảng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng, có đến 4 cái chợ Viềng cùng họp một lúc. Thế nhưng khi nhắc đến những giai thoại mua, bán các loại đồ cổ, đồ cũ, cây cảnh, cây giống để “lấy may” thì đích thị là chợ Viềng thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực rồi.

Phiên chợ hội tụ tinh hoa, sản vật

Câu ca: “Chớ đi mồng 7 chớ về mồng 3” để nhắc nhở mọi người tránh xuất hành vào những ngày đó. Ấy vậy mà, vùng đất cổ Nam Định như có chút duyên ngầm, luôn thúc giục hàng vạn du khách “bỏ ngoài tai” cái câu ca đó mà mau chóng về kẻo lỡ phiên chợ Viềng một năm chỉ họp có một bận duy nhất vào đêm ngày mồng 7 và sớm ngày mồng 8 tháng Giêng mà thôi.

1361068239-cho-vieng-1

“Viềng” là gì? Tôi đã đi tìm mà chưa thấy một tài liệu tin cậy nào cắt nghĩa từ này. Nhưng, theo ông Cao Xuân Nghị, Trưởng ban Văn hóa thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực thì có một câu chuyện truyền khẩu rằng: Ngày xưa, có hai vị tướng được vua sai đi loan tin chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cho bàn dân thiên hạ biết để chia vui. Theo con đường nay là quốc lộ 10, hai ông dừng chân tại địa phận Phủ Dầy, và sau đó tiếp tục trống giong, cờ mở hành quân đến đất Nam Giang thì ngựa của hai tướng bị hỏng móng phải dừng lại, nhân tiện có làng Vân Tràng nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, nên đã nhờ bà con rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Trong khi chờ đợi, hai tướng đã ra lệnh cho lính lập đàn loan tin chiến thắng. Biết được, dân chúng ở khắp các xã, thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Tràng ăn mừng… Vậy là từ thuở đó, bà con huyện Nam Trực lấy đêm ngày mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ hai vị tướng. Đồng thời, cũng là dịp nông nhàn để bà con trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và trưng bày, mua bán sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Bởi thế, “Viềng” có thể là “về”, là “vầy”, sum vầy, hội tụ nhân dân khắp mọi nơi về chung vui.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”.

Phong cách mua bán “vui là chính”

Đến với chợ Viềng, du khách muốn mua được một món đồ cổ cũng phải có duyên. Vì dân Nam Trực từ lâu đã được liệt vào hàng giai thoại “thích thì bán, thích thì mua” đồ cổ… cho vui. Các “đại gia” thành phố sưu tầm về tích kho thì không nói làm gì, còn dân mua về chơi thật, đếm qua cũng chẳng được mấy ai, họ đều là những người tiêu tiền lẻ, nghiện thuốc lào, thế nên cho dù có thích cũng chỉ dám ngồi quây quần mân mê vài ba cái bát điếu cổ bị sứt sẹo to bằng vốc tay mà phán: “Nhất dáng, nhì da (men), tam toàn (độ nguyên vẹn), tứ khổ (kích cỡ)” cho vui tai mà thôi. Cụ Đinh Văn Phong, thôn Nhị tâm sự: “Cái bình vôi, cái liễn sành sứt mẻ hằng ngày có khi bị vứt lăn lóc ngoài góc vườn nhà mình, thế mà khi đem về đến chợ Viềng quê hương tôi bầy cho vui mắt vẫn có khách “sộp” mua lấy may với giá cao mới lạ”.

Để phục vụ từ 6 đến 8 vạn du khách hằng năm đổ về các chợ Viềng Nam Định, người dân đất Viềng đêm mồng 7 đã phải “hóa kiếp” không biết bao nhiêu “chú” bò, bê. Quanh các chợ Viềng cũng có lò mổ chuyên nghiệp, đồng thời có nhiều nhà chỉ đến ngày này anh em mới gọi nhau xả thịt vài ba con bê non, cốt là để có chút họp chợ lúc nửa đêm mà thôi, còn lời lãi không cần phải tính nhiều. Nhà nhà thui bò, người người thui bê làm cho khói rơm tỏa ra đặc quánh và cứ thế bảng lảng hòa trộn với làn sương xua tan cái âm khí màn đêm và “ánh sáng” từ những món đồ cổ, đồ cũ trong đêm càng thêm huyền diệu. Qua đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 là đến lúc cây cảnh, cây giống bầy bán la liệt ở chợ. Mặt hàng này thì người dân đất Viềng không còn được “độc tôn” nữa vì du khách tứ phương tiện thể chuyến xuất hành đầu xuân cũng đem theo vừa “bán lấy may” vừa để quảng bá vài chủng loại cây giống đặc sản của quê hương mình.

Với tinh thần “bán được là quý, mua được càng may”, cho nên phần lớn người đi trảy chợ “âm phủ” đều tìm thấy niềm vui, tìm thấy được cái cảm giác hư hư thực thực và tìm thấy được những thứ mình cần. Những cái “được” ấy chính là nét duyên ngầm, là lý do từ ngàn đời nay mà các chợ Viềng ở vùng đất cổ Nam Định đã quyến rũ được hàng vạn du khách thập phương đến hẹn lại hối hả đổ về.


TOP