Chùm ảnh độc phố cổ Thành Nam qua những bức tranh nghệ thuật

Chùm ảnh độc phố cổ Thành Nam qua những bức tranh nghệ thuật

Họa sĩ Hồ Y tên thật là Vũ Như Hồ Y, nguyên quán tại Nam Trực, Nam Định. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1946 và đã được tặng thưởng nhiều huy chương cao quý trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Nay đã ngoài 80 tuổi nhưng họa sĩ Hồ Y vẫn đang miệt mài trên con đường nghệ thuật, cái nghề mà ông vẫn luôn gọi là tay trái nhưng gắn với ông như một định mệnh suốt mấy chục năm qua.

Phố cầm đồ Bắc Ninh

Phố cầm đồ Bắc Ninh

Hồ Y là một họa sĩ chưa qua trường lớp chính quy nào, chỉ bằng con đường tự học mà thành tài. Ông đã phải phấn đấu, rèn luyện gian khổ hơn nhiều các họa sĩ khác. Hồ Y vẽ nhiều nhất về các phố cổ của Nam Định và chân dung những danh nhân nơi đây. Ngắm phố của Hồ Y, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu tha thiết của ông dành cho mảnh đất Thành Nam.
Họa sĩ Hồ Y đến với nghệ thuật bằng sự yêu thích và cũng rất tình cờ. Bắt đầu từ những năm tháng đi kháng chiến, ông được sống gần gũi với những họa sĩ danh tiếng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, đây cũng là những người đã giúp cho sự yêu thích hội họa của Hồ Y trở thành cái nghiệp sau này. Những năm tháng chiến tranh, tất cả điều kiện để cho Hồ Y theo đuổi hội họa rất thiếu thốn, nhưng bằng sự cố gắng, đam mê và kiên trì theo đuổi, ông đã thật sự tự học thành tài.
Phố Hoa Kiều

Phố Hoa Kiều

Năm 1960, Hồ Y ở quân đội chuyển ngành về Nhà máy Dệt Nam Định. Khi đó, nghề chính của ông là viết báo và làm biên tập cho tờ báo của nhà máy, còn về nghiệp vẽ chỉ là tay trái, tự học lấy. Luôn tự cho mình là một tay vẽ nghiệp dư vì không được đào tạo bài bản, cũng không có bằng cấp gì, nhưng những điều đó không làm ông chùn bước. Ông cho biết: “Thời đó, mỗi khi nhạc sĩ Văn Cao và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân về Nam Định lại đến chơi, xem tranh và động viên tôi. Cụ Văn Cao thường nhắc: “Cậu ở đất cụ Tú, thế hỏi cụ Tú có bằng cấp đâu mà cụ đã để lại cho chúng ta những bài thơ trào phúng bất hủ như thế… Cậu đừng có câu nệ, cứ cố gắng mà vẽ, vẽ nhiều sẽ thành công”. Những lời động viên đó đã giúp cho Hồ Y vững tin vào bản thân mình cũng như sự nghiệp cầm cọ vẽ.
Làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định một thời gian, ông nghỉ hưu sớm. Khi đó, miền Bắc đang trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với đồng lương hưu ít ỏi và lại đông con, vợ chồng ông phải vất vả xoay xở kiếm sống chứ đừng nói có điều kiện cho ông rảnh rang sáng tác. Ông thở dài: “Khi đó, giấy bút, màu vẽ tôi phải bòn nhặt từng thứ, vài ba cái bút cũ, dăm tờ giấy in báo và nhiều khi phải tự tạo lấy để mà vẽ.”
Phố Hàng Nón

Phố Hàng Nón

Sau khi thành công với hai bức tranh được Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Việt Nam mua và lưu trữ là “Bến đò Chè Nam Định” và “Đóng thuyền xi măng lưới thép”, từ đó Hồ Y đã tự tin vào mình. Ngoài các mảng tranh về đề tài công nhân dệt, tranh phong cảnh, tĩnh vật…, ông đã nảy ra ý tưởng ghi chép lại những con phố cổ còn sót lại của Thành Nam ở những năm 70. Phố cổ Nam Định có những đặc điểm riêng như các đoạn phố không có vỉa hè, những phố có vỉa hè lại không lát gạch mà xếp bằng những tảng đá xanh với những cột đèn màu đen. “Thật may mắn tôi đã kịp thời ghi lại được nhà của cụ Tú Xương ở phố Hàng Nâu; ngôi nhà số 7 phố Hàng Đồng, nơi ở thời thơ ấu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong.” – Họa sĩ Hồ Y cho biết.
Phố Hàng Song

Phố Hàng Song

Gần 20 tranh vẽ về phố cổ được ông thực hiện không chỉ lưu giữ lại được phần nào hồn cốt của một Thiên Trường cổ kính mà còn góp phần tái hiện hình bóng xưa cũ nay chỉ còn trong ký ức của những người con Thành Nam. Trước sự tàn phá của thời gian và đô thị hóa, những địa danh như: cảng Nam Định, bến đò Chè, cầu treo Đò Quan, ngõ Văn Nhân, phố nhà thờ Lớn, phố Hàng Song, phố khách người Hoa kiều, phố Hàng Nón, Hàng Nâu, phố Bắc Ninh, phố Hàng Đồng, phố Cửa Đông… của Nam Định xưa có lẽ chỉ còn được tìm thấy trong tranh của Hồ Y.
Phố Khách người Hoa Kiều

Phố Khách người Hoa Kiều

Những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, họa sĩ Hồ Y vẫn miệt mài sáng tác những tác phẩm về Thành Nam. Bên cạnh đó, ông còn chép lại những bức tranh phố của mình bằng chất liệu sơn dầu, đây là cách để ông lưu giữ được những tác phẩm của mình lâu hơn. Năm 2006, trong cuốn Artist Hồ Y, được NXB Văn hóa thông tin phát hành, 50 tác phẩm của họa sĩ Hồ Y không chỉ mang đến cho độc giả những ký ức và cảm nhận về Nam Định xưa mà còn cảm nhận được tình yêu của ông dành cho quê hương và con cháu mai sau.
Phố Nhà thờ lớn

Phố Nhà thờ lớn

Cây bàng phố Cửa Đông

Cây bàng phố Cửa Đông

Gốc đa phố Hàng Sắt

Gốc đa phố Hàng Sắt

Đền Hàng Sắt

Đền Hàng Sắt

Nhà thờ Khoái Đồng

Nhà thờ Khoái Đồng

Chùa Tháp Phổ Minh

Chùa Tháp Phổ Minh

Ngõ Văn Nhân

Ngõ Văn Nhân

Cầu Treo Đò Quan

Cầu Treo Đò Quan

Cầu Treo Đò Quan

Cầu Treo Đò Quan

Nhà Tú Xương phố Hàng Nâu

Nhà Tú Xương phố Hàng Nâu

Nhà Đặng Thế Phong ở phố Hàng Đồng

Nhà Đặng Thế Phong ở phố Hàng Đồng

Đóng thuyền xi măng lưới thép

Đóng thuyền xi măng lưới thép

Nguyễn Bính - Con đê đầu làng

Nguyễn Bính – Con đê đầu làng

Hải Ảnh – Sưu Tầm


TOP