Đền, chùa Thọ Tung Nam Trực Nam Định

Đền, chùa Thọ Tung Nam Trực Nam Định

Đền, chùa Thọ Tung, thôn Thọ Tung, xã Nam Hùng là hai công trình kiến trúc cổ xây dựng kề nhau trong một khu đất rộng nằm ở phía Tây thôn Thọ Tung. Căn cứ vào các nguồn tư liệu cổ thì đền, chùa Thọ Tung là chốn linh thiêng, là nơi thờ Phật, thờ Thánh; nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian hội hè truyền thống của nhân dân làng xã từ bao đời nay.

Đền Thọ Tung, thôn Thọ Tung xã Nam Hùng

Chùa được xây dựng từ thời Trần, đến năm Kỷ Tỵ (1629) đời vua Lê Thần Tông, thiền sư Bùi Huệ Tộ về tu hành và tôn tạo mở mang chùa cảnh. Đền Thọ Tung được xây dựng từ thời Lê là nơi thờ phúc thần Phụ quốc công Bùi Ngọc Oánh và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền chùa Thọ Tung ngoài thờ Phật còn thờ ba vị Thánh Đức Thánh Trần, Đức Thánh Bùi (Tướng quân Bùi Ngọc Oánh) và Đức Thánh Tu (Thiền sư Bùi Huệ Tộ).
Việc thờ Đức Thánh Trần tại Đền Thọ Tung mang một ý nghĩa tín ngưỡng là trừ tà diệt bệnh. Theo tương truyền, nhân dân trong thôn xã không may mắc phải một nạn dịch lớn làm nhiều người chết mà không có thuốc nào chữa khỏi, dân làng cầu cúng rước chân nhang Đức Thánh Trần từ Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc – Mỹ Lộc) về thờ. Nhờ có sự linh ứng phù hộ của Đức Thánh Trần nên người dân đã khỏi bệnh. Chuyện linh thiêng đó được người dân Thọ Tung tin sùng từ bao đời nay, việc linh thiêng chữa bệnh ứng nghiệm hẳn là một biến thể của niềm tin và kính phục của nhân dân không riêng gì ở Thọ Tung mà còn ở rất nhiều nơi có đền thờ Đức Thánh Trần.

Đền Thọ Tung nơi thờ Tướng quân Bùi Ngọc Oánh. Sách Nam Định địa dư chí lược do Khiếu Năng Tĩnh viết năm Tự Đức 32 (1879) cho biết.”Bùi Ngọc Oánh người xã Thọ Tung, huyện Tây Chân vốn gốc (Thanh Hóa) có công chống giặc Minh được thăng chức Phụ quốc Thượng Tướng quân, có sắc phong là phúc thần trong xã thờ làm Thành hoàng rất linh thiêng nay còn đền thờ”. Ngày nay, Tướng quân Bùi Ngọc Oánh không những được thờ tại Đền mà còn được thờ tại các Từ đường của các dòng họ trong làng. Bùi Ngọc Oánh sinh năm 1394, đến năm 1418 ông tập hợp dưới cờ nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi tại căn cứ Lam Sơn (huyện Thụy Nguyên, phụ Thiệu Hóa) để tham gia chống giặc Minh. Năm 1427 cuộc kháng chiến chống Minh hoàn toàn thắng lợi; Tướng quân Bùi Ngọc Oánh được triều đình tiến cử làm quan tại trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh). Nhân dân ở xã Mai Ổ, Lam Sơn, Phù Lưu, Bồng Lai thuộc huyện Quế Dương phủ Từ Sơn cũng như quê hương Thọ Tung, đều được ông quan tâm giúp đỡ xây dựng và phát triển làng xã. Câu đối tại Đền đã ghi:

“Kháng Minh hộ quốc hùng danh chấn

Khẩn thổ lưu dân nghĩa sự truyền”

(Chống giặc Minh giúp nước tiếng hùng non sông ghi nhớ

Khẩn đất vì dân việc nghĩa làng xóm còn lưu truyền)

Hoặc: “Bùi tộc lai cư dân Thủy Thịnh

Thọ Tung gia khẩn lễ sơ lương’’

(Họ Bùi khi tới ở đất này

dân cư trở lên thịnh vượng

Bèn khẩn thêm đất hoang cho làng Thọ

Lễ nghĩa từ đó sinh ra)

Đến năm 1475, vì tuổi cao sức yếu Tướng quân Bùi Ngọc Oánh qua đời ở tuổi 71, Triều đình sắc phong ông là: “Nhân đức Phúc Thần phụ quốc Công”. Từ đó cho đến ngày nay, trong tâm thức của mỗi người dân địa phương đều coi ông là bậc thánh “Đức Thánh Bùi”

Bên phải đền là chùa Thiên Bảo nơi thờ Phật, thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ; ông sinh năm 1566 (đời vua Lê Anh Tông) ở xã Chân Đàm nay là thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Ông là tác giả của sách “Kế Hư Lục” được viết trên cơ sở tác phẩm: “Khóa hư lục” của vua Trần Thái Tông, nội dung giảng về đạo Thiền với mục đích tuyên truyền tư tưởng tích cực của Phật mang tính độc lập của Phật giáo Việt Nam không bị phụ thuộc vào ý thức hệ Phật giáo nước ngoài.

Thiền sư Bùi Huệ Tộ là một bậc chân tu, ông đã đứng ra xây dựng nhiều ngôi chùa trong đó có chùa Thiên Bảo. Vì vậy, người dân ở đây tôn thờ ông là bậc Thánh – Đức Thánh Tu. Vào ngày 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ (1641 – niên hiệu Dương Hòa, đời vua Lê Thần Tông), Thiền sư Bùi Huệ Tộ cho xếp củi ở đầu thôn Cổ Tung rồi tự thiêu trước sự chứng kiến của người dân địa phương. Thiền sư đã được Triều đình nhà Nguyễn ban tặng bốn đạo sắc phong, nội dung ca ngợi công lao của ông đối với quê hương đất nước.

Công trình kiến trúc đền, chùa Thọ Tung được xây dựng trong một tổng thể hoàn chỉnh. Đền xây theo kiểu tiền chữ “Nhất” hậu chữ “Đinh” bao gồm Tiền đường 7 gian, Trung đường 5 gian, Cung cấm 3 gian. Chùa xây theo kiểu chữ “Đinh”, Tiền đường 5 gian, Tam bảo 3 gian. Các cấu kiện kiến trúc của hai công trình đền và chùa đều làm bằng gỗ Lim, Đá xanh được chạm khắc phong phú với đề tài Long, Ly, Quy, Phượng; Triện tàu là giắt, hoa lá cách điệu. Trong đó có một số mảng chạm khắc mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) và một số cổ vật được lưu giữ tại Đền – Chùa làm phong phú thêm giá trị nghệ thuật của di tích.

Lễ hội truyền thống tại di tích đền, chùa Thọ Tung được diễn ra vào đầu mùa xuân; qua mỗi kỳ lễ hội người dân địa phương lại có dịp hướng về cội nguồn để tri ân tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống ở một vùng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Di tích đền – chùa Thọ Tung đã trở thành một Trung tâm văn hóa làng xã, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần tự cường dân tộc, về đạo lý “uống nước nhờ nguồn”, về thân thế và sự nghiệp của những người có công với dân với nước. Đền, chùa còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian, phong tục hội hè, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân góp phần vào việc xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, năm 2001 đền, chùa Thọ Tung được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia./.

Trần Duy Huyền – Phó Giám đốc TT Văn hóa huyện Nam Trực


TOP