Đảng viên làm đầu tàu, nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Đảng viên làm đầu tàu, nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là huyện thứ năm của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015 và là địa phương đầu tiên có 100% số xã, thị trấn hoàn thành tất cả 19 tiêu chí. Nhằm ổn định và nâng cao chất lượng các tiêu chí, Ban Thường vụ Huyện ủy ra Chỉ thị về đẩy mạnh xây dựng NTM bền vững và phát triển; theo đó, UBND huyện ban hành hai bộ tiêu chí dành cho xã, thị trấn và thôn, xóm, thống nhất thực hiện trong toàn huyện với phương châm: đảng viên làm đầu tàu, nông dân là chủ thể.

Khu quy hoạch vùng nuôi tôm xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định)

Tạo động lực để nông dân làm giàu

Từ xã Hải Hà qua Hải Đông rồi đến nhiều xã khác, điều dễ nhìn thấy là việc quy hoạch NTM của huyện ven biển Hải Hậu khá bài bản và quy củ. Đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, khu trồng cây dược liệu, vùng nuôi tôm, hay trồng lúa chất lượng cao,… được quy hoạch đồng bộ, thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất và đi lại. Là vùng lúa nổi tiếng, nhưng giờ đây Hải Hậu có nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập cao cho bà con.

Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở nuôi tôm của gia đình, anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Hợp Thành, xã Hải Đông cho biết, anh nuôi tôm hơn chục năm, nhưng gần đây mới “ăn nên, làm ra”. Anh đã trúng thầu 1,2 ha đất làm muối năng suất thấp để thực hiện chủ trương của xã là cải tạo thành các ao, đầm với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha. Sau này, anh làm thêm 32 bể nuôi tôm theo hướng công nghiệp, mỗi bể diện tích 25 m2, sau ba tháng nuôi có thể đạt 130 kg tôm. Để tránh dịch bệnh, nước biển được bơm trực tiếp vào bể, ao, đầm mà không qua hệ thống kênh mương. Với tổng vốn đầu tư gần 5,6 tỷ đồng, mỗi năm, anh Cường thu lãi hơn một tỷ đồng – con số không nhỏ với ngay cả người thành thị.

Phương châm xây dựng NTM được thực hiện thống nhất trong toàn huyện Hải Hậu là xây dựng cơ chế tạo động lực cho bà con mở rộng sản xuất, xây dựng thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp. Để triển khai, Đảng ủy xã Hải Đông quy hoạch tám vùng sản xuất, như: vùng lúa chất lượng cao, trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản,… Từ đó, bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Khai thác lợi thế ven biển, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản nước ngọt với diện tích 150 ha, thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm; hoặc trồng cây dược liệu trên diện tích 10 ha, thu nhập 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm,… Là một trong ba xã của huyện có điều kiện thích hợp với nuôi tôm, đến nay, Hải Đông đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp 36 ha, mỗi năm thu nhập hơn 36 tỷ đồng; có 22 ha ngoài đê nuôi vạng giống mỗi năm cũng thu 22 tỷ đồng. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Hải Đông huy động sức dân và các nguồn vốn khác, làm đường giao thông nông thôn, đèn chiếu sáng, trung tâm hành chính “một cửa”, thủy lợi nội đồng, lò đốt rác thải… Tất cả chín xóm đều có nhà văn hóa và khu thể thao liên xóm,… Năm 2014, xã được công nhận đạt chuẩn NTM và hiện nay đang triển khai chương trình nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phát triển một cách bền vững.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Đông Phạm Văn Hiên chia sẻ, xã sớm đạt chuẩn xây dựng NTM là do đã huy động và tạo động lực để bà con nông dân thật sự là chủ thể trong việc thực hiện chương trình mục tiêu này. Khi làm đường giao thông nội đồng, mỗi sào, các hộ đưa ra 15 m2 để làm đường và kênh mương; xã chỉ xây dựng các quy cách, còn lại đều do dân tổ chức bàn, thi công, giám sát và quyết toán. Các hạng mục công trình khác cũng vậy, UBND xã chỉ đạo chung, còn tổ chức thực hiện và giám sát đều do các xóm tự chủ.

Với phương châm nông dân là chủ thể xây dựng NTM, năm 2016 nhân dân các xã, thị trấn đóng góp hơn 27 tỷ đồng nâng cấp 437 km đường giao thông nội đồng, các nhà văn hóa… Từ xã Hải Đông, qua Hải Quang đến Hải Tây,… thôn, xóm nào nhà cửa cũng khang trang. Những con đường bê-tông phẳng lỳ, hai bên đường được phủ sáng các sắc hoa, nhất là hoa mười giờ, tôn lên vẻ đẹp thanh bình của một vùng quê. Chị em phụ nữ, thanh niên, hội viên nông dân, cựu chiến binh các xã đã đóng góp công sức và gần 400 triệu đồng để trồng hoa hai bên đường với tổng chiều dài 200 km, tạo cảnh quan môi trường chưa vùng nông thôn nào có. Hàng loạt hạng mục công trình khác được thực hiện để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM bền vững và phát triển của huyện Hải Hậu cũng đều do công sức và phần lớn số tiền đóng góp của bà con các thôn, xóm.

Công ty may Sông Hồng (huyện Hải Hậu) giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nông thôn.

Phát huy vai trò của chi bộ

Tại Nhà văn hóa xóm Tây Cát, xã Hải Đông, Bí thư Chi bộ xóm Cao Xuân Hùng giới thiệu với chúng tôi khá kỹ nội dung các bộ tiêu chí xóm, gia đình văn hóa; danh sách cá nhân, tập thể đóng góp xây dựng các công trình trong xóm. Đồng chí cho biết, xóm có tám cụm dân cư với 1.600 nhân khẩu, trong đó có 12 đảng viên. Bất cứ làm việc gì, chi bộ đều bàn trước, giao cho đảng viên phụ trách các hộ gia đình cùng với các tổ chức đoàn thể đến các hộ gia đình tuyên truyền, giải thích và vận động nhân dân ủng hộ. Đơn cử như các trang trại nuôi lợn, gà, gia đình đảng viên chăn nuôi gương mẫu làm hầm bi-ô-ga trước, sau đó mới vận động và yêu cầu nhân dân làm theo.

Để triển khai thực hiện chủ trương của Huyện ủy, hầu hết 538 thôn, xóm, tổ dân phố đều thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM bền vững và phát triển do bí thư chi bộ làm trưởng ban; các tiểu ban được kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Chi bộ tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sau đó họp dân; phân công đảng viên cùng các hội viên phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh phụ trách từng nội dung công việc của thôn, xóm. Các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, đảng viên đều báo cáo trước chi bộ kết quả công việc được phân công, tình hình các gia đình thực hiện bộ tiêu chí thôn, xóm NTM bền vững và phát triển, nhất là những vướng mắc, khó khăn để chi bộ cùng bàn hướng tháo gỡ.

Qua sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị về đẩy mạnh xây dựng NTM bền vững và phát triển của Ban Thường vụ Huyện ủy, kết quả đạt tương đối khá trên các lĩnh vực, nhưng cũng còn không ít việc chưa làm tốt, cần thúc đẩy trong những năm tới và đó là vai trò, trách nhiệm của chi bộ. Cụ thể như một số trang trại, gia trại chưa bảo đảm vệ sinh môi trường; việc xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư còn chậm; phong trào xây dựng nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp” mới tập trung ở 185 xóm,…

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh xây dựng NTM bền vững và phát triển, trong các ngày từ 16 đến 19-5 vừa qua, dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác Hồ, Huyện ủy tổ chức hội thi bí thư chi bộ giỏi tại tám cụm xã, với một trong những nội dung của hội thi là làm rõ vai trò của chi bộ đối với việc xây dựng NTM bền vững và phát triển. Hội thi không chỉ nhằm đánh giá hoạt động của chi bộ, nhất là trong xây dựng NTM, mà qua đó tìm các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, phát huy vai trò đầu tàu của đảng viên thôn, xóm, khu dân cư trong thực hiện mục tiêu, chương trình này.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Tìm, Bí thư Huyện ủy cho biết, xây dựng NTM là chương trình liên quan đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị,… khu vực nông thôn. Hải Hậu sớm về đích xây dựng NTM là do sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Nông dân là chủ thể, nhưng để phát huy tốt vai trò chủ thể ấy, đảng viên phải làm đầu tàu, gương mẫu đi trước để làng nước theo sau. Chương trình xây dựng NTM được lồng ghép với các chương trình kinh tế – xã hội khác của địa phương, nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền trong huyện. Hội thi bí thư chi bộ giỏi vừa được tổ chức cũng là sự gắn kết ấy, nhất là khi Hải Hậu đang thực hiện chương trình xây dựng NTM bền vững và phát triển.

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN và VIỆT THẮNG – nhandan.com.vn


TOP